Ngọt ngào lời Then, tiếng tính

Trong tiết trời se lạnh xen lẫn những cơn mưa phùn đầu xuân, bên hiên nhà sàn thời gian đã khắc lên dấu ấn rêu phong, lời Then, tiếng đàn tính mời bạn, mừng xuân mới ngân vang hòa cùng tiếng suối róc rách reo ca. Về Cao Bằng những ngày đầu xuân mới, lắng nghe hơi thở mùa xuân đang bật mầm, nảy lộc, nghe tiếng tính trong trẻo, ngọt ngào len lỏi khắp các bản làng để thêm yêu quê hương, đất nước.

KHO TÀNG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Then vừa là một loại hình văn nghệ dân gian, vừa là một biểu hiện của tín ngưỡng dân gian. Một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa. Nội dung các khúc hát Then đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.
Qua quá trình giao thoa văn hóa, nghệ thuật hát Then, đàn tính đã theo chân đồng bào Tày, Nùng đến khắp các vùng, miền đất nước. Với người Tày, Nùng Cao Bằng, Then tính không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu bình an, may mắn mà còn gắn liền với các nghi lễ sinh hoạt tín ngưỡng trong cả năm. Trong mỗi dịp lễ, tết, người Tày, Nùng tổ chức hát Then tính hoặc mời thầy để cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ...

“Then” có nghĩa là “Thiên”, tức là “Trời”, vì thế “Then” được đồng bào coi là điệu hát của thần tiên để lại, thường được người Tày, Nùng dùng trong các lễ và được quan niệm giúp chuyển lời cầu khấn đến nhà trời. Vì thế, màu sắc văn hóa tâm linh rất rõ rệt trong nghệ thuật hát Then.

Lời hát Then là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa, vừa là những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu, vừa là lời khuyên răn, khích lệ, vừa là những kinh nghiệm về đối nhân xử thế. Hát Then tính có ở hai vùng, miền với giai điệu, cây đàn đặc trưng riêng, đó là Then tính miền Tây và Then tính miền Đông. Then miền Tây có cây đàn tính 3 dây âm cao thánh thót, làn điệu Then dịu ngọt, mềm mại, dung dị như người thiếu nữ; Then miền Đông có cây đàn tính hai dây thanh trầm hơn, nhưng khi tiếng Then cất lên lại mạnh mẽ, trải lòng miên man, giai nhịp rộn ràng khúc tứ như chàng trai tuấn tú tài ba, hào phóng.

HƠI THỞ CUỘC SỐNG TRONG TỪNG CÂU HÁT

“Mời anh lên Cao Bằng quê em/Đèo Cao Bắc trên đường ranh giới… á… ơi… ơi/Tài Hồ Sìn cầu nối chân (ơi) mây/Xuân về én lượn bay Thành phố/Đưa anh về phiên chợ Sóc (ởi) Giang…/Cùng anh về thăm hang Pác Bó… á… ơi… ơi/Nơi Bác Hồ đã ở năm (ơi) xưa/Đưa cách mạng nước ta toàn thắng/Núi Các Mác sừng sững (a) ngàn năm…”.

Câu lạc bộ dân ca, hát Then, đàn tính thị trấn Nguyên Bình biểu diễn tại phố đi bộ Kim Đồng.

Câu lạc bộ dân ca, hát Then, đàn tính thị trấn Nguyên Bình biểu diễn tại phố đi bộ Kim Đồng.

Từng ngón tay nhịp nhàng lướt trên mặt đàn tính cùng lời hát vui tươi, tha thiết, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) dân ca, hát Then, đàn tính thị trấn Nguyên Bình (Nguyên Bình) ngân nga lời hát Then chào đón mùa xuân mới. Cô Trương Thị Báy, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Hát Then, đàn tính là bản sắc văn hóa truyền thống của người Tày bắt nguồn từ câu chuyện về cuộc sống giản dị, niềm vui trong lao động sản xuất, tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa…, điệu Then cất lên đằm thắm, mượt mà, tiếng đàn tính trầm bổng ngân nga làm vơi bớt mệt nhọc sau một ngày lao động vất vả. Nhưng hát Then, đàn tính là loại hình nghệ thuật dân gian khó học, muốn thể hiện đúng và hay đòi hỏi người học phải có năng khiếu, lòng kiên trì.

Đều đặn hằng tuần vào các tối thứ Bảy và Chủ nhật, các thành viên trong CLB dân ca, hát Then, đàn tính thị trấn Nguyên Bình ngồi quây quần tại nhà văn hóa say sưa tập luyện đàn tính và những làn điệu Then. Vừa lướt đôi bàn tay trên cây đàn tính, vừa cất tiếng hát Then, em Nông Thị Minh Nguyệt, thành viên nhỏ tuổi nhất CLB dân ca, hát Then, đàn tính thị trấn Nguyên Bình như đắm chìm vào làn điệu quê hương. Lớn lên bên câu hát Then, điệu tính, Minh Nguyệt luôn trân trọng, mong muốn gìn giữ mạch nguồn văn hóa đã gắn bó với mình.

Em Nguyệt chia sẻ: Hằng năm khi đến tết, mẹ và các bác trong xóm đều sắm sửa những bộ áo chàm, mang theo cây đàn tính ngân nga những câu hát Then. Em thấy điệu hát Then như lời ru ngọt ngào, vừa đằm thắm, vừa trong trẻo. Vì thế em đã xin phép mẹ tham gia CLB để theo học các bà, các cô, mong muốn của em là muốn gìn giữ điệu Then, tiếng tính quê hương.

Cứ thế, những khúc hát Then, đàn tính được các thế hệ CLB truyền nối cùng gìn giữ, phát triển. Lời Then, tiếng tính theo hơi thở cuộc sống, ngấm sâu vào tư tưởng, ngân lên những bản nhạc giàu bản sắc văn hóa, khắc họa tinh tế đời sống, nhịp sống, dòng chảy cuộc sống dân tộc đương đại.

VANG MÃI ĐIỆU THEN

Nhằm phát huy giá trị và vẻ đẹp văn hóa của lời Then, tiếng tính, thời gian qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch có nhiều hoạt động gìn giữ và quảng bá hát Then thông qua việc tổ chức các hội diễn văn nghệ, liên hoan đàn tính, hát Then. Nhiều nghệ nhân, CLB dân ca trên địa bàn tỉnh sưu tầm và đặt lời mới cho Then xoay quanh nội dung ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước… Hiện nay, toàn tỉnh có trên 800 CLB văn nghệ quần chúng, Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh (thành lập năm 2011) đến nay phát triển được 10 chi hội ở các huyện với 2.192 hội viên, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm 45 bài hát dân ca các dân tộc; sáng tác, đặt lời mới trên 200 bài hát; xây dựng 96 chương trình văn nghệ dân ca từ các chi hội cơ sở; tích cực truyền dạy, phổ biến dân ca trong nhân dân; tổ chức truyền dạy cho hơn 600 hội viên thuộc nhiều lứa tuổi trong và ngoài tỉnh. Hội thành lập 5 CLB dân ca; phát triển 12 hội viên thiếu niên, nhi đồng; thành lập 4 CLB hát Then, đàn tính, hát dân ca tại các cơ sở gắn với phát triển du lịch; thành lập, ra mắt mô hình điểm nhóm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then tại Thành phố và huyện Hòa An; tổ chức truyền dạy di sản Then cho 27 học viên, trang bị 15 bộ trang phục truyền thống dân tộc Tày, 15 cây đàn tính cho các học viên lớp truyền dạy tại xã Cao Chương (Trùng Khánh)…

Câu lạc bộ dân ca thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) tập luyện văn nghệ.

Câu lạc bộ dân ca thị trấn Hòa Thuận (Quảng Hòa) tập luyện văn nghệ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tô Thị Trang cho biết: Toàn tỉnh hiện có 7 di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có di sản nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng). Cùng với sự kiện UNESCO công nhận “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh tích cực hỗ trợ, ủng hộ các nghệ nhân, các CLB hát Then, đàn tính trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Thời gian tới, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tiếp tục triển khai nhiều hoạt động, chương trình, góp phần giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản văn hóa hát Then, đàn tính đến với bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó, tôn vinh loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng, nâng cao ý thức gìn giữ, phát huy, phát triển và không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới.

Hòa cùng với dòng chảy của thời gian, từng câu hát Then vẫn ngân vang lời ca như sợi dây kết nối văn hóa truyền thống với đời sống hiện tại. Tất cả quyện lấy nhau, mang theo từng cung bậc cảm xúc, hòa cùng tiếng suối đại ngàn tuôn chảy qua bao thế hệ. Ở đâu có dân tộc Tày, Nùng sinh sống thì câu hát Then tính vẫn ngân vang.

Hải Đăng

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/ngot-ngao-loi-then-tieng-tinh-3174927.html