1. Thư viện George Peabody, Baltimore, bang Maryland, Mỹ: Là một phần của trường Đại học Johns Hopkins, thư viện này được đặt tên theo nhà từ thiện George Peabody, người gây quỹ để xây dựng nên công trình này. Không chỉ chưa hơn 300.000 đầu sách, một lượng sách đồ sộ, thư viện George Peabody còn nổi tiếng với mái vòm cao vút, sàn cẩm thạch long lanh cùng vô số chi tiết tinh xảo suốt 5 tầng của tòa nhà.
2. Phòng đọc hoàng gia Bồ Đào Nha, Rio de Janeiro, Braxil: Thư viện này thực sự giống như một cung điện dành cho sách. Mặt ngoài đá vôi được lấy cảm hứng từ Tu viện Jerónimos nổi tiếng ở Lisbon, nội thất bên trong sử dụng cửa kính để ánh sáng tự nhiên xuyên qua, kèm những bàn thờ bạc, cẩm thạch và ngà voi đón chào người đến đọc sách.
3. Thư viện công cộng Stockholm, Thụy Điển: Thư viện này được thiết kế bởi kiến trúc sư tài danh Gunnar Asplund, nổi tiếng với việc thiết kế rạp chiếu phim Skandia và nghĩa trang Woodland – đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Sảnh chính của thư viện Stockholm có tường bao tròn với trần nhà nhìn tựa những đám mây, lưu trữ sách báo bằng đủ ngôn ngữ ở vùng Bắc Âu.
4. Thư viện trung tâm Vancouver, Canada: Thư viện trung tâm Vancouver được mô phỏng theo kiến trúc là đấu trường Colosseum huyền thoại của người La Mã. Khu phức hợp chín tầng bao gồm không chỉ nơi đọc sách mà cả không gian văn phòng, cửa hàng cà phê, cửa hàng bán lẻ và nổi bật nhất khu vườn sân thượng được thiết kế bởi công ty Safdie Architects.
5. Thư viện của Tu viện Strahov, Prague, Cộng hòa Séc: Tu viện Strahov được thành lập năm 1143. Vượt qua nhiều cuộc chiến tranh và các thảm họa, giáo hội đã phục dựng lại thư viện vào năm 1679. Đặc trưng nổi tiếng nhất của thư viện là trần nhà được bao phủ bởi các bức tranh mô phỏng trong Kinh thánh.
6. Thư viện Hoàng gia Đan Mạch, Copenhagen: Thư viện Hoàng gia Đan Mạch được xây dựng từ năm 1648, cải tạo lại vào năm 1999. Nơi đây được mệnh danh là "viên kim cương đen" nhờ khối kim loại đen sáng bóng kẹp hai bên hành lang giữa bằng kính. Bên trong, ta có thể tìm thấy một kho báu thực sự gồm các tác phẩm nổi tiếng của châu Âu, đặc biệt là bằng tiếng Đan Mạch, cùng toàn bộ các bản thảo gốc của triết gia Søren Kierkegaard.
7. Thư viện Bodleian, Oxford, Vương quốc Anh: Thư viện Bodleian đã được sử dụng từ những năm 1300, hiện nay chưa tới 12 triệu bản in luôn thu hút các nhà nghiên cứu và du khách từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều tòa nhà của thư viện còn mang vẻ đẹp cổ kính của thế kỷ 15, khiến bất kì ai ghé thăm nước Anh cũng muốn nán lại một lần.
8. Thư viện Providence Athenaeum, đảo Rhode, Mỹ: Thư viện Providence Athenaeum mang phong cách phục hưng Hy Lạp được dựng lên nhờ các nhà tài trợ tư nhân. Nơi đây lưu trữ các công trình về lịch sử của đảo Rhode cũng như các tác giả ở tiểu bang này.
9. Thư viện Stuttgart, Đức: Thư viện thành phố Stuttgart nằm trong một tòa nhà khổng lồ ở trung tâm miền nam nước Đức, tuy nhiên thiết kế bên trong lại tạo cho bạn cảm giác như đi trong một kim tự tháp úp ngược cùng hàng trăm nghìn đầu sách.
10. Thư viện Alexandria, Ai Cập: Thành phố Alexandria từng là quê hương của thư viện nổi tiếng nhất trên thế giới, giờ đây Ai Cập đã tôn vinh di sản văn hóa của mình với công trình đá granite tuyệt đẹp này. Cấu trúc hình tròn được thiết kế bởi công ty Snøhetta của Na Uy còn các đường nét chạm khắc do các nghệ sĩ địa phương thực hiện, nằm bên cạnh một hồ nước lớn để phản chiếu ánh mặt trời.
11. Thư viện Biblioteca Vasconcelos, Mexico: Bước chân vào thư viện Biblioteca Vasconcelos, cảm giác đầu tiên của bạn là choáng ngợp trước gần 500.000 đầu sách trên các giá treo dọc hành lang. Tường và sàn của tòa nhà được làm trong suốt, càng làm bạn như đi lạc vào mê cung rộng lớn của sách.
12. Thư viện El Escorial, San Lorenzo de El Escorial, Tây Ban Nha: Không chỉ là biểu tượng nghệ thuật của Tây Ban Nha, thư viện El Escorial còn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế giới. Được xây dựng bởi vua Philip II, điểm rực rỡ nhất của thư viện là một loạt bảy bức tranh tường minh họa nghệ thuật tự do (âm nhạc, hùng biện, thiên văn học...)
13. Thư viện công cộng Beitou, Đài Loan: Thư viện Beitou là tiêu biểu cho trào lưu kiến trúc thân thiện với môi trường. Gồm 2 tầng nhà bằng gỗ nằm lấp ló trong hàng cây cổ thụ, nơi đây có đặt ghế dọc các ban công để độc giả có thể vừa đọc sách vừa đắm chìm trong thiên nhiên xung quanh.
14. Thư viện Vennesla, Na Uy: Nằm gần điểm cực nam của Na Uy, thư viện Vennesla vừa là nơi đọc sách, vừa là nơi gặp gỡ, sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Những thanh dầm gỗ độc đáo bên trong tòa nhà được thiết kế để mô phỏng bên trong một con cá voi khổng lồ.
15. Thư viện Đại học Nghệ thuật Tama, Tokyo, Nhật Bản: Được hoàn thành vào năm 2007, Thư viện Đại học Nghệ thuật Tama có thiết kế hiện đại: kiến trúc vòm bê tông, tường kính, đồ nội thất tối giản nhưng vẫn gợi chút cảm giác cổ điển. Nhìn về tổng thể, thư viện có cấu trúc như một hầm rượu vang có mái vòm và là hình mẫu ưa thích của bất cứ ai đam mê kiến trúc.
Đức Anh (Theo Traveler)