Nghịch lý thiếu dầu ăn tại nước xuất khẩu nhiều dầu cọ nhất thế giới
Tại Indonesia, một quốc gia chuyên xuất khẩu dầu cọ thô, tình trạng tăng giá phi mã và khan hiếm dầu ăn đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường bán lẻ của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.
Tình trạng khan hiếm dầu ăn
Trong khoảng thời gian vài tháng qua, người dân Indonesia đã phải chịu đựng tình trạng thiếu hụt dầu ăn hoặc giá dầu ăn tăng cao tới mức những người có thu nhập thấp – cộng đồng chiếm phần lớn trong tổng số 270 triệu người của quốc gia này – không thể mua được. Người dân phải xếp hàng dài chờ đợi để mua mặt hàng này trong khi các quầy hàng tại các siêu thị và cửa tiệm luôn ở trong tình trạng cháy hàng.
Trong khi đó tại một số siêu thị ở Jakarta, người dân chỉ có thể tìm thấy các loại dầu ăn nhập khẩu làm từ hạt cải, hướng dương và ngô với giá ít nhất từ 5 USD/ lít trở lên.
Cô Mdm Listiana, một người bán hàng rong tại Jakarta trao đổi với hãng tin CNA rằng cô không thể tìm được nơi mua dầu ăn trong nhiều tuần qua. Trước đây, cô thường mua dầu ăn ở một khu chợ nhỏ gần nơi ở của mình, nhưng do nguồn cung khó tìm, cô buộc phải mua dầu ăn số lượng lớn tại một khu chợ truyền thống. Thêm vào đó, dầu ăn số lượng lớn cũng là loại dầu được bán trong túi nilon mà không có bất kỳ thông tin nào về thương hiệu đi kèm.
Anh Putra Jaya, chủ một cửa hàng bán lẻ cũng cho biết anh hiện chỉ mua được dầu ăn số lượng lớn được đóng túi sơ sài. Theo anh, loại dầu ăn cao cấp được đóng gói cẩn thận đã hết hàng trong 3 tuần. Trên hết, kể cả nếu loại dầu này có sẵn thì anh cũng phải trải qua những cuộc cạnh tranh khốc liệt với những người bán hàng khác. Anh chia sẻ trong 15 năm bán hàng tại chợ truyền thống Kebayoran Lama ở Nam Jakarta, tình trạng này chưa từng xảy ra.
Do không thể đảm bảo nguồn cung dầu ăn, có nhiều người bán hàng thậm chí đã từ bỏ việc bán dầu ăn. Nếu vẫn có thể bán thì những người bán hàng như cô Listiana cũng cho biết mình không thể đảm bảo chất lượng của loại dầu ăn được đóng túi này. Dù không biết được liệu 2 loại dầu ăn đóng túi đơn giản và đóng túi cao cấp có sự khác biệt nào không, cô vẫn quyết định tiếp tục bán vì cô cần phải kiếm sống.
Tình trạng khan hiếm dầu ăn còn ảnh hưởng trực tiếp tới những người bán đồ ăn nhanh như anh Rudi Saputra. Anh cho biết mình đã buộc phải làm ít đồ ăn hơn vì nếu anh tăng giá thực đơn, khách hàng sẽ ngần ngại và không quay lại nữa.
Theo người đứng đầu Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Indonesia (PHRI) Hariyadi Sukamdani, sự khan hiếm dầu ăn cũng đang gây ảnh hưởng đến các nhà hàng trên khắp đất nước. Tại một số nơi, các món ăn cần được nấu bằng dầu ăn đã bị loại khỏi thực đơn.
Tình trạng thiếu hụt này đang đặt ra một câu hỏi lớn cho nhiều người do Indonesia vốn là nhà sản xuất dầu cọ thô (CPO) lớn nhất thế giới. Theo Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (GAPKI), Indonesia cũng sản xuất tới 47 triệu tấn dầu CPO vào năm 2021. Loại dầu này cũng đồng thời được phần lớn người dân sản xuất và sử dụng cho nhu cầu nấu ăn và các nhu cầu buôn bán khác. Vì vậy, trên lý thuyết nguồn cung dầu không phải là một vấn đề nghiêm trọng.
Dầu ăn được bán theo túi không có nhãn mác tại Indonesia. Ảnh: CNA
Khởi nguồn của nghịch lý
Vào tháng 11 năm ngoái, giá dầu CPO toàn cầu rơi vào khoảng 1.300 USD / tấn. Tuy nhiên trong khoảng thời gian gần đây, con số này đã tăng lên khoảng 1.600 USD / tấn. Trong khi dầu ăn ở Indonesia thường được bán với giá khoảng 0,97 USD đến 1,04 USD / lít, giá cũng bắt đầu tăng từ cuối năm ngoái theo đà tăng toàn cầu của dầu CPO.
Tới đầu năm 2022, giá dầu trên khắp các vùng thuộc Indonesia đã tăng hơn 40%. Tuy chính sách của chính phủ quy định giá dầu chỉ được bán ở ngưỡng 0,97 USD / lít, không phải doanh nghiệp nào cũng tuân thủ quy định. Vào cuối tháng 1, chính phủ Indonesia đã phải đưa ra một chính sách mới để ngăn giá cả tăng vọt.
Cụ thể, giá dầu ăn số lượng lớn được quy định ở ngưỡng 0,8 USD / lít trong khi giá dầu ăn đóng gói đơn giản ở mức 0,94 USD / lít. Đối với loại dầu ăn đóng gói cao cấp được bán trong siêu thị quen thuộc với mọi người, mức giá sẽ là 0,97 USD / lít.
Sau khi chính sách này được ban hành, tình hình vẫn không được cải thiện và các nhà bán lẻ vẫn tiếp tục bán cao hơn mức giá được quy định. Do đó, chính phủ Indonesia vào tháng 2 lại tiếp tục yêu cầu các nhà xuất khẩu dầu cọ phải phân phối 20% sản lượng CPO của mình cho thị trường trong nước theo một chính sách được gọi là Nghĩa vụ Thị trường Nội địa (DMO).
Tuy nhiên, thay vì giải quyết được tình trạng, vấn đề lại càng trở nên phức tạp hơn nữa. Tình hình căng thẳng tại Ukraine đã gây ảnh hưởng đến việc cung cấp các loại dầu thực vật khác và do đó đẩy giá dầu cọ lên cao hơn nữa. Không lâu sau đó, dầu ăn bắt đầu trở nên khan hiếm tại Indonesia và mọi người bắt đầu phải xếp hàng để được mua mặt hàng này. Nếu có mua được, một số nhà bán lẻ cũng quy định rằng một người chỉ có thể mua tối đa 2 lít dầu ăn.
Người dân Indonesia xếp hàng mua dầu ăn tại Palembang, Indonesia. Ảnh: AFP
Giải pháp hiện tại
Trước yêu cầu DMO của chính phủ, ông Tofan Mahdi, trưởng bộ phận truyền thông của GAPKI, cho biết một số nhà sản xuất đã phản đối chính sách này với lý do sẽ không giúp giải quyết được tình hình hiện tại. Ông Mahdi khẳng định nguồn cung CPO tại Indonesia luôn đầy đủ và vấn vấn đề không nằm tại đây mà tại quy trình sản xuất và chuỗi phân phối.
Do sức ép từ công chúng, cảnh sát Indonesia cũng đã tiến hành điều tra thị trường và phát hiện ra có nhiều người bán hàng đang đầu cơ tích trữ dầu ăn. Vào cuối tháng 2, cảnh sát Bắc Sumatra đã phát hiện được ít nhất 3 nhà kho tích trữ dầu ăn, trong đó 2 nhà kho thuộc về 2 khu chợ nổi tiếng nhất cả nước là Sumber Alfaria Trijaya và Indomarco Prismatama.
Trong khi đó, kho hàng thứ 3 thuộc về chợ Salim Ivomas Pratama, khu chợ có liên kết với tập đoàn Salim Group - một trong những tập đoàn lớn nhất của Indonesia chuyên sản xuất mọi thứ từ dầu ăn cho tới mì ăn liền Indomie. Ngoài các kho hàng này, cảnh sát cũng phát hiện ra các kho dầu ăn ở các khu vực khác như Nam Kalimantan và Depok ở ngoại ô Jakarta.
Theo Bộ trưởng Thương mại Muhammad Lutfi, vì giá dầu CPO toàn cầu tăng vọt, những người trước đây không có ý định gian lận đã quyết định gian lận. Vì vậy để giải quyết tình hình, chính phủ cuối cùng thông báo sẽ tăng giá bán lẻ đối với dầu ăn số lượng lớn lên 0,97 USD / lít từ mức giá trần trước đó là 0.8 USD / lít. Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto cũng cho biết giá trần của dầu ăn đóng gói cả đơn giản lẫn cao cấp đều sẽ bị loại bỏ cùng với lệnh hạn chế xuất khẩu.
Với các động thái này, giới chức Indonesia hy vọng các nhà sản xuất sẽ bán sản phẩm của mình trong nước thay vì lựa chọn tích trữ. Các chuyên gia cũng đưa ra dự đoán tình trạng thiếu hụt dầu ăn sẽ được bình ổn, tuy nhiên có thể sẽ tốn thêm vài tuần nữa.
Trong khi quá trình này vẫn đang được các cơ quan chức năng của Indonesia giải quyết, những người bán hàng bình thường như cô Mdm Listiana chỉ có thể hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện. Cô cho biết vấn đề này vô cùng trọng yếu với gia đình cô vì cô còn cần phải kiếm sống. Trên hết, cô cũng cần phải đưa những đứa con của mình tới trường học.