Nghiên cứu khoa học của trường đại học đi về đâu?

Các trường đại học đều quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên nghiên cứu khoa học. Từ nghiên cứu trong nhà trường, nhiều công trình có thể ứng dụng vào sản xuất và chuyển giao được. Nhưng thực tế việc chuyển giao chưa như mong muốn, gây lãng phí kết quả nghiên cứu.

LTS: Thưa quý vị và các bạn! Nhiều năm trở lại đây, các trường đại học đều quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho giảng viên và cả sinh viên nghiên cứu khoa học. Chính các thầy cô cùng sinh viên cũng chủ động làm công tác nghiên cứu khoa học, gắn với thực tế cuộc sống. Từ nghiên cứu trong nhà trường, nhiều công trình có thể ứng dụng vào sản xuất và chuyển giao được. Nhưng thực tế việc chuyển giao chưa như mong muốn, gây lãng phí kết quả nghiên cứu.

Điểm sáng còn hiếm hoi

Vừa qua, đề tài nghiên cứu khoa học “Cơm ăn liền” của nhóm sinh viên, cựu sinh viên của trường Đại học Công Thương TP.HCM đã được nhà trường ký kết, chuyển giao công nghệ cho một doanh nghiệp để đưa vào sản xuất. Dự kiến sản phẩm này sẽ được ra mắt thị trường vào cuối năm 2023. Đây cũng là đề tài đã đạt giải Nhất tại Giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho sinh viên năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Nhóm nghiên cứu khoa học "Cơm ăn liền" nhận giải Nhất năm 2022 (Ảnh: NVCC)

Nhóm nghiên cứu khoa học "Cơm ăn liền" nhận giải Nhất năm 2022 (Ảnh: NVCC)

Trần Thị Huỳnh Như, thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Trước đây tụi em chỉ dựa theo sở thích và niềm đam mê để nghiên cứu đề tài, chưa nghĩ đến việc đề tài của mình được một doanh nghiệp chuyển giao quy trình sản xuất, nhận được thông tin đó tụi em rất vui. Em nghĩ được vậy là nhờ trường đã đứng ra để ký kết hợp đồng và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho tụi em đưa sản phẩm đó ra thị trường.”

TS Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công thương TP.HCM cho biết, đề tài nghiên cứu khoa học “Cơm ăn liền” là một trong số hơn 100 dự án mà từ năm 2019-2022 trường chuyển giao ký kết với các doanh nghiệp.

Trung bình mỗi năm với giảng viên của nhà trường có100 đề tài nghiên cứu có cả sinh viên tham gia, với sinh viên là hơn 200 đề tài và đều có định hướng nghiên cứu ứng dụng. Đầu ra mỗi đề tài có những mục đích khác nhau nhưng đều ứng dụng vào trong đào tạo, có công bố liên quan đến tạp chí trong ngoài nước và thương mại hóa sản phẩm từ những đề tài này.

Cũng theo TS Thái Doãn Thanh, trong hoạt động đổi mới sáng tạo, nhà trường quan tâm đến câu chuyện hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao, gắn với thương hiệu của nhà trường nhưng vẫn rất hạn chế: “Giữa doanh nghiệp với nhà trường thì sự kết nối, đặt hàng của doanh nghiệp chưa nhiều, dẫn đến nhà trường vẫn có những nghiên cứu mang tính chất thụ động, chưa chủ động trên cơ sở đặt hàng của doanh nghiệp. Chính vì vậy tỷ lệ đề tài được chuyển giao hoặc chuyển giao thành công chưa được nhiều. Đây cũng là điều có yếu tố vừa khách quan vừa chủ quan.”

Sản phẩm cơm ăn liền của nhóm sinh viên trường Đại học Công thương TP.HCM dẵ được chuyển giao vào sản xuất (Ảnh: NCVV)

Sản phẩm cơm ăn liền của nhóm sinh viên trường Đại học Công thương TP.HCM dẵ được chuyển giao vào sản xuất (Ảnh: NCVV)

Theo ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Green+, việc xây dựng mô hình hệ sinh thái trong đại học khởi nghiệp là một đề án mới, nếu triển khai thành công thì việc đưa nghiên cứu khoa học vào thực tiễn cũng sẽ hiệu quả hơn. Tiềm lực của một trường đại học là rất lớn, không thể mua bằng tiền nên nếu không biết tận dụng sẽ rất lãng phí. Đại học khởi nghiệp phải được cả nhà trường, giảng viên, sinh viên có cách nhìn đúng, thay đổi tư duy để cùng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Nên đặt vai trò sinh viên là người khởi nghiệp, từ đó làm cho sinh viên hiểu và tham gia thực hiện các điều kiện khởi nghiệp, từ ý tưởng, hiện thực hóa, đăng ký sáng chế, sở hữu trí tuệ đến đưa ra thị trường.

Thế mạnh trong lĩnh vực của mình là chưa đủ

Theo anh Trần Thanh Tùng (biệt danh Tùng BT), chủ của nhiều dự án khởi nghiệp, thì nhà trường cần khuyến khích sinh viên nghiên cứu, sáng tạo và tiến đến có thể khởi nghiệp bằng sản phẩm của mình. Nhưng hành trình khởi nghiệp khá gian nan nếu không có doanh nghiệp đi trước hỗ trợ. Bởi sinh viên là những nhà khoa học có sản phẩm, có sáng chế mang hàm lượng chất xám, khoa học, sáng tạo, trong đó cũng có nhận thức được nhu cầu của thị trường nhưng vẫn là chưa đủ.

"Nếu các bạn bước chân đưa nó ra thị trường thì các bạn gặp rất nhiều khó khăn và các bạn phải buộc phải học kiến thức về maketing, vận hành, làm hệ thống xử lý những vấn đề liên quan đến kinh doanh…Đó là một chân trời kiến thức khác và những kỹ năng khác"- Tùng BT nói.

Đại học Y Dược TP.HCM xác định có thế mạnh trong chăm sóc sức khỏe và khả năng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của giảng viên, sinh viên ngày càng lớn. Nhà trường đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo (GIC). Năm 2020, lần đầu tiên nhà trường tổ chức cuộc thi Đổi mới sáng tạo và lập tức nhận được 147 đề tài, dự án của gần 500 sinh viên. Trong đó, có những dự án khi đi thi đã đem theo sản phẩm thực, được thử nghiệm hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe, có tiềm năng thị trường hóa.

PGS.TS Trần Ngọc Đăng, Trung tâm Hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo (GIC) của Đại học Y Dược TP.HCM thừa nhận: "Chúng tôi theo đuổi đổi mới sáng tạo giản dị, đổi mới sáng tạo tiết kiệm thì chúng tôi nhận được phản hồi rất tốt cho thấy tiềm năng khai thác thương mại. Nhưng vấn đề đặt ra là để sản xuất hàng loạt và cơ chế nào để khai thác thương mại thì chúng tôi đang rất lúng túng và gần như chúng tôi chưa có kinh nghiệm".

Saigon Innovation Hub thuộc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM được thành lập nhiều năm trước để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, làm cầu nối giữa các đơn vị nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp nhằm chuyển giao kết quả nghiên cứu nhiều nhất, hiệu quả nhất có thể.

Nhiều để tài nghiên cứu của sinh viên khi đưa ra trình bày tại các cuộc thi đã gần như hoàn thiện thành sản phẩm (ảnh: MH)

Nhiều để tài nghiên cứu của sinh viên khi đưa ra trình bày tại các cuộc thi đã gần như hoàn thiện thành sản phẩm (ảnh: MH)

TS Nguyễn Vinh Dự, Phó Giám đốc Saigon Innovation Hub cho biết, trung tâm nhận thấy rất rõ tiềm lực nghiên cứu và tính ứng dụng của các công trình khoa học của các trường đại học. Đồng thời, các trường ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực này. Nhưng để chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu này thì còn cần nhiều yếu tố nữa mà nếu không có sự kết hợp, tiếp sức, hỗ trợ của các bên, nhất là doanh nghiệp thì rất khó:

"Do đặc thù nghề nghiệp, các giảng viên tập trung vào chuyên môn nên chưa có kinh nghiệm, kỹ năng về thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học. Mặc dù sản phẩm đủ điều kiện để thương mại hóa nhưng dường như trường chưa sẵn sàng, chưa biết định giá sản phẩm của mình như thế nào và thương thảo hợp đồng ra sao"- TS Dự nói.

Để đề tài, công trình nghiên cứu đem đi bán được, chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được, nhiều trường đại học thừa nhận là không có kinh nghiệm. Một số trường cho biết, tỷ lệ thành công thương mại hóa sản phẩm khoảng 40% đối với đề tài của giảng viên, còn đề tài của sinh viên có đặt ra tính ứng dụng thì khoảng 30%, trên cơ sở chuyển thành những dự án khởi nghiệp.

Minh Hạnh - Vũ Hường /VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nghien-cuu-khoa-hoc-cua-truong-dai-hoc-di-ve-dau-post1043536.vov