Ngoại trưởng Nga: Tình hình toàn cầu hiện tại không phải Chiến tranh Lạnh
Trả lời phỏng vấn tờ báo Kompas của Indonesia, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng sẽ đúng hơn nếu mô tả các xu hướng toàn cầu hiện nay là quá trình tạo ra một trật tự thế giới đa cực mới.
Theo đài RT ngày 12/7, ông Lavrov nói: “Chúng tôi không định nghĩa giai đoạn hiện nay của quan hệ quốc tế là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Vấn đề hiện nay khác biệt và liên quan tới một cái gì đó khác, đó là sự hình thành một trật tự quốc tế đa cực. Đây là một quá trình khách quan. Mọi người đều có thể thấy rằng các trung tâm ra quyết định mới và có ý nghĩa trên toàn cầu đang củng cố vị thế ở Á - Âu, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh”.
Theo ông Lavrov, những quốc gia và hiệp hội thuộc các trung tâm như vậy thúc đẩy các giá trị như lợi ích quốc gia, độc lập, chủ quyền, bản sắc văn hóa, văn minh và hợp tác quốc tế. Ông nói: “Nói cách khác, họ hoàn toàn nằm trong xu hướng phát triển toàn cầu và kết quả là đang đi từ thành công này đến thành công khác”.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng phương Tây đang cố gắng làm chậm các quá trình này nhằm duy trì quyền bá chủ của mình, do đó làm suy yếu an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu, gây phức tạp cho các nước đang phát triển. Ông Lavrov nói: “Số tiền khổng lồ lẽ ra có thể được chi để thúc đẩy tăng trưởng quốc tế, như giúp đỡ các quốc gia đang cần giúp đỡ nhất, thì lại đang bị đốt dưới hình thức hàng nghìn tấn thiết bị quân sự và đạn dược cung cấp cho Ukraine”.
Tuy nhiên, ông Lavrov cho rằng tình hình hiện nay cũng có mặt sáng hơn ở chỗ thúc đẩy các quốc gia ở Đông bán cầu tìm kiếm các hình thức hợp tác thay thế trên tất cả các lĩnh vực. Việc Mỹ và châu Âu tịch thu dự trữ vàng và tiền tệ của Nga đã khiến cộng đồng quốc tế nhận ra rằng không ai miễn nhiễm với khả năng tài sản bị sung công khi được lưu giữ ở các khu vực tài phán phương Tây.
Theo lời của ông, không chỉ Nga mà một số quốc gia khác đang liên tục giảm phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và chuyển đổi sang các hệ thống thanh toán thay thế và thanh toán bằng tiền tệ quốc gia.
Ngoài ra, ông Lavrov nhận định: “Hiệu quả của các hiệp hội quốc gia không có sự tham gia của phương Tây đang tăng lên. SCO và BRICS là một ví dụ điển hình về ngoại giao đa phương hiện đại không có người dẫn đầu hoặc người theo sau, nơi các quyết định được đưa ra dựa trên sự đồng thuận”.
Bài phỏng vấn ông Lavrov được thực hiện trong bối cảnh Nga đang xung đột với Ukraine nói riêng và phương Tây nói chung trên nhiều mặt. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đảo lộn trật tự thế giới, làm gia tăng căng thẳng và đối đầu.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell bình luận hồi tháng 2: “Chúng ta đã chuyển sang một thế giới đa cực hỗn loạn, nơi mọi thứ đều là vũ khí: năng lượng, dữ liệu, cơ sở hạ tầng, di cư. Địa chính trị là từ quan trọng, mọi thứ đều là địa chính trị”.
Trung Á, vùng Kavkaz, Balkan, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - cho dù thông qua tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng hay các thỏa thuận nổi bật về hợp tác thương mại, quân sự cũng như ngoại giao.