Ngủ trong ô tô điện bật điều hòa an toàn hơn xe xăng
Ngủ trong ô tô là thói quen vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên trong những trường hợp bất khả kháng, ngủ trong xe điện vẫn được đánh giá là an toàn hơn so với xe xăng.
Những ngày qua, vụ việc 3 bố con tại Hải Phòng gặp nạn khi ngủ trong ô tô, trong đó 1 người tử vong khiến dư luận xôn xao. Mặc dù việc ngủ trong xe ô tô có thể gây tử vong đã được cảnh báo nhiều lần song không ít người vẫn có thói quen nguy hiểm này.
Đặc biệt, hiện nay khi xe điện được sử dụng phổ biến vì tính tiện lợi, tiết kiệm và không sản sinh khí thải nên nhiều người cho rằng ngủ trên xe điện sẽ khó dẫn đến tử vong hơn xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống chạy bằng xăng hoặc dầu.
Về lý thuyết, việc ngủ trong ô tô điện an toàn và yên tĩnh hơn trên xe chạy xăng hoặc dầu diesel. Phần lớn xe điện hiện nay đều sử dụng pin, có thể cung cấp năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí và âm thanh. Pin trong ô tô cũng cung cấp năng lượng cho máy tính trên ô tô. Vì vậy, điều hòa trên xe điện có thể hoạt động mà không cần động cơ chạy, do đó không gây phát thải các loại khí dễ gây ngạt, ngộ độc và có thể dẫn đến tử vong như Carbon dioxide (CO2), Carbon monoxide (CO) hay Oxit nitơ (NOx).
Với xe sử dụng động cơ đốt trong chạy bằng xăng, dầu người dùng muốn ngủ trong xe một khoảng thời gian ngắn thì cần yêu cầu phải đỗ xe ở những nơi thoáng khí. Tuy nhiên, đối với xe điện, người dùng có thể đỗ xe ngay trong nhà và ngủ ở bên trong xe mà không gây ra bất kỳ sự cố nào do xe không thải khí độc.
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia tại Đại học Oxford, Anh Quốc, xe điện chỉ tiêu thụ 1 - 1,5% điện năng trong 1 giờ chạy điều hòa. Nếu chỉ để xe đứng yên, một chiếc xe điện được sạc đầy 100% pin có thể sử dụng điều hòa liên tục trong nhiều ngày.
Mặc dù được đánh giá là an toàn hơn so với xe xăng, tuy nhiên, trên thực tế, việc ngủ trong ô tô điện vẫn tiềm ẩn nguy hiểm.
Ngủ trong không gian cabin xe nhỏ và chật hẹp khiến người ngủ trong xe cảm thấy mệt mỏi. Thậm chí, nếu nhiều người ngủ thì có thể dẫn đến hiện tượng thiếu dưỡng khí và nhiễm độc CO2 từ chính con người thải ra. Ngoài ra, nếu pin ô tô bị hư hỏng hoặc rò rỉ, các hóa chất độc hại trong pin có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe hoặc hỏa hoạn, nhưng trường hợp này rất khó xảy ra.
Trong trường hợp có ý định ngủ trong ô tô điện, người dùng cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ điều hòa phù hợp để tránh sốc nhiệt. Đồng thời, đảm bảo xe còn trên 50% pin và kiểm tra độ chai của pin để thời gian ngủ không bị ảnh hưởng do hết pin.
5 cách để kéo dài tuổi thọ pin ô tô điện
Duy trì mức pin lý tưởng
Pin xe điện nên được duy trì ở mức từ 20 đến 80%. Nếu thường xuyên để pin của xe tụt xuống mức rất thấp (dưới 5%) và không sạc ngay lập tức, tuổi thọ của pin bị ảnh hưởng đáng kể.
Không để xe “đắp chiếu”
Nếu không lái xe thường xuyên, chủ xe cần đảm bảo xe không nằm bất động trong hơn một tháng. Xe điện phải được giữ năng lượng trong khoảng từ 20 đến 80% khi đỗ trong thời gian dài, và mức tốt nhất là từ 50 đến 75% .
Hạn chế sử dụng sạc nhanh
Sử dụng sạc nhanh là giải pháp hiệu quả giúp chủ xe tiết kiệm thời gian chờ sạc. Tuy nhiên, giống nhanh sạc nhanh điện thoại, thường xuyên chọn sạc nhanh hoặc cực nhanh khiến ô tô nhanh chai pin.
Trong quá trình sạc nhanh, một lượng nhiệt đáng kể cần được giải phóng khiến pin bị quá nóng, dẫn đến thiệt hại sớm. Để kéo dài tuổi thọ của pin nên sạc chậm cho tới khi đầy và chỉ sạc nhanh cho những chuyến đi dài hoặc trường hợp khẩn cấp.
Không sạc khi pin đã nóng sẵn
Nhiệt độ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thời gian sạc và nguồn điện sạc cho xe điện. Hiệu suất sạc tối đa của pin xe điện nằm trong khoảng từ 20 đến 40°C .
Nhiệt độ quá cao (50 - 70°C) có thể làm hỏng pin lithium-ion. Nếu cắm sạc ngay khi pin ô tô đang nóng sẽ khiến pin tăng nhiệt độ tới mức giới hạn.
Đỗ xe điện trong nhà
Trong điều kiện thời tiết quá nóng, tốt nhất là không nên để xe điện ở ngoài trời nắng. Nếu ô tô buộc phải đỗ ngoài trời và đang tăng nhiệt độ, cũng nên để nhiệt giảm xuống trước khi sạc.