Nghịch lý điểm sàn

Với phổ điểm thi trung bình kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tính theo khối/ tổ hợp cao hơn năm trước từ 0,3-2,15 điểm, nhiều chuyên gia dự đoán điểm chuẩn đại học (ĐH) năm nay sẽ tăng. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH nhằm bảo đảm an toàn khi tuyển sinh lại đưa ra mức điểm sàn rất thấp, thậm chí 'chạm đáy' chỉ 4 điểm/ môn khiến Bộ GDĐT phải 'tuýt còi'.

Điểm sàn nhiều trường ĐH thấp “chạm đáy” Ảnh: Quang Vinh.

Điểm sàn nhiều trường ĐH thấp “chạm đáy” Ảnh: Quang Vinh.

Điểm sàn “chạm đáy”

ĐH Nội vụ cơ sở chính ở Hà Nội xét tuyển thấp nhất là 13 điểm với ngành Thông tin -Thư viện và chuyên ngành Chính sách công; Lưu trữ học; Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. ĐH Nội vụ tại phân hiệu Quảng Nam xét tuyển từ 12-13 điểm với những ngành Luật, Quản trị nhân lực, Quản trị văn phòng, Quản lý Nhà nước...

Trường ĐH Bạc Liêu công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào các ngành ĐH chính quy (không thuộc nhóm ngành sư phạm) của trường này có mức điểm tối thiểu không nhân hệ số là 13 điểm cho tất cả các tổ hợp xét tuyển; riêng ngành Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật là 12 điểm - mức điểm này bao gồm điểm 3 môn bài thi tương ứng theo tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Như vậy, với mức “điểm sàn” này, nếu thí sinh ở khu vực 1 (cộng 0,75 điểm), thuộc nhóm ưu tiên (cộng 2 điểm) thì thí sinh sẽ được cộng 2,75 điểm; mỗi môn thi thí sinh chỉ cần hơn 3 điểm là đỗ ĐH!

Cũng nhận hồ sơ xét tuyển ở mức từ 13 điểm, ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) có các nhóm ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Văn học (cử nhân). Với nhóm ngành Khoa học Sức khỏe, trường thông báo điểm sàn từ 20-21 điểm.

ĐH Thái Nguyên năm nay cũng thông báo điểm sàn xét tuyển từ 13 điểm ở hai trường thành viên là ĐH Nông lâm và ĐH Khoa học…

Tất cả các ngành của ĐH Quảng Nam cũng nhận xét tuyển từ 13 điểm (trừ các ngành Đào tạo Sư phạm). Đối với hệ cao đẳng, trường nhận hồ sơ xét tuyển từ 11 điểm.

Tại ĐH Xây dựng miền Trung (trụ sở chính tại Phú Yên) và phân hiệu tại Đà Nẵng, 13 điểm cũng là điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào các ngành Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông...

Tình trạng mặt bằng điểm sàn không cao ở một số trường đã được dự báo từ trước bởi trong cuộc cạnh tranh hút thí sinh năm nay, nhiều trường áp dụng cả việc xét tuyển bằng học bạ, xét tuyển kết hợp hoặc xét tuyển qua kết quả kỳ thi đánh giá năng lực… nhằm đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, như chia sẻ của một lãnh đạo trường ĐH ở Đồng bằng sông Cửu Long, dù hạ thấp điểm sàn thì cũng chưa chắc đã tuyển đủ chỉ tiêu do đặc thù ĐH địa phương, ĐH vùng khó hút thí sinh hơn các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ ở các thành phố lớn.

Gây “nhiễu” cho thí sinh

Mặc dù đã nhiều lần nhấn mạnh về việc điểm sàn chỉ là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, không phải điểm chuẩn trúng tuyển vào trường, song người viết bài này từng hơn một lần nhận được câu hỏi kiểu “điểm thi của em là 16, trường lấy điểm sàn là 15 điểm, tức thừa hẳn 1 điểm là trúng tuyển đúng không?”. Hiểu lầm này dẫn đến việc khi các trường công bố điểm sàn thấp như trên, nhiều thí sinh tự tin đăng ký vào trường mà không dự đoán được, thực tế điểm chuẩn sẽ cao hơn rất nhiều.

Chỉ còn 3 ngày nữa chính thức kết thúc thời hạn thay đổi NV đăng ký xét tuyển ĐH năm 2019. Thời gian này, nhiều thí sinh đang đau đầu cân nhắc có nên thay đổi NV không, thay đổi thế nào trước khi có quyết định điều chỉnh lần cuối cùng. Những trường có mức điểm sàn thấp khiến thí sinh có điểm thi bằng hoặc chênh lệch 1,2 điểm rất băn khoăn về cơ hội đỗ. Điều thí sinh mong muốn, đó là điểm sàn các trường ĐH công bố sát thực với điểm chuẩn nhằm giúp các em có quyết định đúng khi chọn ngành.

Phân tích từ tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay của các trường là 500.000 chỉ tiêu trong khi cả nước có khoảng 652.000 thí sinh dự thi THPT Quốc gia lấy kết quả xét tuyển cho thấy, cơ hội trúng tuyển của thí sinh có xác suất cao. Đó là chưa kể chỉ tiêu dành cho xét tuyển qua học bạ hoặc hình thức khác. Quan trọng là thí sinh lựa chọn trường, ngành cho phù hợp với điểm thi.

Theo các chuyên gia dự báo, điểm chuẩn trúng tuyển của các trường tăng theo xu thế phổ điểm, nhưng chỉ tăng ở những trường top đầu, ngành có đông thí sinh đăng ký và các trường khối công an, quân đội, y, dược. Còn lại, các trường top giữa, trường ngoài công lập và trường ĐH địa phương, nhìn chung điểm chuẩn sẽ ổn định.

Không nên đánh đổi chất lượng lấy số lượng

Trước thông tin nhiều trường ĐH công bố điểm sàn thấp, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các trường ĐH có xác định điểm sàn xét tuyển dưới mức 14 điểm phải làm giải trình gửi Bộ. Bộ đánh giá, với mức sàn dưới 14 điểm, chỉ hơn 4 điểm 1 môn là mức điểm quá thấp, không đủ cơ sở đánh giá năng lực của một học sinh.

Kết quả phân tích dữ liệu điểm thi 2019 cho thấy: Số thí sinh đạt ngưỡng 13 điểm năm nay tương đương với ngưỡng 12 điểm của năm ngoái. Do đó, nếu trường nào xác định điểm sàn 13 điểm thì thí sinh chỉ cần đạt trung bình mỗi môn 3,08 điểm là đủ điều kiện xét tuyển ĐH.

Dù không quy định điểm sàn chung như trước đây, song đại diện Bộ GDĐT khuyến cáo các trường ĐH không nên đánh đổi chất lượng để lấy số lượng nguồn tuyển.

Ngay sau động thái kiên quyết này của Bộ GDĐT, hàng loạt trường ĐH đã ra thông báo điều chỉnh nâng điểm sàn.

ĐH Đà Nẵng điều chỉnh điểm sàn năm 2019 với phân hiệu tại Kon Tum theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 là 14 điểm thay vì mức 12,5 trước đó đã công bố đối với tất cả các ngành, riêng ngành Giáo dục Tiểu học là 18 điểm.

Trường ĐH Đồng Tháp tăng điểm sàn năm 2019 lên mức 14 điểm đối với tất cả các ngành ngoài Sư phạm, thay vì 13,5 điểm như thông báo trước đó.
ĐH Phú Yên cũng điều chỉnh mức điểm sàn ĐH từ 13 lên 14 điểm (trừ các ngành Đào tạo Sư phạm).

Những điều chỉnh này một lần nữa cho thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các trường trong việc tuyển sinh. Làm sao để tránh tình trạng “vơ bèo vạt tép”, tuyển sinh lấn sân sang khối CĐ phải bằng các chế tài, quy định cụ thể.

Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng -Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT - Luật Giáo dục ĐH 2019 đã quy định rõ: Những cơ sở đào tạo vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo. Hiệu trưởng hoặc Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người liên quan sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Việc tự chủ tuyển sinh phải đảm bảo chất lượng, trách nhiệm với người học và xã hội.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT Mai Văn Trinh cũng cho rằng, các trường cần bảo đảm chất lượng ngay từ khâu đầu vào. Không nên tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo, vạt tép” làm mất uy tín, thương hiệu của các trường.

“Khi trường đưa ra mức điểm sàn thấp không làm học sinh “chết oan” bởi Bộ GDĐT cho phép thí sinh có nhiều NV. Tuy nhiên, thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn các năm trước để đăng ký NV1, NV2... Trong trường hợp NV1 là mong muốn lớn nhất không đạt được, thí sinh vẫn có cơ hội ở các NV tiếp sau mà vẫn đáp ứng điều kiện của mình” - PGS.TS. Nguyễn Thị Hảo - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết.

Điểm sàn Sư phạm cao?

Hội đồng điểm sàn đã xác định điểm sàn đối với trình độ ĐH Sư phạm là 18 điểm; điểm sàn đối với trình độ CĐ Sư phạm là 16 điểm và trung cấp Sư phạm là 14 điểm. Trong bối cảnh một số trường có đào tạo sư phạm những năm gần đây liên tiếp gặp khó khăn nguồn tuyển, thì đây là mức điểm sàn khá cao. Bên cạnh đó, so với năm 2018, tổng số NV đăng ký xét tuyển ngành này năm nay giảm gần 8%. Cụ thể, qua tổng hợp số lượng NV đăng ký xét tuyển ĐH năm 2019 của thí sinh, cả nước có 115.311 NV đăng ký xét tuyển ngành Sư phạm, trong đó có 39.789 NV1 ngành Sư phạm.

Tổng chỉ tiêu đào tạo ngành Sư phạm năm 2019 tăng 30% so với năm 2018. Cụ thể, năm 2019, tổng chỉ tiêu đào tạo ngành Sư phạm của các trường trên cả nước là 46.285 sinh viên (trong khi năm 2018, tổng chỉ tiêu ngành này là 35.590 sinh viên). Số chỉ tiêu xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 29.690 sinh viên (tăng gần 22% so với năm 2018); số chỉ tiêu còn lại dành cho các phương thức xét tuyển khác của các nhà trường.

Lý giải của Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng: Với ngưỡng điểm sàn này, ở trình độ ĐH, số dư nguồn tuyển của các ngành đào tạo giáo viên khoảng 1,51/1 chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy, ở ngưỡng điểm sàn Sư phạm trên, các trường vẫn có hệ số dôi dư để xét tuyển.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/nghich-ly-diem-san-tintuc443213