Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số định hướng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhắc đến việc nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện việc soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL.

Báo cáo tổng kết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư Pháp cho thấy, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) qua hơn 8 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật ở nước ta.

Lần đầu tiên, Luật Ban hành VBQPPL có các quy định cụ thể tách bạch 2 giai đoạn trong xây dựng một số loại VBQPPL (giai đoạn lập đề nghị xây dựng và giai đoạn soạn thảo).

Thực tiễn cho thấy, quy trình 2 bước như hiện nay là phù hợp, nhất là các đạo luật có phạm vi, nội dung phức tạp, các VBQPPL có hiệu lực pháp lý cao như luật, pháp lệnh, nghị quyết, được xem xét kỹ lưỡng từ khâu xây dựng nội dung, đánh giá tác động của chính sách, xem xét, thông qua chính sách trước khi soạn thảo VBQPPL góp phần nâng cao chất lượng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết.

Đặc biệt, hầu hết các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được chuẩn bị tốt; thứ tự ưu tiên đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được xác định hợp lý, khoa học hơn.

Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện việc soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL.

Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện việc soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL.

Thực hiện các quy định của Luật Ban hành VBQPPL, nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động, tích cực trong việc lấy ý kiến, truyền thông rộng rãi về đề nghị xây dựng các luật có tác động lớn đến xã hội, được người dân, doanh nghiệp quan tâm, nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ động, tích cực trong việc lấy ý kiến đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình xây dựng luật, Phòng, chống tác hại rượu, bia, Luật Đất đai...

Việc xây dựng văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có nhiều chuyển biến tích cực, giảm đáng kể số lượng văn bản quy định chi tiết nợ đọng; chất lượng văn bản quy định chi tiết được cải thiện. Có thời điểm, Chính phủ không còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Điểm mới của Luật Ban hành VBQPPL là giới hạn phạm vi thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã, góp phần đưa công tác xây dựng VBQPPL của chính quyền địa phương từng bước được chuẩn hóa; khắc phục tình trạng hệ thống VBQPPL ở địa phương cồng kềnh, phức tạp, nhiều tầng nấc.

Trong 8 năm thi hành Luật, số lượng VBQPPL do cấp huyện, cấp xã ban hành giảm đáng kể, chỉ bằng 1/3 so với giai đoạn trước khi Luật năm 2015 có hiệu lực. Chất lượng VBQPPL do chính quyền địa phương ban hành ngày càng được nâng cao, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, sau hơn 8 năm thi hành Luật Ban hành VBQPPL, các bộ, ngành, địa phương tuân thủ và thực hiện tương đối nghiêm quy trình xây dựng, ban hành các VBQPPL.

Chất lượng VBQPPL do Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trình và ban hành theo thẩm quyền ngày càng được nâng cao, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nhiều văn bản có tính đột phá về thể chế cho phát triển ngành, lĩnh vực, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trên thực tiễn; góp phần trước mắt và lâu dài kiểm soát, phòng chống đại dịch Covid 19 và hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt các yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng; các quy định ngày càng chặt chẽ, bảo đảm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số định hướng sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhắc đến việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, dữ liệu lớn để thực hiện việc soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL.

Bổ sung quy định để nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, công chức tham mưu xây dựng pháp luật. Hoàn thiện các quy định pháp luật, thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực tham mưu xây dựng pháp luật như tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, bố trí nguồn nhân lực chất lượng cao cho công tác xây dựng pháp luật ở cả trung ương và địa phương...

Về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, giai đoạn 2016 - 2023, các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã tiếp nhận, phân loại đối với 171.567 VBQPPL. Kết quả cả nước đã phát hiện và có kết luận kiểm tra đối với 4.294 văn bản có nội dung, thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuyết Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghien-cuu-ung-dung-tri-tue-nhan-tao-trong-soan-thao-van-ban-quy-pham-phap-luat-2280387.html