Nghiên cứu phục tráng giống atiso nâng cao năng suất, chất lượng

Sau 3 năm thực hiện đề tài 'Nghiên cứu tuyển chọn bộ giống atiso chất lượng cao tại Lâm Đồng' do Sở Khoa học và Công nghệ giao, nhóm các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã giải quyết được vấn đề thoái hóa giống cây atiso ở Lâm Đồng. Các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá hiện trạng các giống atiso đang trồng, nghiên cứu nhân giống bằng nhiều phương pháp, phân tích hàm lượng hợp chất ở cây atiso trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của từng giống. Qua đó, đã thực hiện phục tráng 2 giống atiso (giống ăn tươi A85, giống chế biến A80) với số lượng mỗi giống 1.000 cây đạt chất lượng tốt, đồng đều, tỷ lệ sống cao và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Cả 2 giống đều được thực hiện bằng quy trình nhân giống nuôi cấy mô với 2 mô hình trình diễn 200 m2, cây giống có khả năng thích nghi và phát triển tốt. Năng suất cây phục tráng cao hơn 20 - 30% so với các giống atiso đang trồng hiện nay.

Đề tài cũng đã xây dựng 2 quy trình canh tác cây atiso phục tráng đối với giống ăn tươi và giống chế biến; tiến hành nhập nội 6 giống atiso mới và trồng khảo nghiệm ở điều kiện khí hậu thổ nhưỡng Lâm Đồng; xây dựng quy trình canh tác giống atiso nhập nội phù hợp tại Lâm Đồng với mô hình trình diễn 200 m2; tiến hành di thực và trồng khảo nghiệm 2 giống atiso ăn tươi và chế biến từ các tỉnh phía Bắc…

Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được quy trình nhân giống phục tráng và tuyển chọn giống atiso chất lượng cao nhằm đảm bảo cây giống đồng đều, khỏe mạnh và cho năng suất vượt trội. Việc áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nhân rộng trồng đại trà sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu về giống rất lớn của người nông dân mà còn có khả năng hỗ trợ cho các công ty dược, cơ sở nhân giống có thể mua và trồng ở quy mô lớn hoặc chuyển giao công nghệ nhân giống để chủ động tạo nguồn giống, giảm giá thành cây giống, từ đó đáp ứng nhu cầu sản xuất dược phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe cho con người.

Được biết, các giống atiso đang canh tác ở Đà Lạt - Lâm Đồng hiện có tuổi hơn 30 năm, giống bị thoái hóa, năng suất thấp, giảm chất lượng.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202208/nghien-cuu-phuc-trang-giong-atiso-nang-cao-nang-suat-chat-luong-3130084/