Nghĩ về một tuyến đường nhiều hy vọng
Hiện nay, để tạo sự kết nối liên hoàn từ rừng xuống biển, mở ra cơ hội hợp tác trên tuyến hành lang kinh tế giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh Nam Lào, Thái Lan (PARA-EWEC), chủ trương xây dựng Quốc lộ 15D được xem là dự án quan trọng nhất trong các dự án động lực, tạo bước đột phá, thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh Quảng Trị phát triển. Vào ngày 25/12/2024, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Long Hải đến thăm, làm việc tại Cửa khẩu quốc tế La Lay, kiểm tra tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D và Đề án băng tải vận chuyển than từ Lào về Việt Nam đã cho thấy mối quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh về sự cần thiết phải khai thông tuyến quốc lộ quan trọng này.
Từ “con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta”...
Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 7/4 (1907-2000), ông Đống Ngạc, nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã ghi lại ý tưởng của đồng chí Lê Duẩn về con đường Trường Sơn hiện đại, đăng trên báo Nhân Dân.
Theo nội dung bài báo thì vào năm 1973, sau khi Hiệp định Pa- ri về Việt Nam được ký kết, đồng chí Lê Duẩn đã đi thăm Binh đoàn Trường Sơn. Trong sổ vàng của đơn vị, đồng chí Lê Duẩn viết: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc, thống nhất nước nhà; là con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta...”.
Trong đoạn trích trên, theo chia sẻ của ông Đống Ngạc, ông đã gạch dưới hai vế. Song hồi đó, chúng ta thường chú ý đến vai trò chiến lược của đường Trường Sơn trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, chứ ít ai nhận rõ ý tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn muốn biến con đường phục vụ chiến tranh thành “con đường tương lai giàu có của Tổ quốc ta”.
Cũng theo bài báo, vào năm 1977, đi từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh bằng ô tô để khảo sát tình hình một số tỉnh miền Nam sau giải phóng, đồng chí Lê Duẩn nói đến nhiệm vụ phải nâng cấp Quốc lộ 1 và trong tương lai phải xây dựng lại đường Trường Sơn thành một con đường xuyên Việt hoàn chỉnh, hiện đại, song song với Quốc lộ 1 để bảo đảm giao lưu kinh tế thông suốt từ Bắc vào Nam và ngược lại.
Trong quá trình phát triển sẽ mở nhiều đường ngang như những nấc thang nối liền các thị xã, thành phố ở đồng bằng ven biển phía Đông với các trung tâm kinh tế, văn hóa đã và sẽ hình thành ở trung du, miền núi phía Tây. Ý tưởng này cũng được Tổng Bí thư Lê Duẩn nói với các ông Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện là những Ủy viên Trung ương Đảng từng phụ trách giao thông vận tải.
Trong nhiều lần đi thăm các tỉnh miền Trung những năm sau đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn đều nhấn mạnh: Các tỉnh miền Trung có lợi thế là có ba vùng: đồng bằng, miền biển, miền núi. Cho nên, trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế - văn hóa phải cố gắng khai thác đồng bằng đạt hiệu quả cao, đồng thời phải chăm lo phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và ra sức mở mang kinh tế ở trung du, miền núi.
Phải thấu suốt quan điểm từ đất đai, lao động mà đi lên, tìm mọi cách thay đổi từng bước cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng đi đôi với phân bổ lại lực lượng lao động cho hợp lý đối với từng vùng... (sách “Xây dựng Bình Trị Thiên thành một tỉnh giàu đẹp”, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1982, trang 48, 49).
Ông Đống Ngạc kể: “ Trong những chuyến đi thăm miền Trung, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đề nghị bố trí để đi một đoạn đường Trường Sơn từ Thành Mỹ đến Khâm Đức (Quảng Nam - Đà Nẵng) hoặc từ Đakrông đến A Sầu, A Lưới (Bình Trị Thiên) nhưng hồi đó đường xấu và an ninh chưa thật bảo đảm nên ban lãnh đạo các tỉnh nói trên không thu xếp được. Và chúng tôi chỉ đưa Tổng Bí thư Lê Duẩn đi một đoạn ngắn khoảng 15 km đường Trường Sơn Đông từ cầu Đakrông vào phía Nam, sau đó quay lại đường 9 để về Huế.
Trong ý tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn, đường Trường Sơn hiện đại là con đường xuyên Việt thứ hai, con đường kinh tế dân sinh hàng đầu đưa Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đồng thời là con đường đảm bảo quốc phòng- an ninh trong thời kỳ mới. Và ý tưởng đó đã nảy sinh ngay trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước quyết liệt nhất”.
...Đến mở ra không gian phát triển rộng lớn
Có thể thấy, việc xây dựng Quốc lộ 15D ở tỉnh Quảng Trị hiện nay bắt nguồn từ thực tiễn nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương đang đặt ra cấp bách, nhưng cũng là hiện thực hóa ý tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn gần 50 năm trước: “Trong quá trình phát triển sẽ mở nhiều đường ngang như những nấc thang nối liền các thị xã, thành phố ở đồng bằng ven biển phía Đông với các trung tâm kinh tế, văn hóa đã và sẽ hình thành ở trung du, miền núi phía Tây”.
Sau khi có Quyết định thành lập Khu kinh tế Đông Nam, một “nấc thang” là tuyến đường giao thông quan trọng được xác định sẽ khởi động triển khai, đó là Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay (Đakrông) về cảng biển Mỹ Thủy (Hải Lăng).
Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 15D có chiều dài tuyến khoảng 92 km, trong đó, đoạn từ cảng biển Mỹ Thủy đến Quốc lộ 1 dài 13,8 km, hiện UBND tỉnh kiến nghị trung ương hỗ trợ nguồn lực nâng cấp với tổng mức đầu tư dự kiến là 950 tỉ đồng và đã được Bộ Giao thông vận tải đồng ý chủ trương; đoạn từ Quốc lộ 1 đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 8 km, tỉnh đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho triển khai đầu tư theo hình thức đầu tư công có hỗ trợ vốn từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2024 với kinh phí ước 990 tỉ đồng; đoạn từ cao tốc Cam Lộ - La Sơn đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 34 km đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 5.662 tỉ đồng và kiến nghị hỗ trợ nguồn vốn nhà nước tham gia dự án 2.550 tỉ đồng.
Khảo sát đặc điểm của hai tuyến đường chính về Cửa khẩu quốc tế La Lay cho thấy, phía Lào tuyến đường 15B được kết nối từ Cửa khẩu quốc tế La Lay đến trung tâm tỉnh lỵ Salavan và nối với thành phố Pakse, tỉnh Champasak (trung tâm kinh tế - xã hội khu vực Nam Lào). Đường 15B từ tỉnh Salavan đến Cửa khẩu quốc tế La Lay có chiều dài gần 147 km đã được Chính phủ Lào đầu tư khoảng 200 triệu USD nâng cấp mở rộng với quy mô nền đường rộng 9 m, mặt đường rộng 8 m, kết cấu mặt đường láng nhựa, đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013. Như vậy có thể thấy, giao thông của hai tuyến đường chính về Cửa khẩu quốc tế La Lay đã được nâng cấp, tạo thuận lợi để kết nối các tỉnh Đông Bắc Campuchia, Đông Thái Lan, Nam Lào với miền Trung Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay về Quảng Trị.
Việc thiết lập thêm một Hành lang PARA - EWEC từ tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) đi Champasak (Lào) qua Cửa khẩu quốc tế La Lay đến tỉnh Quảng Trị là tuyến đường quốc tế quan trọng có tác động hỗ trợ trực tiếp đến tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC). Như vậy, Cửa khẩu quốc tế La Lay sẽ bổ sung cho Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tạo sự hỗ trợ lẫn nhau giữa hai tuyến EWEC (qua Lao Bảo) và PARA - EWEC (qua La Lay).
Khi Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị hình thành, phát triển, việc xây dựng Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay nối với cảng Mỹ Thủy trong tương lai sẽ rút ngắn khoảng 80 km so với lộ trình như hiện nay. Đối với ý tưởng của Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Chăm lo phát triển kinh tế biển, vùng ven biển và ra sức mở mang kinh tế ở trung du, miền núi...
Tìm mọi cách thay đổi từng bước cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng đi đôi với phân bổ lại lực lượng lao động cho hợp lý đối với từng vùng”..., có thể thấy rất rõ là, một trong những hiệu ích mang lại khi Quốc lộ 15D được mở ra, tiềm năng về đất đai cả một vùng rộng lớn của tỉnh từ phía Tây và Đông Nam huyện Đakrông, Nam huyện Cam Lộ, đến Đông Nam huyện Hải Lăng, thị xã Quảng Trị sẽ được khai thác hiệu quả, góp phần phân bổ lại dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Tầm quan trọng của tuyến quốc lộ này còn nằm ở chỗ mở hướng vận chuyển thuận lợi hàng triệu tấn hàng hóa mỗi năm từ Lào, Thái Lan về Quảng Trị rồi tỏa ra các tỉnh của Việt Nam hoặc xuất đi các nước khác thông qua hệ thống cảng biển của các tỉnh miền Trung, trong đó có cảng biển Mỹ Thủy tại Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nhất là khi hệ thống băng tải vận chuyển than từ Lào về Việt Nam được đưa vào vận hành.
Bên cạnh đó, hiện nay tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi qua Quảng Trị dài 37 km nhưng chưa có đường ngang kết nối với Quốc lộ 1. Sự bất tiện này sẽ khiến tuyến cao tốc có nguy cơ bị tắc đường không có lối mở nếu xảy ra sự cố giao thông, thiên tai, gây khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn, giải tỏa giao thông giữa hai tuyến. Khi Quốc lộ 15D được mở ra, những bất cập này sẽ được giải quyết thỏa đáng.
Quốc lộ 15D được xem là tuyến đường nhiều hy vọng, đóng vai trò “khai thông huyệt đạo”, tạo một lối mở thông thoáng từ La Lay về Quốc lộ 1 và cảng Mỹ Thủy, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị và cả khu vực miền Trung, do đó cần được triển khai tích cực.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nghi-ve-mot-tuyen-duong-nhieu-hy-vong-190769.htm