Nghiên cứu sáp nhập một số tỉnh, bỏ cấp huyện: 'Mô hình hiện đại, phù hợp thế giới'

GS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, việc nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) được đánh giá là 'mô hình chính quyền tiến bộ, hiện đại...'.

Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); xây dựng phương án tiếp tục sắp xếp cấp xã phù hợp với mô hình tổ chức mới, đề xuất tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cấp xã; định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh; đề xuất chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy định của Đảng có liên quan, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.

GS Trần Ngọc Đường. Ảnh: PV.

GS Trần Ngọc Đường. Ảnh: PV.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề này, GS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh "việc sáp nhập tỉnh này với tỉnh kia không có vấn đề gì về Hiến pháp", bởi theo ông Đường, "Hiến pháp không nói Việt Nam có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương".

Về vấn đề sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), theo ông Đường, đây là một chủ trương hợp lý, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền các nước trên thế giới.

Các nước chú trọng xây dựng chính quyền cấp tỉnh (thành) và cơ sở (xã, phường) mạnh. "Mô hình chính quyền 2 cấp là mô hình chính quyền tiến bộ, hiện đại hiện nay", ông Đường khẳng định.

GS Đường nêu, xưa nay, chúng ta quen với mô hình chính quyền 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Tuy nhiên, theo nghiên cứu bước đầu, nếu bỏ cấp huyện sẽ có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, sẽ tạo ra không gian rộng hơn để phát triển kinh tế, xã hội; tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực nhằm phát triển. Đây là một lợi thế rất lớn trong điều kiện phát triển kinh tế hội nhập ngày càng rộng lớn.

Thuận lợi thứ hai, theo ông Đường, sẽ thu hút nguồn lực lớn hơn của cả tỉnh phục vụ cho một dự án của xã, phường nào đó. Thứ ba, việc này thực hiện đúng chủ trương của Đảng là tinh giản để giảm tầng nấc trung gian, tăng ngân sách cho Nhà nước, bớt chi phí cho bộ máy của quận, huyện hiện nay.

"Thêm vào đó, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì việc quản lý nhà nước từ tỉnh đến cơ sở là xã, phường thuận lợi hơn rất nhiều khi công nghệ thông tin phát triển", ông Đường nói thêm.

Sáp nhập để tạo liên kết, thế mạnh cho vùng

GS Trần Ngọc Đường cũng nhấn mạnh, quá trình thực hiện bỏ cấp hành chính trung gian cũng có thể có một vài cản trở, như do nhận thức chưa đầy đủ nên nghi ngại, lo lắng về quản lý Nhà nước có thực hiện được không, chính quyền cấp trên, cấp dưới xa nhau như thế liệu có quan liêu hay không? Do vậy, theo ông Đường, cần tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức thống nhất, thông suốt về việc nghiên cứu bỏ cấp trung gian quận, huyện.

"Nếu bỏ cấp trung gian (cấp huyện) sẽ bỏ được việc phân cấp, phân quyền qua cấp huyện mà sẽ phân cấp, phân quyền thẳng từ cấp tỉnh xuống cấp xã, phường. Bỏ được một khâu trung gian sẽ giúp môi trường quản lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn. Trước đây triển khai vấn đề gì sẽ phải qua quận, huyện mới xuống xã phường thì nay sẽ triển khai thẳng từ tỉnh, thành xuống xã, phường", ông Đường phân tích.

Về vấn đề sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, GS Đường nêu, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng đã có nghiên cứu.

Theo ông Đường, việc sáp nhập một số tỉnh, thành để tạo ra thế mạnh cho vùng, liên kết vùng tốt hơn.

"Trước đây có thời kỳ chúng ta chỉ có 38 tỉnh, thành nhưng có thể gom nhỏ hơn nữa để tạo ra vùng có thế mạnh liên kết. Như tạo ra vùng vừa có biển, có rừng, đồng bằng - có thể hợp nhất một số tỉnh có biển với một số tỉnh không có biển để tạo thế mạnh về biển, tạo thành một vùng có thế mạnh rộng lớn", ông Đường nói.

Phân tích thêm, ông Đường cho rằng, khi nghiên cứu việc sáp nhập một số tỉnh, thành sẽ phải có các tiêu chí cụ thể để tạo sự đồng thuận cũng như động lực phát triển mạnh mẽ. Nếu không có tiêu chí mà sáp nhập theo ý muốn chủ quan sẽ không được và còn có thể tạo ra vùng "lủng củng".

Thời gian qua, có ý kiến cho rằng việc chia tách đơn vị hành chính sẽ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, thậm chí cạnh tranh, triệt tiêu sự phát triển của nhau, thưa ông?

GS Trần Ngọc Đường: Đó cũng là một thực tế. Vì vậy, việc sáp nhập sẽ là một lợi thế để khắc phục tình trạng này và tạo ra động lực, không gian phát triển mạnh mẽ.

Theo ông, thời điểm nào nên tiến hành sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện?

GS Trần Ngọc Đường: Hiện nay không biết việc chuẩn bị đến đâu nhưng quyết tâm của Đảng, Nhà nước là phải làm nhanh, mạnh để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới bắt đầu từ Đại hội XIV.

Văn Kiên - Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghien-cuu-sap-nhap-mot-so-tinh-bo-cap-huyen-mo-hinh-hien-dai-phu-hop-the-gioi-post1718684.tpo