Ngôi chùa cổ có quả chuông nặng 9 tấn nằm giữa hồ nước ở Nam Định

Tọa lạc tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, chùa Cổ Lễ có kiến trúc độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật từ năm 1988. Đặc biệt, chùa sở hữu quả chuông nặng đến 9 tấn, nằm giữa hồ nước, thu hút nhiều du khách đến chiêm bái.

Theo Cổng TTĐT Đảng ủy tỉnh Nam Định, chùa Cổ Lễ được xây dựng từ khoảng thế kỷ 12, trên một nền đất vuông, rộng gần 36.000m², có sông nhỏ và hồ bao quanh.

Kiến trúc chùa có sự kết hợp khéo léo giữa yếu tố cổ truyền với kiến trúc Gothic phương Tây. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Kiến trúc chùa có sự kết hợp khéo léo giữa yếu tố cổ truyền với kiến trúc Gothic phương Tây. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Thông tin từ Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, kiến trúc chùa có sự kết hợp khéo léo giữa yếu tố cổ truyền và kiến trúc Gothic phương Tây, tạo nên nét khác biệt và độc đáo. Nếu như chùa cổ Việt Nam thường thấp và trải rộng về bề ngang, thì chùa Cổ Lễ không chỉ rộng mà còn khá cao với kết cấu mái vòm kiên cố.

Chùa Cổ Lễ không chỉ rộng mà còn khá cao với kết cấu mái vòm kiên cố. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Chùa Cổ Lễ không chỉ rộng mà còn khá cao với kết cấu mái vòm kiên cố. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Tổng thể công trình chùa từ ngoài vào trong được sắp xếp theo thứ tự cổng chùa, tháp Cửu phẩm Liên hoa, cầu cuốn, tam quan, nhà hội quán, đền Thánh, đền Mẫu, hai cầu núi, chùa chính, nhà tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, tòa Kim chung bảo các, vườn tháp…

Tháp Cửu phẩm Liên hoa là “điểm nhấn” quan trọng trong quần thể kiến trúc chùa Cổ Lễ. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Tháp Cửu phẩm Liên hoa là “điểm nhấn” quan trọng trong quần thể kiến trúc chùa Cổ Lễ. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Trong đó, tháp Cửu phẩm Liên hoa là công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật tiêu biểu nhất, là điểm nhấn trên tổng thể công trình chùa Cổ Lễ. Tháp cao 32m, có 9 tầng như đóa sen hợp thành, mang ý nghĩa 9 tầng trời trong tín ngưỡng Phật giáo.

Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Đặc biệt, chùa còn lưu giữ một quả chuông nặng 9 tấn, nằm giữa một hồ trong khuôn viên chùa. Quả chuông có tên gọi là Đại Hồng Chung, đúc vào năm 1936, cao 4,2m, đường kính 2,2m, thành dày 8cm.

Quả chuông nặng 9 tấn nằm giữa hồ nước ở chùa. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Quả chuông nặng 9 tấn nằm giữa hồ nước ở chùa. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Miệng chuông có họa tiết hình cánh sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Quả chuông này chưa được đánh một lần nào, nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên, cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng chuông ngân.

Theo báo Nam Định điện tử, chùa Cổ Lễ ngoài thờ Phật, còn thờ Đức thánh Tổ Thiền sư Nguyễn Minh Không – một vị Quốc sư thời Lý có nhiều công lao đóng góp cho đất nước và nhân dân, trong đó có nhân dân vùng Giao Thủy xưa – Cổ Lễ ngày nay.

Chùa Cổ Lễ được xếp hạng Di tích kiến trúc Nghệ thuật năm 1988. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Chùa Cổ Lễ được xếp hạng Di tích kiến trúc Nghệ thuật năm 1988. Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng Chín Âm lịch hằng năm, nhằm kỷ niệm ngày sinh của Đức thánh Tổ Thiền sư Nguyễn Minh Không.

Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Ảnh: Hồng Sơn – Tâm Nguyễn

Đây là một trong những lễ hội truyền thống, tiêu biểu của tỉnh Nam Định, còn bảo lưu được nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền, giàu tính nhân văn, phản ánh đời sống văn hóa phong phú, đa dạng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Năm 2023, “Lễ hội chùa Cổ Lễ” đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nguyễn Hồng Sơn Đăng Huy

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/ngoi-chua-co-co-qua-chuong-nang-9-tan-nam-giua-ho-nuoc-o-nam-dinh/