Ngôi trường góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, từ năm 1973 đến nay, Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp đã đào tạo gần 1.000 sĩ quan chỉ huy chiến thuật tăng và thiết giáp cho nước bạn Campuchia. Nhiều cựu lưu học sinh của trường trở về nước làm việc đã và đang có nhiều đóng góp, giữ những chức vụ quan trọng trong Quân đội Hoàng gia Campuchia. Hoạt động đào tạo của trường góp phần vun đắp thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam-Campuchia.
Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp trực thuộc Binh chủng Tăng Thiết giáp, là nơi đào tạo sĩ quan chỉ huy chiến thuật tăng và thiết giáp cấp phân đội, trình độ cử nhân quân sự, bậc đại học và cao đẳng; đồng thời, là trung tâm nghiên cứu khoa học chuyên ngành Tăng Thiết giáp của Binh chủng Tăng Thiết giáp và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trải qua 57 năm xây dựng, trưởng thành, nhà trường luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác đào tạo cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật tăng thiết giáp, đóng góp quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của bộ đội tăng thiết giáp và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ đào tạo sĩ quan chỉ huy cho Quân đội nhân dân Việt Nam, từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng cho nước bạn Lào, Campuchia hàng nghìn cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật có phẩm chất, năng lực toàn diện, có trình độ kỹ thuật, chiến thuật binh chủng theo mục tiêu yêu cầu đào tạo.
Được giao trách nhiệm đào tạo học viên quân sự cho Campuchia bắt đầu từ năm 1973, đến nay, Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp đã đào tạo gần 1.000 sĩ quan chỉ huy chiến thuật tăng và thiết giáp cho nước bạn.
Thượng tá Nguyễn Bá Trọng, Chủ nhiệm chính trị nhà trường cho biết: “Xác định công tác đào tạo, huấn luyện học viên quân sự cho nước bạn Campuchia là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài giữa 2 nước Việt Nam-Campuchia, những năm qua, nhà trường luôn bám sát các nội dung, chương trình hợp tác giữa Bộ Quốc phòng 2 nước để triển khai công tác đào tạo.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên của trường luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để lưu học sinh Campuchia học tập, nghiên cứu hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện, thực hành.
Ngoài các giờ huấn luyện, đào tạo, nhà trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức cho lưu học sinh tham quan một số di tích lịch sử, thắng cảnh tiêu biểu, lồng ghép để tuyên truyền, giáo dục, giúp học viên hiểu rõ hơn về truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam-Campuchia.
Bên cạnh công tác giảng dạy, công tác hậu cần, chăm lo đời sống, đảm bảo nơi ăn ở cho học viên được Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Trong các bữa ăn hằng ngày, món ăn của lưu học sinh luôn được đổi mới, thay đổi cách chế biến để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đảm bảo hợp khẩu vị.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên luôn sát sao, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của học viên để có thể chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong 2 năm qua, các bạn lưu học sinh đều không được về quê đón Tết. Để giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà, vào những ngày lễ, Tết theo truyền thống của Campuchia và Việt Nam, nhà trường đều tổ chức gặp mặt thân mật, tổ chức cho lưu học sinh giao lưu văn hóa, văn nghệ…".
Bất đồng ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất đối với cán bộ, giảng viên của Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp khi giảng dạy, huấn luyện cho lưu học sinh Campuchia. Mặc dù các lưu học sinh đều đã trải qua 1 năm học tiếng Việt trước khi nhập học nhưng khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt khi mới vào trường đều rất hạn chế. Để đảm bảo đào tạo, huấn luyện cho lưu học sinh không cần qua phiên dịch, nhiều giảng viên của trường đã tự học tiếng Campuchia.
Đồng chí Lê Chí Trung, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Tiểu đoàn 61 (Tiểu đoàn Quốc tế) cho biết: “Việc học tiếng Campuchia giúp giảng viên thuận lợi hơn trong quá trình đào tạo, huấn luyện và giao tiếp hằng ngày.
Để giúp các em tiếp thu bài giảng hiệu quả, chúng tôi chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các hình ảnh mô phỏng, mô hình trực quan. Giảng viên đều cố gắng dạy chậm, chắc, chi tiết, vừa dạy vừa giải thích các thuật ngữ chuyên ngành cho các bạn.
Một điều đáng ghi nhận là các lưu học sinh Campuchia đều có thái độ học tập rất tốt, luôn nghiêm túc, tập trung nghe giảng và sau các buổi học, nhiều bạn còn chủ động hỏi lại giảng viên những phần các bạn chưa hiểu rõ. Nhờ đó, học viên có kết quả tốt nghiệp xếp loại khá, giỏi hằng năm chiếm tỷ lệ cao…”.
Với sự quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, lưu học sinh Campuchia đã nhanh chóng vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu để hòa nhập với môi trường mới.
Chia sẻ về quá trình học tập, rèn luyện tại Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, Chea Seyaha - học viên năm thứ 4 cho biết: “Những ngày đầu mới đến trường học tập, trình độ tiếng Việt và chuyên ngành của chúng tôi còn rất hạn chế. Nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của các thầy, cô giáo, chúng tôi đã nhanh chóng làm quen với môi trường mới, vững vàng tâm thế để học tập, rèn luyện.
Trong quá trình giảng dạy, giảng viên rất nghiêm khắc, yêu cầu thực hiện chính xác từng động tác gắn lý thuyết với thực hành, giúp các học viên nắm chắc kiến thức, nâng cao trình độ sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật.
Những kiến thức được học tập tại Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp sẽ là hành trang quan trọng giúp chúng tôi trở thành những sĩ quan giỏi trong Quân đội Hoàng gia Campuchia, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia…”.
Với những đóng góp trong công tác đào tạo học viên quân sự giúp nước bạn Campuchia, Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp vinh dự được Chính phủ Campuchia trao tặng Huân chương Hữu nghị. Các hoạt động đào tạo của nhà trường đã góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.