Nghiên cứu kỹ về nguồn vốn, công nghệ khi đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao hơn 67 tỷ USD
Trong phiên thảo luận tại tổ sáng nay 13-11, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu kỹ về nguồn vốn, công nghệ, tiến độ hoàn thiện, đảm bảo kinh tế vĩ mô, ngân sách nhà nước, nợ công và bội chi ngân sách và các mục tiêu khác khi đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; Dự thảo nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
* Cần tính toán kỹ lưỡng
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết đầu tư dự án đặc biệt, đặc thù này về mục tiêu, ý nghĩa, vai trò của đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; thống nhất thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8.
Đây là dự án đảm bảo cân bằng phương thức vận tải, sự phát triển bền vững, sau khi hoàn thành góp phần tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển mới; đảm bảo nhu cầu vận chuyển hành khách trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Khẳng định đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay, tổng mức đầu tư lớn (lớn hơn 5 lần so với Dự án Sân bay Long Thành - dự án lớn nhất từ trước đến nay),nếu triển khai tốt sẽ phát huy hiệu quả, giúp sự phát triển của đất nước trong tương lai. Nhưng nếu có rủi ro, có hệ lụy cũng cần tính toán sẽ phải xử lý.
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, một số đại biểu cũng cho rằng, không nên so sánh tuyến đường sắt này với tuyến đường sắt hiện hữu và đường hàng không, mà cần phát triển song song, có vai trò kết nối địa bàn không có hàng không nhưng đáp ứng nhu cầu đi lại nhanh như hàng không.
Các đại biểu cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ của dự án. Cụ thể, kinh nghiệm triển khai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy rất nhiều tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, do chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho mạng lưới đường sắt đô thị, mỗi một dự án sử dụng công nghệ khác nhau.
Vì vậy, định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật duy tu, duy trì, khai thác, vận hành vẫn chưa có quy định chung; việc chuyển giao công nghệ mới chỉ dừng ở đào tạo, chuyển giao vận hành tuyến, các trang thiết bị phục vụ khai thác, vận hành hầu hết nhập khẩu từ nước ngoài, chưa sản xuất trong nước; trường hợp phải thay thế lại phụ thuộc vào nhà sản xuất cung cấp ở nước ngoài.
Dự án bố trí 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200-500hécta; 5 ga hàng, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5hécta. Trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Chính phủ sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
* Ưu tiên sử dụng tối đa nguồn dự phòng để xây dựng đường băng bổ sung
Phát biểu tại thảo luận tổ sáng nay về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Sân bay Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội, các đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh dự án như tờ trình của Chính phủ là rất cần thiết.
Tuy nhiên, dự án đã được trình Quốc hội điều chỉnh nhiều lần (cứ 1-2 năm lại điều chỉnh), việc phải đưa ra trình Quốc hội lấy ý kiến nhiều lần, quyết các chi tiết cụ thể dẫn đến thời gian dự án bị kéo dài. Vì vậy, tới đây khi sửa Luật Đầu tư công, theo phân cấp, phân quyền mà giao Chính phủ linh hoạt quyết định.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng, việc bổ sung thêm một đường băng giai đoạn 1 là rất cần thiết với sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đảm bảo an toàn và liên tục vận hành (đường băng này bảo trì thì sẽ có đường băng khác hoạt động). Phương án vốn cũng đã được tính toán kỹ, không ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.
Tuy vậy, các đại biểu kiến nghị cần Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) phải cân nhắc nguồn dự phòng. Theo đó, nguồn để thực hiện đường băng bổ sung một phần sẽ lấy từ quỹ dự phòng, vậy nếu trong quá trình thực hiện các hạng mục đã được phê duyệt, nếu có sự thay đổi về quy mô, kỹ thuật… thì không còn nguồn dự phòng để xử lý.
Bên cạnh đó, dự thảo nghị quyết cần nêu rõ ưu tiên sử dụng tối đa nguồn dự phòng để xây dựng đường băng bổ sung, song trường hợp bất khả kháng cần cho phép chính phủ bổ sung ngân sách.
Liên quan tới dự án này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, Dự án Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đang phù hợp cho xây dựng đường hạ cất cánh số 3. Nếu để đến tận giai đoạn 3 mới thực hiện như phương án hiện tại sẽ ảnh hưởng đến vận hành, gây tiếng ồn và mất an ninh cho đường hạ cất cánh số 1 khi vận hành. Bên cạnh đó, nguồn vốn cũng đã được tính toán kỹ (sử dụng nguồn tiết kiệm từ các gói thầu khác và nguồn dự phòng).
“Nói điều chỉnh dự án thì có vẻ phức tạp song thực chất là đẩy nhanh tiến độ dự án, mong Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ” - Bộ trưởng cho biết.
Đảm bảo kết nối đồng bộ với các nhà ga khác
Mở rộng thêm phạm vi thảo luận liên quan đến điều chỉnh Dự án Sân bay Long Thành, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Giao thông vận tải và ACV cần nghiên cứu kỹ quy hoạch giao thông nội bộ Sân bay Long Thành đảm bảo kết nối với các nhà ga khác.
Thanh Hải (tổng hợp)