Ngôi chùa cổ 300 tuổi ngự ở cổng làng khoa bảng
Chùa cổ Vĩnh Phúc hơn 300 năm tuổi nổi bật với kiến trúc độc đáo và lưu giữ được nhiều hiện vật quý.
Nằm ven dòng sông Lô, làng Quan Tử từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất hiếu học với 12 vị tiến sĩ Nho học. Bởi vậy, nơi đây còn có một tên gọi khác là làng khoa bảng. Hiện nay, làng Quan Tử có hai di tích nổi tiếng là đền thờ nhà giáo Đỗ Khắc Chung và chùa cổ Vĩnh Phúc với tên nôm là chùa Am.
![Làng Quan Tử bên nằm sát bên dòng sông Lô.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_23_51418340/bcd8712b4865a13bf874.jpg)
Làng Quan Tử bên nằm sát bên dòng sông Lô.
Trong đó, chùa Am hơn 300 năm tuổi nổi bật với kiến trúc độc đáo và lưu giữ được nhiều hiện vật quý. Chùa nằm trên một gò đất nổi cao, rộng giữa cánh đồng trũng gọi là gò Am. Người dân nơi đây ví ngôi chùa tựa như một bông sen và đường vào cổng làng như cuống của đài sen.
![Chùa Am với khuôn viên rộng rãi, cây xanh cổ kính bao quanh chùa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_23_51418340/74a5af5696187f462609.jpg)
Chùa Am với khuôn viên rộng rãi, cây xanh cổ kính bao quanh chùa.
Trên cây hương đá dựng giữa sân chùa Am khắc dòng chữ “Hương chúc bảo đài” ghi rõ chùa được xây dựng vào năm Bính Tý năm 1696, hoàn thành vào năm Canh Dần 1710.
![Cây hương đá dựng giữa sân chùa Am.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_23_51418340/0443d0b0e9fe00a059ef.jpg)
Cây hương đá dựng giữa sân chùa Am.
Tam quan chùa hướng về cổng đông làng Quan Tử. Trước tam quan là khoảng sân lát gạch vuông. Tam quan xây kiểu chữ “Môn” gồm 3 gian 2 dĩ, từ sân lên nền tam quan xây bậc tam cấp. Trên tầng có treo chuông đồng và khánh đồng đều là di vật quý, có giá trị lịch sử và điêu khắc.
![Tam quan chùa hướng về cổng đông làng Quan Tử.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_23_51418340/96af7e5c4712ae4cf703.jpg)
Tam quan chùa hướng về cổng đông làng Quan Tử.
Khu chùa chính gồm 3 tòa xây theo kiểu chữ “Tam”: Bái đường gồm 5 gian 2 dĩ có kiến trúc kiểu 2 tầng mái tạo cảm giác thông thoáng và cao ráo cho mái chùa. Đây là tòa có kiến trúc đẹp và lớn nhất.
Chùa chính với hệ thống 28 cột kết hợp với hệ thống xà cao thấp theo kiểu dân gian tạo nên một bộ khung bền chắc đỡ 2 tầng mái xòe rộng. Gian chính giữa treo bức đại tự sơn son “Vĩnh Phúc Tự” được làm dưới triều vua Bảo Đại.
![Khu chùa chính có kiến trúc 5 gian, 2 dĩ kiểu hai tầng mái tạo cảm giác thông thoáng cho mái chùa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_23_51418340/ae68439b7ad5938bcac4.jpg)
Khu chùa chính có kiến trúc 5 gian, 2 dĩ kiểu hai tầng mái tạo cảm giác thông thoáng cho mái chùa.
Điều độc đáo nhất của chùa Am không chỉ là ngôi chùa có kiến trúc rộng với cảnh quan đẹp mà còn là nơi hội tụ của nhiều tôn giáo và loại hình tín ngưỡng. Điều này được thể hiện qua hệ thống các ban thờ, tượng phật trong chùa.
![Cung thờ Ngọc Hoàng và các vị La Hán.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_23_51418340/d2023ef107bfeee1b7ae.jpg)
Cung thờ Ngọc Hoàng và các vị La Hán.
31 pho tượng của chùa Am rất phong phú về kiểu dáng, chất liệu bằng gỗ hoặc bằng đất. Ở đây không chỉ là tượng Phật mà còn có cả tượng thiên thần, nhân thần và phúc thần. Mỗi pho tượng có kiểu cỡ và kích thước khác nhau xong mỗi pho tượng đều thể hiện được chức năng vị trí của mình.
![Trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, chùa Am vẫn giữ được vẻ uy nghiêm, bề thế.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_23_51418340/4721a9d2909c79c2208d.jpg)
Trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, chùa Am vẫn giữ được vẻ uy nghiêm, bề thế.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, nơi đây đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân làng Quan Tử và vẫn được nhân dân địa phương gìn giữ bảo vệ cảnh quan cũng như các hiện vật trong chùa.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ngoi-chua-co-300-tuoi-ngu-o-cong-lang-khoa-bang-2368680.html