Ngôi làng của những ân tình
Thái Hà là tên ngôi làng nằm ở phía Tây xã Chư Pơng, huyện Chư Sê. Gần 15 năm qua, với mỗi con người nơi đây, ngôi làng này không chỉ là nơi bám trụ mà còn gắn kết tình thân, giúp họ vượt qua khó khăn để có cuộc sống sung túc.
Làng Thái Hà được thành lập từ một bộ phận cư dân của 2 tỉnh Thái Nguyên và Hà Tĩnh. Năm 2006, những người tiên phong ở vùng đất này đề nghị ghép tên 2 miền quê thành tên làng. Bởi vậy, cái tên Thái Hà là một sự gắn kết khó lòng bị lãng quên. Từ ngày lập làng cho tới nay, dù mang trong mình những phong tục và nét văn hóa riêng biệt nhưng họ đã cùng nhau sinh sống và xây dựng ngôi làng ngày càng phát triển.
Ký ức tên làng
Đón chúng tôi từ đầu làng, ông Huỳnh Ngọc Chương-Bí thư chi bộ làng Thái Hà-vui vẻ giới thiệu: “Thái Hà có rất nhiều điều đặc biệt! Và điều đặc biệt đầu tiên đó là tên làng”. Để lý giải điều đặc biệt ấy, ông dẫn chúng tôi vào thăm nhà những người đầu tiên đặt chân tới vùng đất này và tham gia trong cuộc họp dân để đặt tên cho làng.
Trong căn nhà cấp IV rộng rãi, bà Vũ Thị Mỹ (60 tuổi) đang ngồi chuyện trò cùng người hàng xóm quê gốc ở Hà Tĩnh. Bà kể, bà từ Thái Nguyên vào đây định cư như một cái duyên trời định. Năm 1998, bà cùng chồng vào thăm anh trai đang sinh sống tại Tây Nguyên. Khi tới vùng đất thuộc làng Thái Hà ngày nay, vợ chồng bà thấy đất đai rộng lớn, tốt tươi và bằng phẳng nên đã quyết định về đưa các con vào đây lập nghiệp và định cư cho đến ngày nay. “Hồi đó, làng chỉ có khoảng 7 hộ người Thái Nguyên, chủ yếu là anh em họ hàng nhà tôi và 6 hộ người Hà Tĩnh. Làng lúc ấy có tên Kênh Siêu 2 (thuộc xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Cũng không phải ngẫu nhiên mà 2 cụm cư dân Thái Nguyên và Hà Tĩnh chúng tôi chọn nơi đây để định cư. Ngoài đất đai màu mỡ thì ngôi làng này còn nằm cạnh con suối Ia Ring hiền hòa. Tục ngữ có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang”, lập làng ở nơi này nhất định sẽ rất trù phú. Ngoài ra, dù chúng tôi từ 2 vùng quê khác nhau quy tụ ở đây nhưng lại rất thân tình, cảm mến nhau”-bà Mỹ nhìn sang người hàng xóm của mình nhắc nhớ.
Năm 2005, theo Quyết định số 17/CP của Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính, xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) được thành lập trên cơ sở 7 làng và 7 tổ tự quản tách ra từ xã Ia Tiêm. Làng Kênh Siêu 2 là một trong 7 làng được tách qua địa phận xã Chư Pơng. Ngay sau đó, làng đã có nhiều cuộc họp để đặt lại tên làng. Theo quan niệm, dù đi đâu, ở đâu, người Việt nhiều thế hệ cũng không lãng quên quê hương, nguồn cội. Và như một lẽ thường tình, tên quê hương cũng theo cùng những bước chân của họ, gắn bó nặng sâu trong nỗi lòng của những người con ly hương. Là một trong những người tham gia đặt tên cho làng, bà Đặng Thị Đào (quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nhớ lại: “Để thể hiện tinh thần đoàn kết trong khu dân cư, chúng tôi thống nhất lấy tên 2 quê hương để làm tên chung. Thái Hà trở thành niềm tự hào của chúng tôi bởi đặc điểm riêng ấy. Tên làng hàm chứa cả những đặc điểm về dân cư. Thái Hà không chỉ đơn thuần là tên gọi, sự khẳng định chỗ đứng chân, nơi bám trụ mà còn chứa đựng cả sự gắn kết”.
Sau khi tên gọi hình thành, Thái Hà trở thành “mái nhà chung” của cư dân Thái Nguyên và Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Trong quá trình phát triển, bà con đã thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó; gian khổ cùng sẻ chia, gánh nặng cùng chung vai để giữ gìn một cộng đồng, một tên gọi Thái Hà đầy tự hào như hôm nay.
“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”
Không giấu nổi niềm tự hào, Bí thư chi bộ Huỳnh Ngọc Chương cho biết: Thái Hà có diện tích khoảng 337 ha với 142 hộ, 481 khẩu. Ngoài cư dân 2 tỉnh Thái Nguyên và Hà Tĩnh, nay làng còn có thêm một số hộ từ Nghệ An, Bình Định… tới định cư. Người dân ở đây chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm. Trong làng chỉ còn 2 hộ nghèo. 10 đảng viên của làng cùng đội ngũ cán bộ đoàn thể luôn nỗ lực vận động người dân tích cực hưởng ứng các phong trào của địa phương. Đại đa số người dân trong làng đều có ý thức phát triển kinh tế gia đình cũng như hỗ trợ nhau cùng làm ăn. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được quan tâm nên Thái Hà nhiều năm liền được công nhận là làng văn hóa cấp huyện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định nhờ triển khai phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc một cách sâu rộng. Đến nay, làng đã thành lập 3 tổ liên gia đảm bảo an ninh trật tự với 30 thành viên.
“Điều đặc biệt tiếp theo mà tôi muốn nói đến là những người con của vùng đất Thái Nguyên đã nỗ lực đưa giống chè đặc sản vào trồng và phát triển trên quê hương thứ 2. Giờ đây, cây chè không chỉ mang lại thu nhập cao cho người dân mà còn tạo dựng thương hiệu được nhiều người biết đến”-ông Chương tiếp nối câu chuyện. Bà Vũ Thị Mỹ chính là người đầu tiên đưa giống chè Thái Nguyên vào thử nghiệm ở vùng đất mới. Bà Mỹ chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên với cây chè nên rất yêu và hiểu giống cây này. Năm 2000, tôi đã dành 1 ha đất để trồng chè. Loại cây này dễ trồng, vốn đầu tư ít và chỉ cần trồng một lần sẽ cho thu hoạch nhiều năm. Sau khi chế biến mẻ đầu tiên, thấy chè cho nước xanh, vị ngọt, thơm, tôi khẳng định giống chè này hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Những năm sau đó, tôi nhân rộng ra 3 ha chè, đồng thời trực tiếp chế biến thành phẩm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng 200 triệu đồng”.
Không dừng lại ở đó, bà Mỹ đã chia sẻ bí quyết, hỗ trợ bà con trong làng cùng trồng chè để phát triển kinh tế. Hiện nay, làng Thái Hà có khoảng 8 hộ gia đình trồng chè với diện tích hơn 5 ha. Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Công Thuần-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chư Pơng-cho hay: “Ngoài cà phê, cây ăn quả, cây dược liệu thì chè được xác định là cây trồng chủ lực của xã. Hiện chúng tôi đã giới thiệu sản phẩm này tại các chương trình thương mại, hội chợ, giúp các hộ dân có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ; tạo điều kiện để xã xây dựng thành công thương hiệu chè Thái Hà”. Ông Thuần cho biết thêm, địa phương đang phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của huyện để xây dựng tổ liên kết trồng và chế biến chè. Đặc biệt, xã định hướng sẽ xây dựng chè thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Chúng tôi rời vùng đất Thái Hà khi mặt trời đang xuống dần, vệt những mảng màu hoàng hôn xuống mặt hồ Ia Ring. Tiễn chúng tôi, bà Mỹ cười hiền nói: “Rồi mai này, thế hệ con cháu vẫn sẽ biết được gốc gác quê hương của mình sau những nỗ lực của chúng tôi. Tôi tin rằng, cứ có tình yêu thì nơi đâu cũng trở thành quê hương và người khắp xứ về đây vẫn sẽ là anh em một nhà”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202006/ngoi-lang-cua-nhung-an-tinh-5685306/