Ngôn ngữ huýt sáo kỳ lạ ở Tây Ban Nha

Người dân trên đảo La Gomera (quần đảo Canary, Tây Ban Nha) đang giữ gìn và phát triển truyền thống giao tiếp bằng tiếng huýt sáo, ngôn ngữ cổ xưa ngỡ như đã biến mất.

Trên những vách đá cheo leo của hòn đảo La Gomera, Castillo Perdomo và Garcia Herrera đang thực hành ngôn ngữ huýt sáo địa phương gọi là Silbo Gomero. Sau vài phút, tiếng huýt sáo của hai đứa trẻ 12 tuổi vang vọng khắp ngọn núi cằn cỗi và vút cao lên không trung như những con đại bàng sải cánh đầy kiêu hãnh.

Đi cùng với hai đứa trẻ là Eugenio Darias, giáo viên dạy Silbo Gomero 70 tuổi, đã nghỉ hưu. Ông Darias cho biết cuộc trò chuyện bằng tiếng huýt sáo của Perdomo và Herrera giống như cách thức giao tiếp bằng tin nhắn văn bản hoặc gọi điện thoại trong cuộc sống thường nhật. Tuy vậy, mục đích của hoạt động này nhằm bảo vệ ngôn ngữ huýt sáo duy nhất trên thế giới được một cộng đồng lớn sử dụng và phát triển. Với những giá trị đặc biệt, Silbo Gomero đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại vào năm 2009.

 Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ tại hòn đảo La Gomera. Ảnh: Lonely Planet.

Phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ tại hòn đảo La Gomera. Ảnh: Lonely Planet.

Cách thức giao tiếp đặc biệt

Theo nhà báo Francisca Santana, ngôn ngữ huýt sáo xuất hiện ở nhiều địa điểm trên thế giới như Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời đế chế Ottoman cách đây 500 năm, vùng đất gần Biển Đen hay thông tin liên lạc ở Mexico gọi là Chinantec.

Tiếng huýt sáo tại La Gomera lần đầu tiên được biết đến thông qua văn bản tường thuật của các nhà thám hiểm nhằm mở đường cho cuộc chinh phục hòn đảo của người Tây Ban Nha vào thế kỷ 15. Trước đó 3.000 năm, những cư dân bản địa như người Guanches hay Berber (Amazigh) đã di cư từ Bắc Phi đến La Gomera và giao tiếp bằng tiếng huýt sáo, theo nghiên cứu của Đại học Laguna.

 Cô gái đang sử dụng ngôn ngữ huýt sáo tại La Gomera. Ảnh: The New York Times.

Cô gái đang sử dụng ngôn ngữ huýt sáo tại La Gomera. Ảnh: The New York Times.

Silbo Gomero sử dụng sáu âm thanh để giao tiếp, trong đó hai tiếng để thay thế 5 nguyên âm, bốn tiếng khác thay thế cho 22 phụ âm trong tiếng Tây Ban Nha. Do vậy, một âm thanh có thể mang nhiều nghĩa, gây ra sự hiểu lầm cho người nghe. Những người có kinh nghiệm thường uốn cong ngón tay trỏ và đặt vào bên trong miệng trong khi huýt sáo với lòng bàn tay mở bên cạnh để khuếch đại âm thanh. Khi bắt đầu giao tiếp, người huýt sáo sẽ tự giới thiệu bản thân và gọi tên người nhận.

Cách thức giao tiếp bằng tiếng huýt sáo rất phù hợp với địa hình núi non hiểm trở của hòn đảo La Gomera, giúp người dân truyền đi thông điệp cách vị trí đang đứng vài km. Từ trên đỉnh núi, người nông dân có thể thông báo các sự kiện, yêu cầu đưa gia súc đến, cảnh báo nguy hiểm sắp xảy ra hoặc thông báo về tang lễ của thành viên trong gia đình.

Những năm 1950, Silbo Gomero được sử dụng thường xuyên đến mức những người nông dân phải xếp hàng dài. "Không ai muốn leo lên những đỉnh núi để truyền thông điệp. Vì vậy, rất nhiều cuộc trò chuyện bằng huýt sáo diễn ra cùng một lúc và chúng tôi phải chờ đến lượt", ông Darias chia sẻ.

 Silbo Gomero giúp người dân trên đảo tiết kiệm công sức leo núi. Ảnh: The Morning Call.

Silbo Gomero giúp người dân trên đảo tiết kiệm công sức leo núi. Ảnh: The Morning Call.

Thế nhưng, suy thoái kinh tế trong hai thập niên 1960 và 1970 khiến đất nông nghiệp bị bỏ hoang và những người chăn nuôi địa phương phải đến những "miền đất hứa" như Cuba hay Venezuela. Vì nông dân là lực lượng thường xuyên sử dụng Silbo Gomero nên khi họ rời đảo, tiếng huýt sáo không còn xuất hiện nhiều như trước. Sự phát triển của công nghệ hiện đại cũng ảnh hưởng đến vai trò và vị thế của Silbo Gomero trong giao tiếp hàng ngày. Ngôn ngữ huýt sáo đặc biệt trên đảo La Gomera đứng trước nguy cơ biến mất và rơi vào quên lãng.

Khó khăn và thách thức

Eugenio Darias là người thúc đẩy luật định Silbo Gomero trở thành một phần bắt buộc trong chương trình giảng dạy của trường học từ năm 1999. Nhờ đó, hầu hết 22.000 cư dân trên đảo La Gomera có thể giao tiếp bằng tiếng huýt sáo, bên cạnh sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha Canaria.

 Lớp học Silbo Gomero giúp gìn giữ ngôn ngữ huýt sáo đặc biệt. Ảnh: The New York Times.

Lớp học Silbo Gomero giúp gìn giữ ngôn ngữ huýt sáo đặc biệt. Ảnh: The New York Times.

Tuy vậy, những đứa trẻ 6 tuổi gặp khó khăn trong việc xác định âm thanh huýt sáo tương ứng với màu sắc và các ngày trong tuần. Mọi chuyện càng trở nên phức tạp khi các từ được ghép thành một câu đầy đủ. Nếu việc diễn giải tiếng huýt sáo không phải lúc nào cũng dễ dàng, thì cách tạo ra âm thanh chính xác còn khó hơn.

Ngoài ra, tồn tại khoảng cách thế hệ trong cách sử dụng ngôn ngữ huýt sáo trên đảo La Gomera. Ciro Mesa Niebla, một nông dân 46 tuổi, tiết lộ anh phải vật lộn để huýt sáo với thế hệ trẻ được đào tạo trong trường học. "Tôi là một chàng trai miền núi đã học cách huýt sáo từ gia đình. Nhưng tôi không thể hiểu những từ ngữ lạ lùng của bọn trẻ", Niebla nói với The New York Times. Trong khi đó, một số cư dân lớn tuổi đã ngừng huýt sáo vì các vấn đề về răng.

 Tồn tại khoảng cách thế hệ trong việc sử dụng ngôn ngữ huýt sáo. Ảnh: Finally Lost.

Tồn tại khoảng cách thế hệ trong việc sử dụng ngôn ngữ huýt sáo. Ảnh: Finally Lost.

Đại dịch Covid-19 khiến trường học trên đảo La Gomera hạn chế việc dạy huýt sáo. Trong thời điểm mọi người bắt buộc phải đeo khẩu trang, các giáo viên không thể giúp học sinh đặt lại ngón tay trong miệng để huýt sáo tốt hơn. Bên cạnh đó, những thanh thiếu niên không thường sử dụng Silbo Gomero bên ngoài trường học. "Anh trai tôi có thể huýt sáo rất lớn. Nhưng anh ấy chỉ muốn sử dụng PlayStation hoặc đi chơi với bạn bè", Laura Mesa Mendoza phàn nàn.

Song, vẫn có nhiều bạn trẻ là tín đồ của chiếc điện thoại di động, nhưng muốn cải thiện khả năng huýt sáo và bảo vệ truyền thống của hòn đảo La Gomera. "Đó là cách tôn vinh những con người trong quá khứ. Chúng tôi không sinh ra từ công nghệ, mà khởi đầu từ những điều giản đơn", Erin Gerhards, 15 tuổi, khẳng định.

Hiểu Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngon-ngu-huyt-sao-ky-la-o-tay-ban-nha-post1254566.html