Nghịch lý doanh nghiệp sản xuất phân bón xin được chịu thuế

Kinhtedothi – Trong khi các ngành liên tục xin miễn, giảm thuế, thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón lại tha thiết xin được đưa vào thành đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Đây thực sự là một nghịch lý do Luật thuế 71/2014/QH13 đã quá lỗi thời.

Doanh nghiệp ngành phân bón giảm lợi thế cạnh tranh

Vừa qua, một số doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón lớn như Công ty CP Phân bó Dầu Khí Cà Mau, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí… đồng loạt kiến nghị Chính phủ và Quốc hội về việc sớm thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật thuế 71/2014/QH13, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu.

Lý do các doanh nghiệp này xin được chịu thuế VAT, bởi từ năm 2015 trở lại đây, mặt hàng phân bón từ diện áp thuế VAT 5% đã chuyển sang đối tượng không chịu thuế VAT theo Luật thuế 71. Điều này dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất, kinh doanh phân bón của doanh nghiệp không được khấu trừ, nên phải hạch toán phần thuế này vào phần chi phí làm cho giá thành sản phẩm tăng lên từ 5%-8%. Kéo theo đó là giá phân bón đến tay người nông dân cũng bị tăng theo.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón đồng loạt kiến nghị được đưa vào đối tượng áp thuế VAT

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón đồng loạt kiến nghị được đưa vào đối tượng áp thuế VAT

Chia sẻ thực tế từ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình Nguyễn Gia Thế cho biết, năm 2022, Công ty sản xuất 400.000 tấn phân bón, tương đương tổng số thuế VAT của nguyên vật liệu, dịch vụ vật tư sản xuất phân bón không được khấu trừ lên tới 214 tỷ đồng. Như vậy, mỗi tấn phân bón sẽ phải gánh thêm chi phí là 500.000 đồng.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao Vũ Xuân Hồng cho biết, trung bình mỗi năm, chi phí không được khấu trừ đầu vào của Supe Lâm Thao khoảng 100 tỷ đồng, kéo theo giá thành sản phẩm của Công ty tăng lên 6-7%.

Tổng Thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam Phùng Hà cho biết, sau 8 năm đi vào cuộc sống, Luật thuế 71 với quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT đã bộc lộ những bất cập. Việc đưa mặt hàng phân bón vào danh mục không chịu thuế giá trị gia tăng VAT không những không kéo giá phân bón trong nước giảm, mà ngược lại còn gây nên một số tác động tiêu cực, khiến Nhà nước thất thu, doanh nghiệp chịu thiệt hại, nông dân chiệu thiệt hại kép với phân bón giả và phân bón giá thành cao. “Giá trị của ngành phân bón hiện nay là 100 nghìn tỷ đồng, với quy mô và tỷ lệ thuế không được khấu trừ ở mức 5%, thì các đơn vị toàn ngành gánh chịu 3.000 – 4.000 tỷ đồng/năm” - ông Tổng Thư ký Hiệp hội phân bó Việt Nam Phùng Hà chia sẻ.

Theo số liệu của Bộ Công thương, ước tính khi thực hiện Luật 71, giá thành phân đạm tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2-6,1%.

Theo ông Phùng Hà, việc mặt hàng phân bón sản xuất trong nước không thuộc danh mục các mặt hàng chịu thuế VAT còn tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các sản phẩm phân bón nhập khẩu và sản phẩm phân bón sản xuất trong nước. Ngành phân bón Việt sẽ bị thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Hơn nữa, do được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán phân bón để cạnh tranh với phân bón nội địa.

Áp mức thuế bao nhiêu là hợp lý?

Sau 8 năm đi vào cuộc sống, Luật thuế 71 với quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT đã bộc lộ những bất cập lớn và rất nhiều lần các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà kinh tế phản ánh cùng với những số liệu thống kê cụ thể về những thiệt hai. Do đó, các doanh nghiệp phân bón trong nước kiến nghị cấp bách đến Quốc hội, Chính phủ sớm có những điều chỉnh, sửa đổi để chính sách thuế đối với phân bón thật sự mang lại lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) nêu quan điểm, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặt hàng phân bón là mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp nên chính sách thuế VAT của nhiều nước được thiết kế theo hướng ưu đãi hơn so với các mặt hàng thông thường khác. Việc áp thuế suất hợp lý với mặt hàng phân bón sẽ giúp sản xuất trong nước có thêm điều kiện để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, từ đó thêm cơ hội để hạ giá phân bón so với phân bón nhập khẩu.

Theo ông Thịnh, căn cứ vào tình hình thực tế trong nước, áp thuế VAT cho ngành phân bón mức 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chêch lệch giảm trừ ở VAT đầu vào ở mức 7-8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm từ 2-3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn.

Ngoài ra, các sản phẩm phân bón nhập khẩu cũng phải tính thuế VAT 5%, khiến giá bán cao lên, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong khi ngân sách nhà nước cũng có lợi nhờ thu được 5% của các sản phẩm nhập khẩu. “Còn nếu áp dụng mức 0%, các sản phẩm phân bón nước ngoài lại không phải đóng thuế, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước. Trong khi ở mức từ 7-10 % thì sẽ không thể hiện được ưu đãi của nhà nước với ngành này” - ông Thịnh nêu rõ.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, tại Dự thảo đề nghi xây dựng luật thuế VAT, Bộ Tài chính đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế như quy định hiện hành sang đối tượng chịu thuế VAT, với mức thuế suất là 5%. Với đề xuất áp thuế VAT 5% với phân bón, số thuế đầu vào của doanh nghiệp phân bón sẽ được khấu trừ khoảng 950 tỉ đồng; số thuế VAT đầu vào còn lại (khoảng 250 tỉ đồng) sẽ được khấu trừ vào kỳ tiếp theo hoặc được hoàn thuế.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nghich-ly-doanh-nghiep-san-xuat-phan-bon-xin-duoc-chiu-thue.html