Nghiên cứu mới: Đồ uống có đường gây ra khoảng 2,2 triệu ca tiểu đường tuýp 2
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Nature Medicine, trong năm 2020 việc tiêu thụ đồ uống có đường đã dẫn đến khoảng 2,2 triệu ca tiểu đường tuýp 2 mới trên toàn cầu.
Trung bình, gánh nặng bệnh tật do tiêu thụ đồ uống có đường gây ra cao hơn ở nam giới so với nữ giới, cũng như cao hơn ở người trưởng thành trẻ, người có trình độ học vấn cao và những người sống ở khu vực thành thị.
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã đánh giá dữ liệu từ 184 quốc gia để ước tính các trường hợp mắc tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch trên toàn cầu do tiêu thụ đồ uống có đường. Ngoài các trường hợp mắc tiểu đường tuýp 2, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có 1,2 triệu trường hợp mắc bệnh tim mạch mới là do uống những loại đồ uống này.
Nghiên cứu đã xem xét các trường hợp khác nhau giữa các nhóm nhân khẩu học. Trung bình trên toàn cầu, gánh nặng bệnh tật do tiêu thụ đồ uống có đường gây ra cao hơn ở nam giới so với nữ giới, cũng như cao hơn ở người trưởng thành trẻ, người có trình độ học vấn cao và những người sống ở khu vực thành thị.
Gánh nặng bệnh tật do đồ uống có đường gây ra cũng không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới. Nghiên cứu chỉ ra rằng đồ uống có đường góp phần gây ra gánh nặng bệnh tật cao nhất ở Châu Mỹ Latinh, Caribe và Châu Phi cận Sahara.
Tại Châu Phi cận Sahara, đồ uống có đường là yếu tố gây ra khoảng 21% tổng số ca tiểu đường mới trong năm 2020.
Tại Châu Mỹ Latinh và Caribe, chúng "góp phần gây ra gần 24% số ca tiểu đường mới và hơn 11% số ca bệnh tim mạch mới", một thông cáo báo chí đã đưa tin.
Với trung bình 793 ca mắc mới trên 1 triệu người trưởng thành từ năm 1990 đến năm 2020, Colombia ghi nhận mức tăng cao nhất về số ca tiểu đường tuýp 2 có liên quan đến đồ uống có đường. Năm 2020, gần 50% số ca tiểu đường mới tại quốc gia này có liên quan đến việc tiêu thụ đồ uống có đường. Hoa Kỳ đứng thứ hai trong danh sách, với trung bình 671 ca tiểu đường tuýp 2 mới trên 1 triệu người trưởng thành do tiêu thụ đồ uống có đường trong khoảng thời gian từ 1990 đến 2020.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, Châu Phi cận Sahara ghi nhận mức gia tăng tỷ lệ mắc bệnh cao nhất trong giai đoạn này đối với cả tiểu đường và bệnh tim mạch.
Các tác giả cho biết, họ hy vọng nghiên cứu của mình sẽ giúp định hình các chính sách và biện pháp can thiệp hiệu quả nhằm giảm thiểu gánh nặng bệnh tật do đồ uống có đường trên toàn thế giới. Dariush Mozaffarian, tác giả chính của nghiên cứu và là Giám đốc Viện Thực phẩm là thuốc tại Đại học Tufts, nhận định: "Đồ uống có đường đang được tiếp thị và tiêu thụ mạnh mẽ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Điều đáng lo ngại là những cộng đồng này không chỉ sử dụng các sản phẩm có hại mà còn gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe".