Ngỡ ngàng 180 thí sinh bị điểm 0 kì thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh
Số lượng 180 thí sinh bị điểm 0 kì thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc dạy, học và hướng nghiệp đang có nhiều bất cập.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023.
Trong tổng số 95.952 thí sinh thì có 180 thí sinh bị điểm liệt (0 điểm) ở các môn, gồm 165 bài thi môn Toán, 7 bài thi môn Ngữ văn và 8 bài môn Ngoại ngữ.
Số lượng 180 thí sinh bị điểm 0 kì thi tuyển sinh 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc dạy, học và hướng nghiệp đều chưa có hiệu quả tốt.
Lỗ hổng kiểm tra đánh giá học sinh
Học sinh lớp 9 cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định thì mới được thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, tại điểm b khoản 1 Điều 7 Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở ban hành kèm theo Quyết định 11/2006/QĐ-BGD&ĐT quy định điều kiện và tiêu chuẩn công nhận tốt nghiệpnhư sau:
- Xếp loại hạnh kiểm cả năm học lớp 9 từ trung bình trở lên, đối với diện phải xếp loại hạnh kiểm;
- Xếp loại học lực cả năm lớp 9 từ trung bình trở lên, nếu không thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích;
- Xếp loại học lực yếu nhưng các môn học tính điểm trung bình đều đạt từ 3,5 điểm trở lên, trong đó môn toán hoặc môn ngữ văn đạt từ 5,0 điểm trở lên, nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên, khuyến khích.
Như thế, việc dạy, học và kiểm tra đánh giá đối với học sinh ở bậc trung học cơ sở nói chung và lớp 9 nói riêng ở các nhà trường chưa đúng với lực học của các em.
Học sinh đủ điều kiện dự thi tuyển sinh vào lớp 10 nhưng làm bài thi bị 0 điểm cho thấy việc kiểm tra đánh giá còn dễ dãi. Cũng có thể do nhà trường mắc "bệnh thành tích" nên cứ thế mà "lùa" học sinh lên lớp mặc dù lực học các em rất yếu, kém.
Nhận định này hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ, một đề thi tuyển sinh bao giờ cũng được thiết lập theo ma trận: nhận biết, thông hiểu và vận dụng (vận dụng cao, vận dụng thấp).
Đối với câu hỏi nhận biết, thí sinh có thể trả lời được câu hỏi ngay để lấy ít nhất là 0,25 điểm nhưng các em vẫn không làm được. Gần như các em không hề có một chút kiến thức nào để làm bài thi cả.
Đáng nói, có 7 thí sinh bị 0 điểm bài thi môn Ngữ văn cũng là điều rất khó chấp nhận. Theo đó, câu 1 (0,5 điểm) phần đọc hiểu hỏi: "Dựa vào bức thư (cô giáo của em), hãy chỉ ra ít nhất hai lợi ích của việc để những suy nghĩ cất lên thành lời".
Lợi ích của việc để những suy nghĩ cất lên thành lời có sẵn trong văn bản, đó là: 1) mang đến sự chia sẻ, cảm thông; 2) tạo thành mối dây liên kết giữa người và người; 3) lan truyền những điều tích cực, đẹp đẽ; 4) bày tỏ cảm xúc; 5) giải tỏa tâm trạng; 6) bộc lộ cái tôi riêng biệt của bản thân; 7) giúp hiểu nhau và thương nhau nhiều hơn.
Thí sinh chỉ cần nhìn nội dung ngữ liệu và chép vào giấy thi bất kì một lợi ích nào, chẳng hạn: mang đến sự chia sẻ, cảm thông – thì được 0,25 điểm (trả lời đúng hai lợi ích sẽ được trọn 0,5 điểm).
Đối với câu hỏi này, trình độ học sinh lớp 3 vẫn trả lời được nhưng học sinh lớp 9 thì không, quả là rất đáng trăn trở.
Nhiều bất cập về hướng nghiệp cho học sinh trung học cơ sở
Học sinh bị điểm 0 kể cả điểm 1, 2, 3 nhưng vẫn tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 thì lỗi một phần cũng do nhà trường hướng nghiệp cho các em chưa đến nơi đến chốn.
Những hạn chế, bất cập của hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn học tập và tư vấn nghề cho học sinh trung học cơ sở vẫn chưa được giải quyết căn cơ.
Hoạt động giáo dục hướng nghiệp, tư vấn học đường nhiều năm qua ở các trường trung học cơ sở chưa được quan tâm đúng mức (nếu không muốn nói là bỏ trống).
Lí do là thiếu cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và việc làm, về ngành nghề đào tạo và các cơ sở đào tạo, về chính sách đối với người học và chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, về cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động...
Đồng thời, học sinh cũng không hiểu được những đặc điểm tâm sinh lý, những phẩm chất và năng lực của bản thân để lựa chọn hướng đi, nghề nghiệp tương lai cho phù hợp.
Bên cạnh đó, tâm lý chạy theo bằng cấp của nhà trường, phụ huynh còn nặng nề. Nếp nghĩ xem trọng "khoa bảng", "bằng cấp" đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân. Vậy nên, đa số phụ huynh học sinh đều mong muốn con, em mình vào học để có tấm bằng đại học.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thí sinh bị điểm 0, điểm yếu, kém trong kì thi tuyển sinh, thiết nghĩ các nhà trường cần nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, triển khai các hoạt động tư vấn học đường cho học sinh trung học cơ sở nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em.
Cùng với đó là xây dựng chương trình và tổ chức dạy học phân hóa theo hướng tự chọn ở trung học cơ sở. Dĩ nhiên, việc này cần sự đồng hành của phụ huynh thì các nhà trường mới có thể dạy học và phân luồng hiệu quả cho học sinh.