Nghiên cứu: Vũ khí hạt nhân nổi lên do căng thẳng địa chính trị

Ngày 17/6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết vai trò của vũ khí hạt nhân đã nổi bật hơn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tăng cao, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới 'hãy lùi lại và suy ngẫm'.

Theo SIPRI, các nỗ lực ngoại giao nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân đang gặp phải những trở ngại lớn trong bối cảnh quan hệ quốc tế căng thẳng vì xung đột ở Ukraine và Gaza.

Ông Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI, cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy vũ khí hạt nhân đóng vai trò nổi bật như vậy trong quan hệ quốc tế kể từ Chiến tranh Lạnh".

 Tên lửa đạn đạo RS-24 Yars của Nga. Ảnh: AP

Tên lửa đạn đạo RS-24 Yars của Nga. Ảnh: AP

Viện nghiên cứu cho biết 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới đang "tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình và một số hệ thống trang bị vũ khí hạt nhân hoặc có khả năng hạt nhân mới đã được triển khai vào năm 2023". 9 quốc gia đó là Mỹ, Nga, Vương quốc Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel.

Theo SIPRI, vào tháng 1, trong số 12.121 đầu đạn hạt nhân ước tính trên khắp thế giới, có khoảng 9.585 đầu đạn được dự trữ để sử dụng khi cần thiết. Khoảng 2.100 đầu đạn được đặt trong tình trạng "cảnh báo hoạt động cao" về tên lửa đạn đạo.

Gần như tất cả các đầu đạn này đều thuộc về Nga và Mỹ – hai nước sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân, nhưng lần đầu tiên Trung Quốc được cho là có một số đầu đạn trong tình trạng cảnh báo hoạt động cao.

Giám đốc SIPRI Dan Smith cho biết: "Trong khi tổng số đầu đạn hạt nhân trên toàn cầu tiếp tục giảm do vũ khí thời Chiến tranh Lạnh đang dần bị tháo dỡ, thật đáng tiếc là chúng ta tiếp tục chứng kiến số lượng đầu đạn hạt nhân đang hoạt động tăng lên hàng năm".

Ông nói thêm rằng xu hướng này có thể sẽ tiếp tục và "có thể tăng tốc" trong những năm tới, mô tả tình trạng "cực kỳ đáng lo ngại".

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh "sự suy thoái liên tục của an ninh toàn cầu trong năm qua", vì tác động từ các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza có thể được nhìn thấy ở "hầu hết mọi khía cạnh" của các vấn đề liên quan đến vũ khí và an ninh quốc tế.

Ví dụ, vào tháng 2/2023, Nga tuyên bố đình chỉ tham gia hiệp ước New START 2010 – "hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại hạn chế lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ". Nga cũng thực hiện các cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới Ukraine vào tháng 5.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tăng cường cảnh báo nguy cơ "thực sự" về chiến tranh hạt nhân nếu phương Tây trực tiếp tham gia trong cuộc xung đột của nước này với Ukraine.

Ngoài ra, một thỏa thuận không chính thức giữa Mỹ và Iran đạt được hồi tháng 6/2023 đã bị hủy bỏ sau khi bắt đầu cuộc xung đột Israel - Hamas ở Gaza vào tháng 10/2023.

Ông Smith nói: "Chúng ta hiện đang ở một trong những thời kỳ nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người", đồng thời kêu gọi các cường quốc trên thế giới hãy "lùi lại và suy ngẫm. Tốt nhất là cùng nhau".

Hoài Phương (theo AFP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghien-cuu-vu-khi-hat-nhan-noi-len-do-cang-thang-dia-chinh-tri-post299552.html