Ngoài kháng thể, cơ thể người còn 'chiến binh' nào để đấu với Omicron?

Trong cuộc chiến chống lại virus SARS-CoV-2, một thành phần quan trọng trong hệ miễn dịch của con người giữ vai trò nổi bật hơn cả chính là kháng thể.

Các protein hình chữ Y này đang trở thành thông tin được quan tâm hàng đầu trước tình hình nhiều loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay không thể sản xuất đủ lượng kháng thể cần thiết để chống lại biến thể Omicron đột biến cao.

Được sản sinh nhờ tiêm vaccine hoặc lây nhiễm trước đó, các kháng thể sẽ bám vào protein gai trên bề mặt của SARS-CoV-2, ngăn nó xâm nhập vào tế bào và gây bệnh cho con người. Dù vậy, kháng thể không phải “vị anh hùng” diệt virus duy nhất trong cơ thể người.

Hình ảnh virus SARS-CoV-2 hiện lên dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: AFP

Hình ảnh virus SARS-CoV-2 hiện lên dưới kính hiển vi điện tử. Ảnh: AFP

Trên thực tế, nhà miễn dịch học tại Đại học Harvard Roger Shapiro giải thích rằng hệ miễn dịch của cơ thể có một phản ứng phức hợp rất tinh vi theo quan điểm tiến hóa.

Hãng thông tấn AFP đã điểm mặt những “chiến binh” tinh nhuệ nhất của cơ thể dưới đây:

“Kẻ đánh bom rải thảm” của hệ miễn dịch bẩm sinh

Trong vài phút và vài giờ sau khi con virus đầu tiên xâm nhập, các protein truyền tín hiệu sẽ phát ra cảnh báo để đánh thức những “chiến binh” của hệ thống miễn dịch bẩm sinh.

Kẻ đầu tiên xuất hiện là bạch cầu trung tính (neutrophil), chiếm đến 50 – 70% tế bào bạch cầu. Chúng nhanh chóng tấn virus song cũng nhanh chóng lụi tàn. Kế đến là các đại thực bào (macrophage) “ham ăn” nuốt chủng mầm bệnh rồi tiết ra những tín hiệu quan trọng để giúp đào tạo các “đồng đội” thông minh hơn. Đó chính là các tế bào NK được mệnh danh là "sát thủ tự nhiên" và tế bào "đuôi gai" truyền thông tin.

Nhà miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania, John Wherry nhận xét: “Nó như thể đánh bom rải thảm cả khu vực và hy vọng bạn sẽ gây thiệt hại cho kẻ xâm lược nhiều nhất có thể… và cùng lúc đó liên lạc về cơ quan đầu não để đưa lính đặc nhiệm vào chiến đấu”.

Tế bào B và T: đặc vụ tình báo và sát thủ tài ba

Nếu những kẻ xâm lược không bị đánh đuổi, hệ miễn dịch thích ứng sẽ phát huy tác dụng.
Vài ngày sau lần nhiễm trùng đầu tiên, tế bào B khôn ngoan đối mặt với mối đe dọa và bắt đầu bơm ra kháng thể. Việc tiêm vaccine phòng ngừa cũng huấn luyện các tế bào B – chủ nằm trong các hạch bạch huyết ở nách, gần vị trí tiêm - trở nên sẵn sàng.

Chuyên gia Shapiro ví tế bào B như những đặc vụ tình báo nắm giữ thông tin quan trọng về các mối đe dọa. Loại kháng thể mạnh nhất, được gọi là "trung hòa", hoạt động giống như bã kẹo cao su dính chặt vào đầu chìa khóa khiến nó mất đi chức năng mở cửa.

Một người đã tiêm vaccine bị nhiễm Omicron có thể có triệu chứng nhẹ giống như cảm lạnh, hoặc trung bình giống như cúm, nhưng khả năng mắc bệnh nặng giảm đáng kể. Ảnh minh họa: AFP

Một người đã tiêm vaccine bị nhiễm Omicron có thể có triệu chứng nhẹ giống như cảm lạnh, hoặc trung bình giống như cúm, nhưng khả năng mắc bệnh nặng giảm đáng kể. Ảnh minh họa: AFP

Có những loại kháng thể ít được báo trước hơn và không dính như loại trung hòa nhưng vẫn giúp cản chân virus, kéo nó về phía các tế bào miễn dịch hoặc kêu gọi sự giúp đỡ và nâng cao phản ứng tổng thể.

Đối tác chính của tế bào B là tế bào T, có thể phân chia thành "người trợ giúp" và "sát thủ”. Với chức năng sát thủ, tế bào T tấn công các tế bào nhiễm bệnh, song nó cũng gây ra thiệt hại lớn đi kèm.

Còn các tế bào T trợ giúp lại hoạt động giống như các tướng lĩnh giữ vai trò điều phối binh sĩ, thúc đẩy các tế bào B tăng cường sản xuất kháng thể nhắm vào phía kẻ thù.

Các tế bào T trợ giúp "giống như các vị tướng", Shapiro nói thêm, điều phối quân đội, thúc đẩy các tế bào B tăng cường sản xuất của họ và hướng những người đồng đội sát thương của họ về phía kẻ thù.

Chấm dứt tình trạng bệnh nặng

Do có protein gai đột biến cao, biến thể Omicron có thể dễ dàng lẩn tránh hệ miễn dịch bằng cách trung hòa các kháng thể được tạo ra từ nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng trước đó.

Tin xấu là điều này khiến mọi người dễ bị mắc bệnh có triệu chứng hơn. Nhưng tin tốt là tế bào T gần như không bị Omicron đánh lừa.

Nhà miễn dịch học John Wherry cho biết các tế bào T có một "kính tiềm vọng" đối với các tế bào bị nhiễm, nơi chúng có thể tìm kiếm các bộ phận cấu thành của virus trong chu kỳ nhân lên của nó.

Chúng rất giỏi trong việc nhận biết các dấu hiệu của kẻ thù mà chúng đã gặp trước đây, ngay cả khi sự ngụy trang khéo léo của virus đã đánh lừa được các kháng thể.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Các tế bào T “sát thủ” thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt, chọc thủng lỗ trong tế bào bị nhiễm bệnh, làm chúng bị hở ra rồi kích hoạt các phản ứng để đưa các protein gây viêm được gọi là "cytokine" đến chiến đấu.

Tùy thuộc vào tốc độ phản ứng, một người đã tiêm vaccine bị nhiễm đột phát có thể có triệu chứng nhẹ giống như cảm lạnh, hoặc trung bình giống như cúm, nhưng khả năng mắc bệnh nặng giảm đáng kể.

Sự việc này không làm giảm đi nhu cầu cấp bách về tiêm liều vaccine nhắc lại. Tiêm liều bổ sung sẽ làm tăng vọt tất cả các loại kháng thể, đồng thời đào tạo thêm các tế bào B và T.

Viễn cảnh trên đã khiến nhiều nhà khoa học kỳ vọng tế bào T sẽ đóng vai trò là một phương án dự phòng hữu hiệu khi các kháng thể thất bại. Nếu các tế bào miễn dịch này có thể chống lại Omicron, chúng cũng sẽ ngăn được nhiều bệnh nhiễm trùng khác chuyển thành bệnh nặng.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ngoai-khang-the-co-the-nguoi-con-chien-binh-nao-de-dau-voi-omicron-20211217162706284.htm