'Ngọn đuốc sáng' xua tan 'đêm trường hủ tục'
BHG - Những hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu được ví như màn đêm đen tối, kéo dài triền miên, kìm hãm sự phát triển của bao thế hệ đồng bào các dân tộc sống trên vùng rẻo cao. Nhưng khi Chỉ thị 09 của BTV Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 của BCH Đảng bộ tỉnh ra đời đã trở thành “ngọn đuốc sáng”, xua tan “đêm trường hủ tục”, thắp sáng bao khát vọng về một cuộc sống tươi đẹp.
Kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 09 và 1 năm thực hiện Nghị quyết 27 là đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, từng bước hình thành tư duy mới trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về việc tổ chức lễ cưới, tang ma và lễ hội theo hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc văn hóa tiến bộ của nhân loại. Các tầng lớp nhân dân đồng tình hướng ứng, sáng tạo ra nhiều mô hình, cách làm hiệu quả.
Quá trình tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống, đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín (NCUT) trong cộng đồng dân cư luôn đóng vai trò then chốt. Để phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ này trong tuyên truyền, vận động nhân dân dần thay đổi, bỏ dần các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang và đời sống sinh hoạt, học tập theo nếp sống mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh luôn chủ động tổ chức các hội nghị, hội thảo, gặp mặt để lắng nghe, trao đổi, bàn các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân.
NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số là già làng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng dòng họ, cán bộ hưu trí, thầy mo, thầy cúng, người sản xuất, kinh doanh giỏi... Mỗi người có mức ảnh hưởng khác nhau, đặc điểm tâm lý, điều kiện hoàn cảnh và môi trường hoạt động khác nhau. Do đó, họ có thế mạnh riêng trong vận động quần chúng, nhưng bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, họ luôn gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở địa bàn cơ sở xóa bỏ hủ tục.
Với sự tích cực vào cuộc của già làng, NCUT, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, nhân dân rất đồng thuận, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, như: Trong lễ tang, các thủ tục được gộp lại để giảm bớt chi phí, tổ chức đám tang nhiều ngày, trả lễ bằng trâu bò, lợn gây tốn kém được chuyển sang hình thức khác phù hợp hơn; lễ cưới giảm số lần qua lại và những chi phí không phù hợp, không thách cưới cao, không tổ chức cưới khi con chưa đủ tuổi kết hôn; người dân biết sợ đói nghèo, sợ trẻ thất học nên không sinh nhiều con; tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi… nên cuộc sống dần thay đổi, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Huyện vùng cao Quản Bạ hiện có 107 NCUT ở cơ sở. Đây là lực lượng quần chúng đặc biệt, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; đặc biệt trong việc tham gia bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục. Thực hiện Nghị quyết 27, BTV Huyện ủy đã xây dựng đề án và chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn rà soát, xác định hủ tục, phong tục, tập quán nào cần xóa bỏ, phong tục, tập quán nào cần cải tiến; cấp ủy, chính quyền các xã đã tổ chức mạn đàm, trao đổi, thảo luận với NCUT và các nghệ nhân để thống nhất. Đến nay, 13 xã, thị trấn đã rà soát xong, lập được danh sách các hủ tục, phong tục tập quán cần xóa bỏ và cải tiến.
Bằng uy tín và trách nhiệm của mình, NCUT trong đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Quản Bạ đã gương mẫu thực hiện và tích cực tham gia tuyên truyền, vận động từng hộ gia đình trong thôn, xóm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các mô hình kinh tế; vận động các gia đình cải tạo vườn tạp, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xây dựng Nông thôn mới... tích cực tuyên truyền nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn, giữ gìn giá trị tín ngưỡng truyền thống (tiếng nói, trang phục, dân ca, kiến trúc nhà ở, phong tục, lễ hội truyền thống…), xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu. 107/107 NCUT trên địa bàn huyện thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tham gia ý kiến xây dựng, bổ sung vào hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố việc thực hiện xóa bỏ hủ tục. Trong việc tang, 28 NCUT tham gia vào các Ban tang lễ thôn, tổ dân phố. NCUT phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vận động 222/311 trường hợp người Mông chết đưa vào áo quan trước khi cử hành tang lễ (đạt tỷ lệ 71,4%); tuyên truyền nhân dân không thách cưới, đám cưới không tổ chức dài ngày, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không tổ chức thanh minh, mừng thọ, giải hạn linh đình, gây tốn kém, lãng phí; không cúng chữa bệnh, bói đoán bệnh; ăn, ở hợp vệ sinh. NCUT phối hợp với Hội Nghệ nhân dân gian thường xuyên truyền dạy cho thế hệ trẻ, đội văn nghệ dân gian các điệu múa, làn điệu dân ca, nghề truyền thống... nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; rút ngắn bài cúng, bài khèn thổi trong đám tang.
Còn tại huyện Hoàng Su Phì, có 24 Hội Nghệ nhân dân gian ở 24 xã, thị trấn với tổng số 782 hội viên. Trong đó, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực tín ngưỡng dân gian 495 người, lĩnh vực văn hóa dân gian (ca, hát, múa khèn, nhảy ngựa…) 172 người, trong lĩnh vực nghề truyền thống 115 người.
Trong những năm qua, các hội viên đã tích cực tuyên truyền, vận động con cháu, dòng họ và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước thôn, tổ dân phố, nên các hủ tục dần được xóa bỏ. Trong tổ chức và hoạt động, các Hội đã xây dựng được quy chế, quy ước rõ ràng, cụ thể. Với việc cưới, để tránh tình trạng tảo hôn, muốn xem tuổi kết hôn, ngày giờ, đôi nam nữ phải có xác nhận của chính quyền xã đã đủ 20 tuổi đối với nam và đủ 18 tuổi đối với nữ. Gia đình nào cố tình tổ chức cưới khi con chưa đủ tuổi theo quy định thì tất cả các thành viên của Hội không xem ngày cũng như tham gia làm những việc trong đám cưới. Trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu; hội viên Hội Nghệ nhân dân gian tại các xã, thị trấn tích cực tham gia rà soát, khảo sát, lấy ý kiến, thống kê các phong tục, tập quán, các hủ tục trong việc “cưới, việc tang, lễ hội, nếp sống sinh hoạt” trong cộng đồng dân cư tại 24 xã, thị trấn đối với 9/13 dân tộc chiếm đa số; phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn người dân lựa chọn những nội dung, những hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu cần cải tiến, cắt giảm và xóa bỏ đưa vào hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố để triển khai thực hiện.
Từ khi triển khai chủ trương xóa bỏ hủ tục, toàn tỉnh có 9.910 cặp đôi đăng ký kết hôn, tổ chức cưới theo nếp sống văn minh. Các hủ tục trong đám tang dần được loại bỏ, không còn hiện tượng mời thầy cúng yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn… bài cúng của thầy mo, thầy tạo được rút ngắn; hạn chế giết mổ nhiều gia súc, rượu chè linh đình nhiều ngày; thời gian tổ chức tang lễ không quá 48 giờ, thi hài người chết được chôn cất chu đáo. Các lễ hội truyền thống được tổ chức trang trọng, tiết kiệm.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 nhận được sự vào cuộc hưởng ứng với quyết tâm cao, cách làm bền bỉ, kiên trì, sáng tạo của cả hệ thống chính trị nên đã đạt những kết quả bước đầu rất quan trọng. Nhiều hủ tục dần được loại bỏ khỏi đời sống xã hội, nhân dân có điều kiện đầu tư, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của địa phương.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202305/ngon-duoc-sang-xua-tan-dem-truong-hu-tuc-8fa478b/