Nghiên cứu mới nêu bật tầm quan trọng của tiêm mũi vắc xin tăng cường

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại bang New South Wales, Úc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí The Lancet, khả năng bảo vệ của vắc xin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sẽ suy giảm sau 3 tháng kể từ khi tiêm 2 mũi.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 2 triệu người ở Scotland (Anh) và 42 triệu người ở Brazil đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Tại Scotland, khoảng 5 tháng sau khi tiêm đủ 2 mũi, nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 tăng gần 5 lần so với 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2.

Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin bắt đầu suy giảm khoảng 3 tháng sau khi tiêm 2 mũi, khi nguy cơ nhập viện và tử vong cao gấp đôi so với hai tuần sau khi tiêm mũi thứ 2.

Bốn tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai, những nguy cơ trên tăng gấp 3 lần. Con số tương tự cũng được ghi nhận ở Brazil.

Trao đổi với báo giới, giáo sư Aziz Sheikh tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh cho biết: "Vắc xin là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhưng hiệu quả của những chế phẩm này bị suy giảm đã là mối lo ngại trong một thời gian".

Theo ông, việc xác định thời điểm vắc xin của AstraZeneca suy giảm hiệu quả phòng bệnh có thể giúp các chính phủ tiến hành chương trình tiêm chủng mũi tăng cường để đảm bảo duy trì sự bảo vệ tối đa.

Nghiên cứu trên được thực hiện trong giai đoạn mỗi khu vực lại ghi nhận các biến thể chủ đạo khác nhau, theo đó biến thể Delta phổ biến ở Scotland và biến thể Gamma phổ biến ở Brazil.

Theo các nhà nghiên cứu, điều này đồng nghĩa sự suy giảm hiệu quả phòng bệnh có thể là do vắc xin giảm hiệu lực và ảnh hưởng của các biến thể.

Giáo sư Srinivasa Vittal Katikireddi tại Đại học Glasgow ở Anh nhấn mạnh nghiên cứu được thu thập tại Scotland và Brazil cho thấy hiệu quả phòng bệnh của vắc xin của AstraZeneca đang suy yếu đáng kể theo thời gian. Chuyên gia này kêu gọi người dân cần tiêm mũi tăng cường ngay khi có thể.

* Hãng dược phẩm AstraZeneca ngày 21/12 thông báo đang cùng Đại học Oxford sản xuất vắc xin chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Tuyên bố của AstraZeneca nêu rõ hãng đã bắt tay vào việc sản xuất vắc xin chống Omicron và trong trường hợp cần thiết hãng sẽ công bố các dữ liệu liên quan đến phát triển loại vắc xin này.

Theo hãng tin Reuters, Đại học Oxford vẫn chưa đưa ra phản hồi nào trước thông tin trên. Trong khi đó, báo Financial Times dẫn lời Sandy Douglas, Trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford, cho biết các loại vắc xin được phát triển dựa trên Adenovirus - các nhóm virus ADN, về nguyên tắc có thể phản ứng với bất cứ biến thể mới nào nhanh hơn so với những biến thể cũ.

Một nghiên cứu thực hiện tại phòng thí nghiệm vào tuần trước cho thấy loại thuốc kháng thể chống COVID-19 dạng tiêm của AstraZeneca tên là Evusheld có khả năng duy trì hoạt động trung hòa đối với biến thể Omicron. Trước AstraZeneca, các hãng sản xuất vắc xin như Pfizer/BioNTech và Moderna cũng thông báo họ đang phát triển vắc xin đặc hiệu với biến thể Omicron.

Moderna hy vọng có thể bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm tới.

T.LÊ (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/268930/nghien-cuu-moi-neu-bat-tam-quan-trong-cua-tiem-mui-vac-xin-tang-cuong.html