Ngọt bùi bông lý nấu canh

Hoa thiên lý còn gọi là hoa dạ lài hương, dân gian thường gọi là bông lý. Thuộc loài dây leo, có lá hình tim, hoa mọc thành chùm, lúc nở có màu vàng xanh và thoang thoảng hương về đêm. Hoa thiên lý có mặt ở khắp ba miền. Ở tỉnh Sóc Trăng, loài hoa này được trồng đại trà khoảng chục năm trở lại đây.

Lúc trước, người dân trong tỉnh trồng cây thiên lý chủ yếu để làm cảnh và làm thuốc nhưng kể từ khi loại hoa này được các đầu bếp ở các nhà hàng, quán ăn sử dụng làm nguyên liệu chế biến các món đặc sản như: bông lý xào thịt bò, lẩu mắm bông lý, bông lý nấu canh chua, bông lý xào tôm, bông lý luộc, bông lý làm gỏi, bông lý làm dưa chua… thì loài hoa - vị thuốc này được trồng để thu hái và bán ra thị trường ngày càng rộng rãi.

Trồng thiên lý ít tốn công chăm sóc, lại cho ra bông thường xuyên, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Món canh bông thiên lý ai từng ăn rồi thì nhớ mãi. Ảnh: NGỌC NHÂN

Món canh bông thiên lý ai từng ăn rồi thì nhớ mãi. Ảnh: NGỌC NHÂN

Lúc trước bông thiên lý cũng là một loài rau dân dã, mộc mạc nhưng không phải lúc nào cũng dễ kiếm ngoài sạp chợ như rau lang, rau mồng tơi... mà phải dặn trước người bỏ mối mới có. Mùa hoa chỉ kéo dài 7 tháng đầu năm. Hiện nay loài bông này có quanh năm.

Cách nay khoảng hơn 20 năm, tôi nhớ năm đầu tiên chuyển nhà lên thành phố Sóc Trăng sinh sống, ông ngoại tôi đã mang về dây thiên lý cao chừng 1m, thể theo yêu cầu của bà ngoại vừa tạo bóng mát vừa có “món ngon”. Ông bắt đầu tạo giàn cho dây leo lên, trồng xen với cây sử quân tử. Thế là không biết tự lúc nào gia đình tôi có thói quen sáu bảy giờ tối là rủ nhau ra sân ngồi hóng mát. Đang thả hồn theo chùm hoa thiên lý xanh lục ánh vàng, hít hà mùi hương thoang thoảng của nó theo gió bay xa, tôi bỗng giật mình bởi tiếng của bà ngoại: “Mai con Ngọc lấy rổ ra hái vô để ngoại nấu canh ăn cho mát”. Món canh bông lý của ngoại dù nấu với thịt, cá hay tép, thứ nào cũng có vị ngon tự nhiên, cái chất ngọt bùi của bông lý, khi nhai giòn giòn, cảm giác mới thật thú vị. Đang nóng nực mà có được một tô canh bông thiên lý, vừa được nghe bà ngoại ngâm hai câu ca dao đáp trả mỗi khi ông bảo bà chỉ biết nấu có mỗi món canh này: “Thương chồng nấu cháo le le/ Nấu canh bông lý nấu chè hạt sen - ông có nghe chưa ông già” - Ôi tuyệt vời làm sao. Tuy không phải sơn hào hải vị nhưng chính cái hương vị nồng mát, thân quen ấy đã tạo nên một bữa cơm gia đình thật ấm áp, sum vầy.

Giờ đây, mỗi khi đi dự tiệc ở nhà hàng, nhìn đĩa bông lý xào bơ tỏi thịt bò thơm phức được cô phục vụ mang ra, tôi thường gắp ăn ngon lành nhưng sau đó trên đường về nhà tôi lại không quên ghé chợ mua vài trăm gram bông lý về, nấu lại món canh bông lý mẹ nấu, rồi nhớ về bà nhớ về ông.

Ai đó từng nói nghệ thuật nấu nướng là một quá trình mò mẫm, trải nghiệm lâu đời của ông cha ta, cộng thêm sự sáng tạo đầy trí tuệ của người đầu bếp. Riêng đối với tôi, nghệ thuật để có món ăn ngon, đó là cái tâm của người nấu phải đặt trong món mình làm, một chút gia vị của sự yêu thương, sự cho đi vô điều kiện giữa các thành viên trong gia đình.

NGỌC NHÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/ngot-bui-bong-ly-nau-canh-63645.html