Chùa Vĩnh Tràng, còn gọi chùa Vĩnh Trường, được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa văn hóa Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm... Công trình kiến trúc đặc sắc này là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của nhiều du khách khi ghé Tiền Giang. Để có được diện mạo như bây giờ, ngôi chùa trải qua nhiều lần thay đổi, tôn tạo dưới bàn tay của các đời hòa thượng. Ảnh: Trung Huỳnh.
Ban đầu, nơi đây mới chỉ là một cái am nhỏ, mái lá vách đất. Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng về trụ trì, xây dựng thành ngôi chùa lớn và đặt tên là Vĩnh Tràng. Cái tên Vĩnh Tràng có nghĩa là “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Năm 1907, Hòa thượng Chánh Hậu cho trùng kiến ngôi chùa và xây dựng nhiều nét phá cách trong kiến trúc pha lẫn Á-Âu. Ảnh: Fulinguyen.
Từ ngoài, ngôi chùa gây ấn tượng với du khách bởi cổng lớn 2 bên do nghệ nhân xứ Huế thực hiện năm 1933. Cổng được xây dựng kiểu lầu cao 2 tầng với 2 mái, cửa phía trên đặt tượng Phật. Cổng được trang trí bằng nghệ thuật khảm sành sứ tinh xảo hình Long - Lân - Quy - Phụng, Ngư - Tiều - Canh - Mục. Ảnh: Trung Huỳnh.
Ngôi chùa nằm trong khuôn viên rộng 20.000 m2, có bảo tháp cao 35 m thờ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, các vị Bồ Tát, các vị A La Hán, khu giảng đường và là nơi lữu trữ tro cốt của Phật tử và chư tăng. Ảnh: Trung Huỳnh.
Vào bên trong, du khách có thể thấy rõ phong cách kiến trúc Việt với hình ảnh quen thuộc của ngôi nhà rường, khung gỗ truyền thống, mái lợp ngói, cùng với cách bài trí bàn ghế gỗ. Ảnh: Picsdejenna.
Ghé đây, bạn có thể chiêm ngưỡng 60 bức tượng Phật làm từ gỗ, đồng hoặc đất nung, tất cả đều được sơn son thếp vàng óng ánh. Đặc biệt, bộ tượng 18 vị La Hán đúc từ đầu thế kỷ XX tuy có quy mô nhỏ hơn nhưng được đánh giá là không thua kém về mặt nghệ thuật so với tượng các vị La Hán chùa Tây Phương (Hà Nội). Ảnh: Saverio_gravina, theakhiltaneja.
Giữa các gian nhà là khoảng không đặt hòn non bộ mang nét đặt trưng văn hóa Việt Nam. Ảnh: Denise__chan.
Khuôn viên và quần thể chùa Vĩnh Tràng cũng có những pho tượng đặt ngoài trời ấn tượng. Có thể kể đến tượng Phật Di Lặc, hay còn gọi Đức Phật cười, cao 20 m, nặng 250 tấn, được đúc bằng bê tông cốt thép. Công trình khánh thành năm 2010, lọt vào danh sách 10 tượng Phật lớn nhất thế giới. Đức Phật với nụ cười lớn và chiếc bụng to là hình ảnh mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình, trẻ nhỏ. Ảnh: Trung Huỳnh.
Phía sau chùa là tượng Phật Thích Ca trong tư thế niết bàn, chiều dài 32 m, nặng 250 tấn bằng bê tông cốt thép, khánh thành năm 2013. Ảnh: Trung Huỳnh.
Phía trước chùa có tượng Phật A Di Đà đứng sừng sững trong hoa viên rộng, nhiều cây kiểng đẹp mắt. Công trình cao 24 m (bệ 6 m, tượng 18 m) chế ngự không gian rộng lớn, được thành năm 2008. Ảnh: Trung Huỳnh.
Nếu muốn đến chùa từ TP.HCM, du khách đi theo hướng quốc lộ 1A đến trung tâm thành phố Mỹ Tho. Sau đó, bạn theo hướng tỉnh lộ 879 khoảng 3 km, đến công viên Vĩnh Tràng, sau đó rẽ trái khoảng 300 m. Chùa nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho khoảng 4 km. Ảnh: Trung Huỳnh.
Tượng Phật Thích Ca cao 73 m ở Bình Phước Tượng Phật trên mái một ngôi chùa ở Bình Long (Bình Phước) nổi bật giữa không gian xanh ngát nhờ kích thước khổng lồ. Nơi đây hứa hẹn là điểm đến tâm linh hút khách thời gian tới.
Thảo Ly