Nghiên cứu thí điểm công nhận tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm

Đây là nội dung được TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG -KPMG Việt Nam trao đổi tại Hội thảo 'Tài sản bảo đảm ngân hàng - Những vấn đề quan tâm hiện nay' do Thời báo Ngân hàng tổ chức ngày 28/4/2025.

TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG -KPMG Việt Nam trao đổi tại Hội thảo

TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG -KPMG Việt Nam trao đổi tại Hội thảo

Tạo lập cơ chế thị trường linh hoạt, minh bạch và tin cậy

TS. Vũ Thị Vân Anh cho biết, một đơn vị tín chỉ có thể giao dịch đại diện cho một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc một lượng tương đương của một khí nhà kính khác để giảm hoặc loại bỏ khỏi bầu khí quyển của Trái Đất. Hiện có hai loại tín chỉ carbon đó là tín chỉ giảm phát thải và tín chỉ loại bỏ phát thải. Cơ chế sử dụng của tín chỉ carbon dùng để bù đắp carbon được thực hiện bên ngoài chuỗi giá trị của doanh nghiệp và được tính vào mục tiêu giảm phát thải. Bên cạnh đó, tín chỉ carbon đóng góp vào quá trình phát thải hoặc các danh mục hoặc các mục tiêu phát triển bền vững rộng lớn hơn.

Trên cơ sở đó, tín chỉ carbon có ý nghĩa nhằm giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ các cam kết toàn cầu; tạo lập cơ chế thị trường linh hoạt, minh bạch và tin cậy; khuyến khích và thúc đẩy các hành vi bền vững tạo động lực cho các dự án bảo vệ môi trường, các sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường hiệu quả kinh tế vì tín chỉ cacbon được coi là một công cụ chính sách hiệu quả để giảm phát thải kín nhà kính với chi phí thấp nhất tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý khí thải nhà kính.

Với nhiều ý nghĩa quan trọng, TS. Vũ Thị Vân Anh cho biết, Việt Nam đã ban hành nghị định 06/2022/NĐ-CP dự kiến thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 và vận hành chính thức vào năm 2028. Tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng hơn 300 dự án tham gia thị trường carbon quốc tế, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, chi phí giao dịch tín chỉ carbon ở Việt Nam khá cao. Trung bình chi phí phát triển và xác minh một dự án tín chỉ carbon đạt tiêu chuẩn quốc tế dao động từ 100 - 500 nghìn USD/dự án, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dự báo đến năm 2030, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần mua khoảng 50 đến 60 triệu tín chỉ carbon/năm để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2023 chỉ có khoảng 15% doanh nghiệp lớn và 3% doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu suất đầy đủ và cách vận hành và tham gia thị trường tín chỉ carbon, TS. Vũ Thị Vân Anh chia sẻ.

Hiện đang có một số quốc gia sử dụng tín chỉ cacbon như một tài sản đảm bảo. TS. Vũ Thị Vân Anh cho biết, theo luật bảo đảm kinh doanh của Thái Lan, nước này đang xem xét công nhận tín chỉ cacbon là tài sản đảm bảo cho các giao dịch tài chính. Bộ Phát triển kinh doanh đã thảo luận với các cơ quan liên quan để thúc đẩy tín chỉ carbon có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay, đặc biệt là các dự án đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu cung cấp một cách đo lường và quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu. Trong khi tại thị trường châu Âu, EUA là đơn vị phát thải chính thức được giao dịch trong hệ thống giao dịch phát thải của EU. EUA được công nhận là công cụ tài chính theo chỉ thị về thị trường công cụ tài chính cho phép giao dịch trên các sàn giao dịch và sử dụng các giao dịch tài chính phái sinh ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) triển khai các biện pháp để giảm rủi ro khí hậu trong hoạt động tín dụng bao gồm việc hạn chế tài sản có lượng phát thải cao được sử dụng làm tài sản đảm bảo.

Đảm bảo tính khả thi trước khi triển khai rộng rãi

Từ hai mô hình trên theo TS. Vũ Thị Vân Anh có một số kinh nghiệm trong quá trình tiến đến chấp nhận cacbon là tài sản bảo đảm tại Việt Nam. Đơn cử, Việt Nam không thể sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm nếu chưa có thị trường carbon vận hành ổn định, có chuẩn mực rõ ràng và giá trị tín chỉ được thị trường chấp nhận. Chuẩn bị hành lang pháp lý song hành với tín chỉ carbon có tính pháp lý tương tự tài sản tài chính thông thường như cổ phiếu, trái phiếu; cần thúc đẩy thị trường bắt buộc và tự nguyện; phải có cơ chế thẩm định giá trị tín chỉ và đánh giá rủi ro kỹ lưỡng trước khi chấp nhận tài sản đảm bảo.

Nếu chỉ coi tín chỉ cacbon như một công cụ tài chính đơn lẻ, khả năng thành công sẽ thấp; cần gắn nó vào chiến lược phát triển kinh tế xanh tổng thể. Từ thực tiễn của thị trường châu Âu cũng thấy rõ, cần phải xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc ngay từ đầu; giám sát và minh bạch hóa thị trường, tránh các hành vi gian lận và bảo vệ giá trị của thị trường tín chỉ carbon; khuyến khích tài chính xanh qua thị trường tự do, cho phép các cơ chế thị trường; tăng cường hợp tác nội khối và quốc tế để thị trường tín chỉ carbon thực sự vận hành hiệu quả và giảm thiểu rủi ro.

Để chuẩn bị cho việc tín chỉ carbon trở thành một loại tài sản đảm bảo, TS. Vũ Thị Vân Anh khẳng định, cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc kiến tạo một hành lang pháp lý vững chắc. Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện khung pháp lý thông qua nghiên cứu và ban hành các quy định cụ thể, làm rõ cơ sở pháp lý cho việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, việc bổ sung các văn bản pháp lý hỗ trợ, như sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và ban hành các thông tư hướng dẫn, là vô cùng cần thiết.

Một yếu tố quan trọng khác là xây dựng cơ chế định giá và đánh giá rủi ro cho loại tài sản mới này, bao gồm việc thiết lập nguyên tắc định giá theo thông lệ thị trường quốc tế; xây dựng tiêu chí phân loại tín chỉ carbon hợp lệ và xác định tỷ lệ chiết khấu phù hợp khi sử dụng chúng làm tài sản đảm bảo. Để đảm bảo tính khả thi trước khi triển khai rộng rãi, cơ quan quản lý nên tiến hành thí điểm tại một số TCTD. Cuối cùng, việc phối hợp xây dựng và sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung, kết nối với sàn giao dịch carbon quốc gia và hệ thống tín dụng, sẽ tạo ra một nền tảng minh bạch và hiệu quả cho việc quản lý và giao dịch tín chỉ carbon.

Song song với nỗ lực của cơ quan quản lý, TS. Vũ Thị Vân Anh cho rằng, các ngân hàng thương mại cũng cần chủ động nâng cao năng lực để có thể quản lý hiệu quả tín chỉ carbon như một loại tài sản đảm bảo. Điều này bao gồm việc xây dựng bộ phận chuyên trách hoặc hợp tác với các đơn vị có chuyên môn để thực hiện thẩm định giá trị và tính pháp lý của tín chỉ carbon. Công tác đào tạo cán bộ tín dụng và quản lý rủi ro về thị trường carbon, phương pháp định giá và các khía cạnh pháp lý liên quan cũng cần được chú trọng.

Để tích hợp tín chỉ carbon vào hoạt động tín dụng, các ngân hàng cần xây dựng chính sách tín dụng riêng cho tài sản xanh, phát triển các sản phẩm tín dụng xanh mà trong đó tín chỉ carbon có thể được chấp nhận làm tài sản đảm bảo. Hợp đồng tín dụng cần được thiết kế với các điều khoản rõ ràng về quyền sở hữu, phương pháp định giá, quy trình thanh lý và quản trị rủi ro đối với tín chỉ carbon. Việc thiết lập khung đánh giá rủi ro riêng, dựa trên các yếu tố như biến động giá, tính thanh khoản và tính pháp lý của tín chỉ carbon là cần thiết để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng. Ngoài ra, xây dựng cơ chế bảo hiểm tín chỉ hoặc hợp tác với các quỹ bảo lãnh tín dụng xanh, cùng với việc tăng cường hợp tác quốc tế với các quỹ đầu tư và sàn giao dịch tín chỉ carbon, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nhượng và thu hồi tài sản đảm bảo khi cần thiết.

"Việc hoàn thiện khung pháp lý không chỉ giúp ngân hàng và doanh nghiệp yên tâm hơn khi tiếp cận loại tài sản mới mà còn tạo động lực thúc đẩy tài chính xanh, kinh tế số – phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững", TS. Vũ Thị Vân Anh khẳng định.

Hương Giang - Hoàng Giáp - Văn Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nghien-cuu-thi-diem-cong-nhan-tin-chi-carbon-la-tai-san-bao-dam-163462.html