Ngoại giao Mặt trăng của Trung Quốc: Tham vọng soán ngôi 'đế chế' vũ trụ Mỹ
Từ trường phái ngoại giao gấu trúc nổi tiếng của thế kỷ trước, Trung Quốc dần hình thành một công cụ đối ngoại mới mang tên ngoại giao Mặt trăng.
![Các nhân viên kỹ thuật làm việc tại Trung tâm kiểm soát hàng không vũ trụ Bắc Kinh đang theo dõi tàu Hằng Nga 6 đáp xuống Mặt trăng ngày 2/6/2024. (Nguồn: THX)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51457072/e0e3d848ef0606585f17.jpg)
Các nhân viên kỹ thuật làm việc tại Trung tâm kiểm soát hàng không vũ trụ Bắc Kinh đang theo dõi tàu Hằng Nga 6 đáp xuống Mặt trăng ngày 2/6/2024. (Nguồn: THX)
Hằng Nga tạo kỳ tích
Trong văn học cổ điển Trung Quốc, truyền thuyết “Hằng Nga bay lên cung trăng” thể hiện khát vọng vươn tới trời cao của người dân nước này. Giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực vào năm 2003, khi Bắc Kinh đưa phi hành gia đầu tiên (Dương Lợi Vĩ) vào không gian trên tàu Thần Châu 5, trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Liên Xô và Mỹ) thực hiện thành công chuyến thám hiểm vũ trụ có người lái.
Đây là bàn đạp quan trọng khích lệ Trung Quốc mở rộng năng lực chinh phục không gian, đặc biệt là khám phá Mặt trăng, dẫn đến sự ra đời của Dự án Hằng Nga (Chang’e Program) năm 2004. Ngành nghiên cứu vũ trụ quốc gia Đông Bắc Á này dần gặt hái nhiều quả ngọt, góp phần hiện thức hóa tham vọng đứng ngang hàng với các siêu cường khoa học-công nghệ.
Năm 2007, Bắc Kinh phóng thành công tàu thăm dò Mặt trăng đầu tiên - Hằng Nga 1. Đến năm 2023, Hằng Nga 3 hạ cánh thành công lên bề mặt Mặt trăng, mang theo robot thám hiểm Ngọc Thố (Yutu). Năm 2019, Hằng Nga 4 lập kỳ tích khi trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của nhân loại đặt chân lên vùng tối của Mặt trăng.
Thành tựu này có được nhờ vệ tinh tiếp sóng Queqiao (Cầu Ô Thước), giúp kết nối thông tin trực tiếp giữa Trái đất và vùng khuất của Mặt trăng. Năm 2020, tàu Hằng Nga 5 thu thập được 1.731 gram mẫu đất đá từ bề mặt Mặt trăng và mang về Trái đất.
Đến tháng 6 năm ngoái, Hằng Nga 6 tiếp tục lập kỷ lục thế giới khi lấy về 1.935 gram mẫu đất từ vùng khuất của Mặt trăng. Đầu năm nay, Trung Quốc công bố kế hoạch phóng tàu Hằng Nga 7 vào năm 2026 nhằm tìm kiếm dấu vết của nước và băng trên Mặt trăng, hướng tới xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt trăng vào những năm 2030.
Gấu trúc và Mặt trăng
Điểm đặc biệt trong chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc là cách nước này sử dụng mẫu đất Mặt trăng như một công cụ ngoại giao. Trong lịch sử, nhân loại đã thu thập khoảng 380 kg đất Mặt trăng qua 6 sứ mệnh Apollo của Mỹ, 3 sứ mệnh Luna của Liên Xô và 2 sứ mệnh Hằng Nga của Trung Quốc. Mỹ là nước tiên phong trong việc tặng mẫu đất Mặt trăng, khi vào năm 1978, Cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski trao tặng Trung Quốc mẫu đất nặng 1 gram trong chuyến thăm Bắc Kinh.
Song gần đây, cục diện quyền lực đã xoay chuyển. Trong một diễn biến chưa từng có tiền lệ, từ vị thế cường quốc dẫn đầu trong lĩnh vực vũ trụ, Mỹ đã phải chủ động đề nghị Trung Quốc cho thuê mẫu đất Mặt trăng.
Tháng 11 năm ngoái, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) chính thức gửi yêu cầu, nhưng bị Bắc Kinh từ chối với lý do “ai cũng hiểu” rằng họ không muốn chia sẻ thành tựu và nguồn lực với đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đồng thời nhằm trả đũa lệnh cấm vận công nghệ mà Washington áp đặt lên các tập đoàn Trung Quốc.
![Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, tháng 4/2022. (Nguồn: Sputnik)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_194_51457072/9bf3ca58fd1614484d07.jpg)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, tháng 4/2022. (Nguồn: Sputnik)
Trong khi đó, Bắc Kinh lại không ngần ngại trao tặng đất Mặt trăng cho những quốc gia họ muốn thắt chặt quan hệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đích thân trao tặng 1,5 gram đất Mặt trăng cho Tổng thống Nga Vladimir Putin năm 2022 và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2023.
Mẫu đất tặng ông Macron hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Paris như biểu tượng của tình hữu nghị Trung-Pháp. Trước đây, Trung Quốc từng dùng “ngoại giao gấu trúc” để thể hiện thiện chí. Giờ đây, tặng đất Mặt trăng dường như trở thành thước đo mới cho sự ưu ái của Bắc Kinh dành cho các đối tác tin cậy.
Và thế là ngoại giao Mặt trăng của Trung Quốc ra đời, tiếp nối truyền thống ngoại giao gấu trúc nổi tiếng. Nếu ngoại giao gấu trúc mang tính mềm mỏng, tạo thiện cảm, thì ngoại giao Mặt trăng thể hiện quyền lực và sự chọn lọc đối tác dựa trên lợi ích chiến lược.
Giờ đây, khi ngước nhìn vầng trăng sáng, không chỉ có nàng Hằng Nga trên bầu trời trong truyền thuyết, mà còn có những con tàu Hằng Nga đang trên hành trình chinh phục vũ trụ thế kỷ XXI. Đây chính là minh chứng cho sự tiến bộ vượt bậc của Trung Quốc trong lĩnh vực khám phá không gian, khơi dậy niềm động viên, khích lệ to lớn để các nước khác học hỏi, phát triển hơn nữa năng lực chinh phục vũ trụ.