Nhiều lợi ích nếu bỏ cấp trung gian - phòng giáo dục và đào tạo
Với công nghệ số, AI hiện nay, chỉ cần 1 thao tác sở giáo dục và đào tạo có thể chỉ đạo trực tiếp đến các trường hoặc nhận báo cáo trực tiếp từ các trường.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy là một trong những quyết sách lớn, có ý nghĩa quan trọng và có sức nóng mạnh mẽ, lan tỏa trong cả hệ thống chính trị.
Ngành giáo dục cũng không thể nằm ngoài cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Công nghệ số ứng dụng ngày càng sâu rộng thì việc giảm tải tầng nấc trung gian là việc cần phải xem xét.

Ảnh minh họa
Trước đây khoảng hơn chục năm về trước khi các cơ sở giáo dục còn làm việc thủ công, công nghệ còn hạn chế, chưa áp dụng công nghệ thông tin sâu rộng thì nhờ hoạt động của phòng giáo dục và đào tạo nên hoạt động của các cơ sở giáo dục được thông suốt, phòng giáo dục và đào tạo là cánh tay nối dài của sở giáo dục và đào tạo cũng như Ủy ban nhân dân cấp huyện đến các trường,..
Giai đoạn trên, phòng giáo dục đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình nhưng giai đoạn hiện nay việc xem xét có nên duy trì cấp trung gian này không là điều cũng cần bàn.
Trong bài viết “Có cần thiết phải duy trì phòng giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hiện nay?” của tác giả Hương Giang đã nêu nhiều quan điểm trong đó có nội dung khá rõ là trong bối cảnh hiện nay, có lẽ không cần thiết phải duy trì phòng giáo dục và đào tạo ở các địa phương mà các trường học vẫn hoạt động tốt, thậm chí tốt hơn được rất nhiều bạn đọc quan tâm.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của phòng giáo dục và đào tạo hiện nay
Tại Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của phòng giáo dục và đào tạo tại Thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT
Phòng giáo dục và đào tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 13 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp huyện:
a) Ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giáo dục; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện phù hợp với kế hoạch của tỉnh; các văn bản pháp luật về giáo dục theo thẩm quyền;
b) Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.
2. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ.
3. Thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật khi được ủy quyền.
4. Quản lý các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, an toàn trường học; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện và chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn.
5. Thường xuyên cập nhật thông tin về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc phạm vi quản lý vào cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ hằng năm về công khai lĩnh vực giáo dục của địa phương thuộc phạm vi quản lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện và sở Giáo dục và đào tạo theo quy định.
Nhiều lợi ích khi không còn phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện
Dựa vào Điều 4 Thông tư 12 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có thể nhận thấy chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giáo dục chủ yếu là tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ, là cấp trung gian trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giữa cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục.
Người viết là giáo viên nhận thấy nếu không còn phòng giáo dục sẽ mang lại nhiều lợi ích tích cực vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, tinh gọn bộ máy đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương
Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Chính phủ đã có Công văn 31/CV-BCĐTKNQ18 sẽ giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách để tinh gọn bộ máy.
Theo thống kê, cả nước có khoảng trên dưới 700 đơn vị hành chính cấp huyện [1], nếu bỏ phòng giáo dục sẽ giảm được một số lượng lớn biên chế công chức, viên chức, góp phần vào việc tinh gọn bộ máy.
Thứ hai, giảm bớt khâu trung gian không còn nhiều giá trị
Hiện nay, sứ mệnh lịch sử và chức năng phòng giáo dục không còn nhiều dấu ấn về chỉ đạo chuyên môn, với công nghệ số, công nghệ AI hiện đại hiện nay, chỉ cần 1 thao tác Sở Giáo dục có thể chỉ đạo trực tiếp đến các trường hoặc nhận báo cáo trực tiếp từ các trường mà không cần qua Phòng Giáo dục.
Việc có thêm phòng giáo dục là khâu trung gian đã không còn cần thiết mà còn làm cho việc chỉ đạo trực tiếp từ Sở Giáo dục xuống các trường chậm trễ, nhiều chỉ đạo chưa kịp thời,…
Việc phòng giáo dục tổng hợp báo cáo từ các trường cũng không cần thiết, các trường trực tiếp báo cáo về sở Giáo dục sẽ nhanh gọn và chính xác hơn.
Thứ ba, không còn phòng giáo dục sẽ mạnh dạn hơn trong trao quyền tự chủ cho các trường
Các công việc khác mà phòng giáo dục đang thực hiện như tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động luân chuyển,…hiện đang do phòng nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân huyện thực hiện, phòng giáo dục chỉ thực hiện nhiệm vụ đề bạt, đề xuất,..mà nhiệm vụ này thì các cơ sở giáo dục có thể đề bạt trực tiếp, không cần thiết phải thông qua phòng giáo dục.
Việc tuyển dụng giáo viên mới sắp tới theo Luật Nhà giáo (dự thảo) cũng dự kiến mạnh dạn trao quyền tự chủ tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục nên vai trò của phòng giáo dục sắp tới càng mờ nhạt.
Không còn phòng giáo dục sẽ tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các cơ sở giáo dục, họ sẽ cố gắng hơn, chịu trách nhiệm về quyết định của mình mà không cần khâu trung gian không cần thiết.
Thứ tư, thuận lợi cho quản lý, sáp nhập các trường
Công việc hiện nay sáp nhập các cơ sở giáo dục để tinh gọn bộ máy, giảm biên chế là vấn đề quan trọng mà cả hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập đang thực hiện một cách quyết liệt.
Hiện nay, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do phòng giáo dục quản lý, trường trung học phổ thông do sở giáo dục quản lý dẫn đến có khó khăn trong việc sáp nhập các trường liên cấp.
Nếu tất cả giao về đầu mối sở giáo dục quản lý từ mầm non đến trung học cơ sở việc sáp nhập sẽ thuận tiện hơn trong việc sáp nhập trường liên cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Hiện nay, thực hiện chương trình mới các môn học đặc thù Âm nhạc, Mĩ thuật, Công nghệ, Giáo dục thể chất,… đa số thiếu giáo viên ở bậc trung học phổ thông, nếu sáp nhập các trường liên cấp thì giáo viên Âm nhạc, Mĩ Thuật,…trên có thể dạy từ tiểu học đến trung học phổ thông, giải quyết phần nào bài toán thừa thiếu giáo viên cục bộ (vì hiện nay chuẩn trình độ đào tạo từ tiểu học đến trung học phổ thông đều là đại học).
Bên cạnh đó, sáp nhập các trường tiểu học đến trung học phổ thông sẽ dễ điều động, luân chuyển giáo viên từ trường thừa sang thiếu một cách thuận lợi và đơn giản hơn.
Thứ năm, giảm được kinh phí lớn
Nếu không còn phòng giáo dục không chỉ giảm được khoảng 700 đầu mối trung gian mà còn giảm biên chế và kinh phí lớn để chi cho hoạt động của phòng giáo dục.
Bên cạnh đó, không còn phòng giáo dục và đào tạo sẽ giảm được một số hội thi cấp huyện không cần thiết, tốn nhiều kinh phí, đồng bộ các cuộc thi của bậc mầm non đến trung học phổ thông.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/ho-tro-phap-luat/tu-van-phap-luat/42978/so-luong-don-vi-hanh-chinh-cap-tinh-huyen-xa-o-viet-nam