Nghiên cứu đường sắt tốc độ cao 250 km/h, khai thác 180-225 km/h
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về phương án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Tháng 10/2022, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất hai phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với 2 phương án. Trong đó, phương án một là, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435 mm (hiện là khổ đơn 1.000 mm) để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180 km/h, tàu hàng tối đa 120 km/h. Kịch bản này chi phí đầu tư khoảng 42 tỷ USD, tận dụng một phần hạ tầng hiện hữu như quỹ đất, kho bãi, mặt bằng, các doanh nghiệp trong nước có khả năng tiếp cận công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa cao.
Phương án hai là, xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225 km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD. Ưu điểm của kịch bản này là hình thành tuyến đường sắt mới để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới; vận tải hàng hóa trên cả khổ đường 1.000 mm và khổ 1.435 mm.
Được biết, hai kịch bản này nằm trong số nhiều phương án từng được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu trước đây. Tuy nhiên, tháng 2/2019, Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh, trong đó điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Đây là tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán.
Nhằm thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi này, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã ký hợp đồng với liên danh tư vấn thẩm tra độc lập để đánh giá về dự án này. Đơn vị thẩm tra đã đưa ra một số nhược điểm khi đầu tư đường sắt tốc độ cao 350 km/h và kiến nghị nghiên cứu phương án đường sắt vừa chở khách, vừa chở hàng có tốc độ thiết kế 250 km/h, khai thác tối đa 225 km/h.
Trên cơ sở hai phương án Bộ Giao thông vận tải đưa ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 7806/BKHĐT- GSTĐĐT gửi Bộ Giao thông vận tải về phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Trong Công văn số 7806, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất lựa chọn phương án đầu tư theo kịch bản 2 xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 - 225 km/giờ là cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Tuy nhiên, để bảo bảo chặt chẽ cũng như có đủ các thông số, dữ liệu làm sáng tỏ tính khả thi của dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra và chỉ đao củ Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Nói về sự cần thiết của dự án, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năng lực vận tải của hệ thống giao thông, đặc biệt là trên trục Bắc – Nam hiện nay đang có sự mất cân đối lớn, đường bộ chiếm 72%, khách và 59% hàng; đường thủy 40% hàng; hàng không 22% khách; nhưng thị phần vận tải của đường sắt chỉ chiếm 6% khách, 1,4% hàng hóa.
Trong khi, vận tải đường sắt luôn giữ vai trò chủ đạo tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững như Nhật Bản, Bắc Âu, Bắc Mỹ, đặc biệt tại Trung Quốc, đường sắt được ưu tiên phát triển tạo ra một năng lực vận tải lớn, chiếm trên 65% về vận tải hàng hóa và trên 80% về vận tải hành khách. Việc đầu tư tuyến đường sắt mới tốc độ cao, vận tải hành khác và hàng hóa là cần thiết. Đây là một trong những nền tảng để hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế, tạo thành trục động lực phát triển cho kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam.
Về tổng mức đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp. Nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân.
Về mô hình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị triển khai theo hình thức PPP. Trong đó, đối tác công (Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao) sẽ huy động vốn đầu tư công và quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống. Đối tác tư (Công ty Đầu tư và Quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao) có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và các nhà ga cao tầng.
Tất Bình