Nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển Đặc khu Phú Quốc

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu kiến nghị về chủ trương xây dựng, ban hành 'Cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển Đặc khu Phú Quốc'.

Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu kiến nghị về chủ trương xây dựng, ban hành "Cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển Đặc khu Phú Quốc".

Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu kiến nghị về chủ trương xây dựng, ban hành "Cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển Đặc khu Phú Quốc".

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6408/VPCP-QHĐP ngày 10/7/2025 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về việc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, Thường trực Tỉnh ủy An Giang.

Thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang, Thường trực Tỉnh ủy An Giang (Thông báo số 228-TB/VPTW ngày 16 tháng 6 năm 2025 của Văn phòng Trung ương Đảng), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long có ý kiến như sau:

Về cơ chế, chính sách phát triển Phú Quốc (Đặc khu Phú Quốc), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý kiến nghị về chủ trương xây dựng "Đề án quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy chính quyền Đặc khu Phú Quốc thuộc tỉnh An Giang".

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị: (i) Về chủ trương xây dựng, ban hành "Cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển Đặc khu Phú Quốc"; (ii) Về cho người Việt Nam vào chơi casino sau thời gian thực hiện thí điểm tại Phú Quốc.

Về đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị về xem xét cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án trọng điểm, cụ thể: (i) Dự án Xây dựng Cầu Tân Châu - Hồng Ngự; (ii) Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến Cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi cửa khẩu Khánh Bình; (iii) Tuyến đường tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung; (iv) Xây dựng tuyến đường liên kết vùng - cầu Tôn Đức Thắng (kết nối thành phố Long Xuyên với huyện Chợ Mới qua cồn Mỹ Hòa Hưng); (v) Đầu tư Dự án Đường tỉnh 956 và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 950 và đoạn kết nối Quốc lộ 110 tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia; (vi) Đẩy nhanh đầu tư các tuyến cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh An Giang.

Đồng thời, nghiên cứu, xử lý các kiến nghị về hỗ trợ xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong các kết luận thanh tra, kiểm tra liên quan đến đất đai, xây dựng, dự án đầu tư,... được áp dụng theo Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa đối với các dự án đang còn vướng mắc pháp lý theo các kết luận thanh tra, kiểm tra, giúp khơi thông nguồn lực, tránh thất thoát, lãng phí thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị về hướng dẫn, hỗ trợ các cơ chế, chính sách, thủ tục triển khai đúng tiến độ các dự án phục vụ Hội nghị APEC 2027, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nếu vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ; về sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho vùng liên quan đến vấn đề quy hoạch, tài chính ngân sách, thuế, đất đai, xây dựng, quản lý tài nguyên, kinh tế biên mậu để bảo đảm phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp chặt chẽ với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực về tài chính và công nghệ để đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, thế mạnh của từng địa phương trong vùng. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chủ động cập nhật, cung cấp thông tin các lĩnh vực ưu tiên đầu tư trên địa bàn, lồng ghép vào các hoạt động xúc tiến đầu tư của các đoàn Lãnh đạo cấp cao trong nước và nước ngoài, cũng như cung cấp cho các đối tác đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý kiến nghị: Tiếp tục hỗ trợ tỉnh An Giang và các tỉnh/thành vùng đồng bằng sông Cửu Long triển khai có hiệu quả Đề án 01 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn tỉnh để thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa sản xuất nông nghiệp bền vững, giúp tăng thu nhập cho nông dân khi tham gia Đề án này.

Về đầu tư đoạn tuyến cao tốc Rạch Giá - Bạc Liêu giai đoạn 2026 - 2030, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang huy động nguồn lực của địa phương, nguồn lực từ khu vực tư nhân (theo phương thức đối tác công tư); Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Tỉnh trong quá trình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho đầu tư sớm hơn so với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Về đầu tư tuyến Quốc lộ 80C trên địa bàn tỉnh An Giang,Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang thực hiện việc đầu tư, quản lý, sử dụng, khai thác Quốc lộ 80C theo thẩm quyền quy định tại Luật Đường bộ và Nghị định số 165/2024/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2024của Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện hoặc các nội dung vượt thẩm quyền (nếu có); đồng kính gửi Văn phòng Trung ương Đảng để báo cáo đồng chí Tổng Bí thư trước ngày 30 tháng 07 năm 2025.

Thanh Quang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nghien-cuu-co-che-chinh-sach-dac-biet-phat-trien-dac-khu-phu-quoc-102250710183129607.htm