Ngộ độc nấm rừng biểu hiện thế nào?
Mỗi một loại nấm độc khi ăn phải có những dấu hiệu riêng. Các loại nấm độc hiện nay xếp làm 2 nhóm, nhóm các nấm gây ngộ độc sớm và nhóm các nấm gây độc muộn.
Hỏi:
Gần đây tôi đọc nhiều thông tin về các ca ngộ độc nấm, vậy làm sao để nhận diện nấm độc và dấu hiệu ngộ độc nấm, thưa bác sĩ?
Hương Oanh (Hà Nội)

Ảnh minh họa.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trả lời:
Nguyên nhân các trường hợp ngộ độc nấm là do người dân đi hái các nấm mọc hoang dại và hái phải nấm độc về ăn.
Mỗi một loại nấm độc khi ăn phải có những dấu hiệu riêng. Các loại nấm độc hiện nay xếp làm 2 nhóm, nhóm các nấm gây ngộ độc sớm và nhóm các nấm gây độc muộn.
Nhóm các nấm gây ngộ độc sớm thì các biểu hiện ngộ độc xuất hiện sớm trong vòng 6 giờ sau khi ăn, hình thức các nấm trông ít bắt mắt, ít hấp dẫn, thậm chí trông có màu sắc rực rỡ, gây các triệu chứng nôn, đau bụng, ỉa chảy, thường có các triệu chứng thần kinh, tâm thần, có thể có triệu chứng tim mạch.
Tuy nhiên, với nhóm các nấm gây ngộ độc sớm miễn là người dân tới cơ sở y tế cấp cứu kịp thời thì hầu hết sẽ không tử vong.
Còn nhóm các nâm gây ngộ độc muộn, các loài nấm này lại màu trắng, sạch sẽ, trông rất ngon, là các nấm độc tán trắng (Amanita verna) hoặc nấm độc trắng hình nón (Amanita virosa). Biểu hiện ngộ độc xuất hiện sau ăn quá 6 giờ, với biểu hiện qua 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 đau bụng, nôn, tiêu chảy rất nhiều xuất hiện muộn, kéo dài khoảng 1 ngày. Giai đoạn 2 là yên lặng với đau bụng, nôn, tiêu chảy đỡ, có thể hết trong 1 ngày. Giai đoạn 3 là viêm gan suy gan, suy thận, tổn thương/suy đa cơ quan và tử vong.
Ngộ độc muộn có tỷ lệ tử vong rất cao lên tới 50%, kể cả khi áp dụng các biện pháp cấp cứu, hồi sức, giải độc tích cực. Ở giai đoạn 2 của bệnh với biểu hiện yên tĩnh nhưng thực tế gan đang bị tổn thương âm thầm, bệnh nhân và bác sĩ nếu chưa có kinh nghiệm có thể cho bệnh nhân ra viện sớm, để rồi sau đó lại sớm quay lại viện vì nặng lên.
Để phòng tránh ngộ độc nấm, Trung tâm Chống độc khuyến cáo, người dân không hái các nấm mọc hoang dại về ăn, có lẽ chỉ trừ mộc nhĩ. Các cơ quan chức năng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức và các cá nhân cần tăng cường tuyên truyền, chia sẻ về các thông tin an toàn trên với người dân để tránh các trường hợp ngộ độc và tử vong đáng tiếc.