Nghiên cứu hướng tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đảm bảo kết nối

Tại buổi làm việc với Bộ GTVT, các địa phương đều mong muốn sớm triển khai tuyến cao tốc này, đáp ứng mong mỏi của người dân bao năm qua.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm làm việc với 5 tỉnh ĐBSCL

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm làm việc với 5 tỉnh ĐBSCL

Dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành cơ bản năm 2025

Chiều 16/5, đoàn công tác của Bộ GTVT do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đã có buổi làm việc tại tỉnh Hậu Giang. Lãnh đạo TP. Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang cùng các Ban QLDA và đơn vị tư vấn cùng tham dự.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, tại Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe hạn chế, mặt cắt ngang 17m.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 109,5km với tổng mức đầu tư khoảng 27.254 tỷ đồng, gồm: Dự án thành phần 1 Cần Thơ - Hậu Giang với chiều dài 36,7km, tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 Hậu Giang - Cà Mau với chiều dài 72,8km với nguồn vốn khoảng 17.485 tỷ đồng. Dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành cơ bản năm 2025.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận báo cáo về dự án

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận báo cáo về dự án

Tuy nhiên để dự án có thể hoàn thiện hồ sơ pháp lý, sớm được triển khai xây dựng cũng như đảm bảo kết nối giao thông cho khu vực ĐBSCL thì cần có các ý kiến đóng góp từ các tỉnh thành có tuyến cao tốc này đi qua.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng nêu rõ: Hiện nay đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông phải ưu tiên đáp ứng được yêu cầu kết nối vào các khu trung tâm, các khu công nghiệp, cảng biển….để thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương cũng như liên kết vùng. Do đó, các địa phương cần nghiên cứu, tính toán và đóng góp ý kiến để các hướng tuyến, nút giao…phù hợp với giao thông của mỗi tỉnh và đảm bảo kết nối lâu dài về sau.

Đoàn công tác kiểm tra vị trí dự kiến các nút giao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Đoàn công tác kiểm tra vị trí dự kiến các nút giao trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Nghiên cứu, đánh giá lại vị trí các nút giao qua các tỉnh

Đối với bình đồ tuyến được đơn vị tư vấn đưa ra, dự kiến có 11 vị trí nút giao đi qua các tỉnh và kết nối với tuyến cao tốc. Trong đó tại Hậu Giang có các vị trí nút giao với QL1, nút giao với QL61B… cần được điều chỉnh theo kiến nghị của tỉnh.

Cụ thể: Về nút giao với QL1 (IC3): Thống nhất điều chỉnh vị trí về phía trái tuyến (theo hướng Cần Thơ – Cà Mau khoảng 800m để tránh cắt qua kênh rạch liên tục, khu dân cư tập trung và quy hoạch KCN Long Thạnh của tỉnh). Với nút giao giữa cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau với Quốc lộ 61: Thống nhất phương án điều chỉnh tim tuyến cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng theo đề xuất cho phù hợp.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

Riêng đề xuất của đơn vị tư vấn về dự án Đường tỉnh 926B, tỉnh Hậu Giang kết nối với tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, tỉnh Sóc Trăng và dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang kết nối với cao tốc này, Bộ đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp với Sở GTVT Hậu Giang, Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, UBND huyện Châu Thành A, UBND huyện Phụng Hiệp cùng đơn vị tư vấn thiết kế của 02 dự án nêu trên khảo sát thực tế, tính toán, đánh giá đúng thực trạng để nghiên cứu, đề xuất phương án cho phù hợp.

Vị trí nút giao IC3 (giao QL1) dự kiến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Vị trí nút giao IC3 (giao QL1) dự kiến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Hiện nay tỉnh đã và đang đầu tư tuyến Đường tỉnh 931 từ thành phố Vị Thanh kết nối với tỉnh Bạc Liêu. Đây là dự án kết nối liên vùng, do đó cần xem xét bổ sung nút giao tại vị trí giao cắt với Đường tỉnh 931 để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Trong trường hợp sau năm 2030, nếu triển khai nút giao với tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, xét thấy khoảng cách không còn phù hợp thì đóng lại, khi đó địa phương sẽ làm tuyến đường kết nối vào nút giao tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Đối với TP. Cần Thơ, địa phương kiến nghị đầu tư xây dựng thêm tuyến nối thành phố Cần Thơ với đường cao tốc (từ giao với điểm đầu đường cao tốc đến giao với quốc lộ 1 tại nút giao IC4 của đường dẫn cầu Cần Thơ) chiều dài khoảng 7km nhằm đầu tư xây dựng Tuyến nối quốc lộ 91 - đường Nam Sông Hậu (Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ).

Đơn vị tư vấn cho rằng, việc xây dựng thêm tuyến nối này sẽ giúp giao thông khu vực thông suốt và từng bước hoàn thiện theo quy hoạch, góp phần kết nối giao thông thuận tiện giữa các tuyến quốc lộ 91, quốc lộ 61C, quốc lộ 1 với tuyến cao tốc, giảm tải cho tuyến đường Nam Sông Hậu và tuyến nối cao tốc khi được đầu tư hoàn thiện giai đoạn 1.

Đối với kiến nghị này, Ban QLDA Mỹ Thuận và đơn vị tư vấn cũng cho biết sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của tỉnh. Trong thời gian tới, sau khi có kết quả khảo sát giao thông và dự báo nhu cầu vận tải chi tiết cho các tuyến đường trong khu vực, trong đó có tuyến đường Nam Sông Hậu đoạn từ QL1A đến cảng Cái Cui, đơn vị sẽ có phân tích và đánh giá khả năng đáp ứng năng lực thông hành tuyến này. Trong trường hợp không đủ khả năng thông hành thì mới xem xét đầu tư tuyến nối 7km từ QL1A đến tuyến cao tốc (dự kiến 28/02/2022).

Bởi thực tế theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được thông qua chủ trương đầu tư, quy mô tuyến nối từ cao tốc đến đường Nam Sông Hậu có chiều dài khoảng 2,8km. Tuyến cũng sẽ đảm bảo khai thác đồng bộ và hiệu quả, tận dụng và kế thừa tối đa cho giai đoạn 2 khi Thành phố cần Thơ hoàn chỉnh quy hoạch tuyến nối này.

Phấn đấu thực hiện dự án sớm nhất, các địa phương cần bắt tay ngay vào việc GPMB

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng cho rằng: Hiện nay cầu Cần Thơ 2 chưa được xây dựng và các công trình hiện hữu vẫn đang đảm bảo lưu thông cho các phương tiện trong khu vực. Việc ùn tắc xảy ra trong tương lai khi tuyến cao tốc hình thành là khó tránh khỏi, tuy nhiên chúng ta đã có tuyến nối dài 2,8km vào cao tốc.

Hiện Bộ chưa thể xây dựng cầu Cần Thơ 2, do đó các tuyến nối vào cao tốc là rất cần thiết. Nhưng với kiến nghị 7km mà địa phương đưa ra thì Ban QLDA Mỹ Thuận và đơn vị tư vấn cần xem xét kỹ lưỡng bởi nó sẽ làm tăng vốn cho dự án.

Ngoài ra, việc thực hiện dự án giao thông quốc gia gộp chung với quy hoạch giao thông của từng địa phương là rất khó. Bởi nhu cầu của mỗi địa phương là rất lớn, chúng ta không thể điều chỉnh chênh lệch tổng mức đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt quá nhiều.

Đối với tỉnh Kiên Giang, địa phương cũng đề nghị bổ sung tuyến nối từ nút giao ĐT980B vào trung tâm thị trấn khoảng 3,5km để phát triển KT-XH tại khu vực này. Ban QLDA đã chỉ đạo Tư vấn lập dự án nghiên cứu góp ý của địa phương, đánh giá cụ thể các nhu cầu kết nối cần thiết (kết nối các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa, quy hoạch, tính liên kết vùng…) để xem xét đoạn tuyến kết nối. Nội dung này tư vấn lập dự án đang phối hợp làm việc với địa phương, dự kiến 25/02/2020 có kết quả báo cáo.

Hai tỉnh còn lại là Bạc Liêu và Cà Mau đều có các kiến nghị liên quan đến các nút giao đi qua địa bàn. Đặc biệt là Bạc Liêu, việc xây dựng đồng bộ 02 nút giao đấu nối tuyến đường tỉnh ĐT.979 và ĐT 978 với đoạn cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ giúp kết nối toàn bộ vùng phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, kết nối với tuyến Quốc lộ 61B và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cũng nhấn mạnh, việc đầu tư đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần đặt trong bài toán giao thông tổng thể với yêu cầu kết nối liên vùng là yêu cầu cấp thiết được đặt ra trong bối cạnh hiện nay.

“Tôi yêu cầu Ban QLDA Mỹ Thuận và các đơn vị nghiên cứu thực hiện tốt các công đoạn tiếp theo. Các nút giao mà địa phương đề xuất cần xem xét bổ sung phù hợp. Bởi mục tiêu cuối cùng của chúng ta là phấn đấu thực hiện dự án một cách sớm nhất, do đó các địa phương cũng cần bắt tay thực hiện công tác GPMB", Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như: Triển khai thủ tục thu hồi đất, lựa chọn đơn vị đo đạc; đơn vị kiểm kê, lập phương án đền bù… và đề nghị các địa phương rà soát quỹ đất ở, các khu tái định cư hiện có, làm cơ sở xây dựng phương án tái định cư cho các hộ dân bị di dời đảm bảo phù hợp quy định.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nghien-cuu-huong-tuyen-cao-toc-can-tho-ca-mau-dam-bao-ket-noi-d94222.html