Nghĩa tình Sài Gòn Giải Phóng - Bài 2: Dấn thân vì cộng đồng
Với phương châm 'không để ai bị bỏ lại phía sau', trong hành trình 50 năm qua, Báo SGGP luôn là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với đồng bào bị thiên tai, bão lũ và những mảnh đời bất hạnh. Những nghĩa cử cao đẹp của bạn đọc, thông qua Báo SGGP, đến nơi cần hỗ trợ, đến hoàn cảnh cần giúp đỡ đã tiếp thêm nghị lực và niềm tin, giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Phóng viên Quốc Hùng trao hỗ trợ đến các gia đình bị thiệt hại nặng nề do bão Yagi (bão số 3, năm 2024) tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Hồi sinh sau bão dữ
Trước đây, làng Yều nằm biệt lập trên núi cao ở xã Cà Dăng (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam). Năm 2005, chính quyền địa phương đã vận động, đưa bà con trong làng xuống ngã ba sông Vàng và sông Côn ở xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc) định cư. Tháng 9-2006, cơn bão số 6 (bão Xangsane) ập vào khiến cả làng tan hoang. Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh, bạn đọc của báo đã đóng góp hơn 100 triệu đồng giúp bà con dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Cùng với sự hỗ trợ của một số đơn vị khác, 35 căn nhà đã được xây mới, kịp cho bà con làng Yều đón Tết Đinh Hợi 2007.
Trở lại thăm làng Yều, chúng tôi thấy làng đã đổi thay rõ nét, nhà nào cũng có xe máy, tivi, cuộc sống đã khá lên rất nhiều. Khi biết chúng tôi là PV Báo SGGP, già Đinh Phe (63 tuổi) liền mời vào nhà trò chuyện. Vừa đến hiên nhà, già Phe chỉ ngay lên tấm bảng ghi “Báo SGGP tặng”, và khoe gia đình ông là một trong 5 hộ được Báo SGGP tặng nhà sau cơn bão năm ấy. Già Đinh Phe nhớ lại: “Hồi đó, chúng tôi nghĩ chắc phải về làng cũ ở thôi vì nhà cửa sập cả. Sau nghe chính quyền thông báo được Báo SGGP vận động bạn đọc tặng tiền xây nhà mới, chúng tôi mừng lắm!”.
Cơn lũ lịch sử vào tháng 10-2020 khiến xã Tân Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chìm trong biển nước. Có 3 căn nhà hộ dân Trần Thị Thanh Thiệu, Nguyễn Thị Điểm (cùng thôn Hữu Tân), Nguyễn Thị Liễu (thôn Thế Lộc) bị sóng lũ đánh sập. Sau khi Báo SGGP phản ánh, bạn đọc đã về tận làng quê này, trao tận tay hơn 600 triệu đồng để hỗ trợ 3 hộ dân làm nhà mới. Trong đó, hộ bà Thiệu được hỗ trợ 300 triệu đồng, hộ bà Điểm được hỗ trợ 200 triệu đồng, hộ bà Liễu được hỗ trợ 150 triệu đồng. Cuối năm đó, cả 3 căn nhà được đưa vào sử dụng.
Khi trở lại vùng rốn lũ Tân Ninh, PV báo SGGP được bà Liễu mời vào nhà và kể: “Năm đó tôi đã 75 tuổi. Nhà bị sập, may có Báo SGGP viết bài, bạn đọc tặng 150 triệu đồng, mượn thêm ít nữa làm cái nhà kiên cố. Cơn lũ năm 2024 vừa rồi, may mà gia đình tôi có được căn nhà chắc chắn nên không còn cảnh chạy lũ nữa. Nghĩa đồng bào này tôi nhớ mãi, đến khi mất cũng dặn con cháu tri ân”. Ông Nguyễn Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, cho biết: “Trận lũ năm 2020, Báo SGGP đã đưa tin sớm nhất về thiệt hại của địa phương nên nhiều nhà hảo tâm kịp thời về chia sẻ, giúp bà con trong xã sớm ổn định đời sống, chăm lo sản xuất khi lũ rút. Đặc biệt, bạn đọc Báo SGGP đã giúp đỡ các nhà bị “sập trắng” có nhà mới kiên cố, vững chãi”.
Những mảnh đời sang trang
Để vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ những hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn, Báo SGGP mở chuyên mục “Địa chỉ cần giúp đỡ”, sau đổi thành “Hoàn cảnh cần giúp”. Nhờ sự giúp đỡ từ bạn đọc, cuộc sống của nhiều gia đình đã sang trang mới. Có người có vốn làm ăn, có người có nhà an cư, có người có đôi mắt sáng, đôi chân lành lặn, các cháu thiếu niên tiếp tục được cắp sách đến trường.
Trò chuyện với PV Báo SGGP, chị Y H Múp (xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) vui mừng cho biết, hiện nay, đôi chân tật nguyền của con gái chị là cháu Y Kiều Phương đã lành lặn, cháu có thể tự đi lại mà không cần dùng nạng. Đây là niềm hạnh phúc to lớn của gia đình. “Nhờ sự giúp đỡ của Báo SGGP, đôi chân Y Kiều Phương đã khỏe. Cháu còn tự đi học mà không cần nạng nữa. Thật vui mừng khi thấy con gái được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Gia đình tôi mang ơn Báo SGGP và bạn đọc của Báo”, chị Y H Múp bày tỏ.
Tại xã Đăk Côi, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, 4 ông cháu A Lương đã chuyển về căn nhà mới sinh sống, không còn lo nhà bị sập khi mưa gió. Căn nhà có tổng diện tích 240m2, được xây bằng nhiều nguồn, trong đó một phần từ nguồn hỗ trợ của Báo SGGP. Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, cho hay, ngoài việc hỗ trợ một phần tiền để xây nhà, Báo SGGP còn kêu gọi nhà hảo tâm giúp gia đình A Lương 1 chiếc xe máy cày trị giá 150 triệu đồng. Đây là “cần câu” giúp A Lương có sinh kế lao động để nuôi ông nội và 2 em.
Trong ngôi nhà xây kiên cố ở thôn Diên Đại, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, TP Huế do PV Báo SGGP kêu gọi đồng nghiệp, bạn đọc và chính quyền địa phương chung tay hỗ trợ xây dựng, Nguyễn Nữ Kiều Oanh dặn dò 3 đứa em gái mồ côi rồi xách hành lý ra buộc sau xe máy, di chuyển vào TP Đà Nẵng để tiếp tục học năm 2 ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Duy Tân. Cha bỏ đi, mẹ quẫn trí tự tử, Oanh phải vừa làm chị, vừa làm mẹ đàn em nhỏ 3 đứa nheo nhóc. Đồng cảm với hoàn cảnh ngặt nghèo của Oanh, PV Báo SGGP đã đề xuất Ban Biên tập Báo SGGP xem xét giúp đỡ, đồng thời nhờ một số đồng nghiệp và người thân chia sẻ bài viết của Báo SGGP trên mạng xã hội để kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ.
Sau khi Báo SGGP đăng bài “Bốn trẻ mồ côi mịt mù tương lai” (số ra ngày 10-7-2023), rất nhiều tổ chức, cá nhân đã trực tiếp đến thăm hỏi và giúp đỡ các cháu vượt qua khó khăn hoạn nạn. Bên cạnh việc Báo SGGP giúp 67 triệu đồng, PV Báo SGGP cùng đồng nghiệp, người thân đã kết nối để mọi người cùng chung tay giúp các cháu gần 500 triệu đồng - gồm tiền mặt, vật liệu xây dựng và nhiều ngày công - để xây dựng ngôi nhà kiên cố cho các cháu; lập sổ tiết kiệm để các cháu có điều kiện tiếp tục học hành.
Ngày 12-6-2023, Báo SGGP đăng bài “Hai mẹ con sống lay lắt dưới chân núi Gió” phản ánh về hoàn cảnh thương tâm của mẹ con chị Sờn Thị Dương. Gia đình chị Dương thuộc diện nghèo khó nhất bản Đôm 2 (xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An), thần kinh chị không được bình thường.
Trong một lần đi lang thang, chị bị dụ dỗ và sinh ra cháu Sờn Văn Nhận. Người thân và bà con bản Đôm 2 đã chung tay dùng tre nứa, lá cọ dựng cho 2 mẹ con một túp lều dưới chân núi Gió, nhưng qua thời gian, túp lều rách nát, gió lùa bốn bề, mưa dột; cứ đến mùa mưa bão là chính quyền xã và bản lại phải di tản hai mẹ con đến nơi an toàn. Sau khi Báo SGGP đăng bài viết, bạn đọc đã ủng hộ 20 triệu đồng; Hội Thiện nguyện - Tổ chức sự kiện Quỳ Châu kêu gọi được 50 triệu đồng, Công ty TNHH Mía đường Nghệ An ủng hộ 20 triệu đồng.
Từ số tiền này, chính quyền xã Châu Phong và bản Đôm 2 đã vận động mọi người tự nguyện góp ngày công để xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa cho mẹ con chị Dương, ngay bên túp lều dưới chân núi Gió. Biết được thông tin, Cửa hàng vật liệu Tân Phú Quỳ Châu (tại xã Châu Hội) hỗ trợ gạch lát nền trị giá 5 triệu đồng, một số cá nhân ở TP Vinh và thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu) tặng nồi cơm điện, giường, bàn ghế, gạo, mì tôm… Ông Lương Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Châu Phong, cảm động chia sẻ: “Đây thực sự là công trình của sự chung tay chở che cho những phận người thiệt thòi. Cảm ơn nghĩa cử của Báo SGGP”.
Tháng 9-2024, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào miền Bắc nước ta. Trước những thiệt hại quá lớn do bão gây ra, phóng viên Quốc Hùng đã ngay lập tức bay ra vùng tâm bão Quảng Ninh cứu trợ đồng bào khi hoàn lưu của bão vẫn còn đang hoành hành. Báo SGGP cũng nhanh chóng mở đợt vận động cứu trợ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Chỉ sau một thời gian ngắn, số tiền vận động hơn 11 tỷ đồng đã được Báo SGGP tổ chức cứu trợ trực tiếp, giúp bà con miền Bắc ổn định cuộc sống.