Nghiên cứu, rà soát bảo đảm sự thống nhất giữa 2 dự thảo Luật

Thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sáng nay, 10.11, các đại biểu Quốc hội tổ 10 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Ninh Thuận) đề nghị, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh và các quy định để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa 2 Luật, không gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc xây dựng và ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ như nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Quang cảnh thảo luận tại tổ 10 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Ninh Thuận)

Quang cảnh thảo luận tại tổ 10 (gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Ninh Thuận)

Theo ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình), Luật Giao thông đường bộ được ban hành từ năm 2008 và trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy, mặc dù một số nội dung đã điều chỉnh tuy nhiên chưa đồng bộ và cũng không còn phù hợp hiện nay, đặc biệt là không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Điều này dẫn đến quá trình thực hiện còn chồng chéo, nhất là giữa cơ quan quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật. Vì vậy, đại biểu tán thành việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật để phù hợp và đáp ứng yêu cầu đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Tuy nhiên, đại biểu Trần Khánh Thu lưu ý, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dễ áp dụng, tránh việc giao thoa giữa 2 Luật. Chẳng hạn, quy định về vận chuyển người, hàng hóa, động vật… nên chuyển sang dự thảo Luật đường bộ.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu tại tổ

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu tại tổ

Liên quan đến quy định về tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông tại Điều 60 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ĐBQH Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) cho rằng, hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông là nội dung quan trọng vì liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Do đó, đại biểu đề nghị, cần bổ sung trách nhiệm của cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật đối với xe vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, xe quá tải, xe quá khổ lưu hành trên đường bộ để khắc phục chồng chéo nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông giữa lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông hiện nay.

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh lý giải, thực tiễn thời gian qua cho thấy hai lực lượng này khi thực hiện nhiệm vụ đã có sự chồng chéo, trùng lắp và vấn đề này được cử tri đặc biệt quan tâm, phản ánh. Vì vậy, việc điều chỉnh, bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) phát biểu tại tổ

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) phát biểu tại tổ

Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 45 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định điều kiện hoạt động kinh doanh của xe bốn bánh có gắn động cơ. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đường bộ thì không quy định hoạt động chuyển hành khách, hàng khóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là hoạt động kinh doanh vận tải. Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị nghiên cứu, rà soát để có sự thống nhất giữa 2 dự thảo Luật để không gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Về quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) bày tỏ không đồng tình và đề nghị cân nhắc thêm về nội dung này vì nếu áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rất rộng và khó bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị xem xét các quy định liên quan đến tốc độ của phương tiện giao thông khi tham gia đường cao tốc.

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại tổ

Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại tổ

Chung quan điểm, ĐBQH Ngô Đông Hải (Thái Bình) bày tỏ băn khoăn khi nguồn lực đầu tư cho hệ thống đường cao tốc rất lớn nhưng phát huy tiềm năng chưa được như mong muốn, xuất hiện tình trạng tốc độ xe trên cao tốc rất chậm, trung bình chỉ khoảng 70-80km/h. Cho rằng, dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ hiện còn thiếu quy định về “các loại làn đường”, mặc dù đã có định nghĩa về làn đường và quy định về sử dụng làn đường (Điều 12), sử dụng cao tốc (Điều 24) nhưng theo đại biểu, vẫn chưa đủ để khắc phục tình trạng này. Đại biểu Ngô Đông Hải đề nghị, bổ sung quy định rõ ràng về “các loại làn đường” bao gồm: làn đường dùng để tăng tốc, làn ưu tiên, làn khẩn cấp... trong dự thảo Luật.

Thụy Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nghien-cuu-ra-soat-bao-dam-su-thong-nhat-giua-2-du-thao-luat-i349531/