Ngộ độc khí CO nguy hiểm ra sao và điều trị như thế nào?

Đồng Nai vừa ghi nhận một vụ nghi ngộ độc khí CO tại huyện Vĩnh Cửu làm 2 người tử vong và 3 người đang được tiếp tục theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Bác sĩ Đặng Thanh Thế thăm khám cho bệnh nhân nghi ngộ độc khí CO điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sáng 26-5. Ảnh: Hạnh Dung

Bác sĩ Đặng Thanh Thế thăm khám cho bệnh nhân nghi ngộ độc khí CO điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất sáng 26-5. Ảnh: Hạnh Dung

Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa II ĐẶNG THANH THẾ, Trưởng Khoa Y dược cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để hiểu rõ sự nguy hiểm của ngộ độc khí CO và hướng điều trị đối với các bệnh nhân.

Ngộ độc khí CO rất nguy hiểm

* Thưa ông, ngộ độc khí CO nguy hiểm như thế nào?

- Khí carbon monoxide (CO) là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích ứng đường hô hấp. Vì vậy, chúng ta rất khó để nhận biết sự có mặt của khí CO trong không khí vì không thể nhìn cũng như không thể ngửi thấy nó. Khí CO được hình thành do sự đốt cháy không hoàn toàn các chất liệu có chứa carbon như xăng, khí đốt tự nhiên, gỗ, than củi, rơm, rạ. Trong khí thải xe ô tô, khói bếp lò, bếp gas, khí thải từ máy phát điện và hệ thống sưởi đều có khí CO.

Ngộ độc khí CO xảy ra khi con người hít phải quá nhiều loại khí này, gây buồn nôn, đau đầu, khó thở và thậm chí có thể làm nạn nhân tử vong. Khí CO khi hít vào phổi sẽ được khuếch tán vào máu, chiếm chỗ vận chuyển oxy của hồng cầu làm cho hồng cầu không thể vận chuyển được khí oxy đến các tế bào và các mô của cơ thể, gây nên hiện tượng thiếu oxy của tế bào. Nguy hiểm nhất là thiếu oxy não, các mô thần kinh khác và tim. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng như “người chết đuối trên cạn”.

* 5 ca nghi ngộ độc khí CO vừa qua cụ thể ra sao, thưa ông?

- 5 bệnh nhân được đưa vào cấp cứu nghi do ngộ độc khí CO, trong đó 2 trường hợp ngộ độc ở mức độ nặng đã tử vong ngoại viện. 3 bệnh nhân còn lại ngộ độc ở mức độ nhẹ, vừa. May mắn là tại bệnh viện có trang bị hệ thống thiết bị oxy cao áp nên các bệnh nhân này được điều trị rất kịp thời, đến nay không nguy hiểm đến tính mạng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tường Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thăm hỏi các bệnh nhân. Ảnh: Hạnh Dung

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tường Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất thăm hỏi các bệnh nhân. Ảnh: Hạnh Dung

Phòng ngừa ngộ độc khí CO

* Ông có thể nói rõ hơn về liệu pháp oxy cao áp?

- Liệu pháp oxy cao áp là sử dụng oxy cao áp trong điều trị khi oxy ở áp lực cao lớn hơn 1,4 atmosphere (atm) nhằm mục đích điều trị và phục hồi sức khỏe. Liệu pháp này được chỉ định rộng rãi trong nhiều loại bệnh như: ngộ độc oxit cacbon (khí thải động cơ nổ, khói thuốc lá…), nhiễm độc các chất tạo Methemoglobin, tắc mạch do khí…

Tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, liệu pháp oxy cao áp đã được triển khai từ năm 2010, gồm 2 hệ thống điều trị gồm: máy điều trị oxy cao áp đơn (mỗi lần điều trị cho một bệnh nhân) và máy điều trị oxy cao áp tập thể (mỗi lần điều trị cho 4 bệnh nhân). Khi áp dụng liệu pháp này kết hợp với các phương pháp khác sẽ làm tăng hiệu quả điều trị.

Khi đưa bệnh nhân vào máy oxy cao áp, áp lực cao sẽ làm giảm thời gian bán hủy khí CO trong cơ thể bệnh nhân, từ 4-5 giờ đồng hồ (khi không sử dụng máy oxy cao áp) xuống còn khoảng 20 phút. Oxy cao áp sẽ làm tăng khả năng hòa tan oxy trong máu, làm tăng khả năng cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ kiểm tra khả năng vận động của các bệnh nhân. Ảnh: Hạnh Dung

Bác sĩ kiểm tra khả năng vận động của các bệnh nhân. Ảnh: Hạnh Dung

* 3 bệnh nhân này sẽ tiếp tục được điều trị ra sao, thưa ông?

- Trước mắt, khí CO đã được thải ra tương đối ổn. Các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi xem các bệnh nhân có bị ảnh hưởng gì đến các cơ quan khác như gan, thận, phổi hay không. Nếu tình hình các bệnh nhân ổn định sẽ được xuất viện, nếu tình hình chưa ổn định thì sẽ tiếp tục được theo dõi thêm, khi nào ổn sẽ được xuất viện.

* Ông có cảnh báo gì đối với người dân để không xảy ra các trường hợp ngộ độc khí CO tương tự?

- Ngoài vụ nghi ngộ độc khí CO này, trước đó bệnh viện cũng đã tiếp nhận một số trường hợp bị ngộ độc khí CO do nằm bên cạnh máy phát điện trong phòng kín. Các trường hợp này may mắn cũng đã được điều trị kịp thời, không nguy hiểm đến tính mạng.

Một số phụ nữ sau khi sinh đẻ thường nằm trong phòng và để bếp than ở dưới gầm giường hoặc ở trong phòng kín. Điều này không nên vì có thể dẫn đến nguy cơ bị ngộ độc khí CO. Hoặc khi đốt rác, đốt cỏ, người dân cần lưu ý ở môi trường thoáng để hạn chế ngộ độc khí CO. Trong thời tiết nắng nóng, nếu có cúp điện, người dân khi dùng máy phát điện thì nên để máy ở bên ngoài, không nên để trong phòng kín để tránh bị ngộ độc khí CO. Những công ty sản xuất có lò than nên tập huấn cho công nhân lao động để họ biết cách vận hành, sử dụng lò than, làm việc bên lò than, có đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra ngộ độc khí CO.

Các triệu chứng ngộ độc khí CO như: đau đầu, lú lẫn hoặc chóng mặt, rất mệt mỏi, khó thở, đau bụng, buồn nôn. Ở mức độ nặng có thể bất tỉnh, mất ý thức.

* Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/y-te/202505/ngo-doc-khi-co-nguy-hiem-ra-sao-va-dieu-tri-nhu-the-nao-ab143f6/