Ngược chiều xăng dầu, giá thực phẩm vẫn đứng ở mức cao
Khi giá xăng, dầu tăng mạnh, nhiều mặt hàng lập tức tăng theo. Thế nhưng, hiện nay dù giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm trên 3.000 đồng/lít, nhưng hầu hết mặt hàng thực phẩm ở chợ truyền thống, siêu thị vẫn đứng ở mức cao thậm chí còn tăng sốc.
Giá thực phẩm đứng ở mức cao
Bà Lê Thanh Mai, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, đầu tháng 7/2022, giá thịt lợn bình quân khoảng 90.000 đồng/kg nhưng hiện đã lên đến 120.000 đồng/kg. Cụ thể, sườn thăn có giá từ 160.000 - 175.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg; ba chỉ 170.000 - 175.000 đồng/kg, tăng 40.000 - 45.000 đồng/kg; thịt vai 150.000 - 155.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg; thịt mông 110.000 - 120.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 20.000 nghìn đồng/kg; tai lợn 170.000 - 180.000 đồng/kg, tăng 30.000 đồng/kg.
Giá bán không chỉ tăng tại các chợ, mà ở siêu thị mặt hàng này cũng đang đứng ở mức cao. Cụ thể, giá thịt lợn mát Meat Deli như nạc vai có giá 141.900 đồng/kg, thịt ba chỉ 177.900 đồng/kg tăng khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với trước đó.
Không chỉ thịt lợn, mặt hàng rau xanh cũng tăng giá mạnh, hiện hành lá tăng từ 35.000 lên 42.000 đồng/kg; cà chua từ 25.000 lên 30.000 đồng/kg; bí xanh từ 20.000 lên 25.000 đồng/kg; rau muống từ 10.000 lên 15.000 đồng/bó, cải thảo (Trung Quốc) từ 15.000 lên 22.000 đồng/kg… Ngay cả nhóm hàng hóa nhập khẩu như sữa cũng tăng theo giá xăng dầu. Theo đó sữa Similac nhập khẩu loại dành cho bé 1 tuổi có giá lên tới trên 700.000 đồng, các loại ngũ cốc dinh dưỡng vẫn trên 350.000 đồng/kg, bột mì Canada 90.000 đồng/ kg...
Thông thường doanh nghiệp muốn tăng giá sản phẩm thì phải đề xuất và mất vài tháng để siêu thị cân nhắc, tính toán có nên đồng ý tăng hay không. Vì vậy, vào thời điểm này doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá hàng hóa nhưng tuần sau xăng tăng trở lại họ không thể yêu cầu siêu thị tăng giá ngay. Đây là lý do khiến nhà cung cấp cân nhắc việc giảm giá hàng hóa ngay sau khi xăng dầu giảm.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú
Lý giải về việc giá thực phẩm, rau xanh chưa giảm, các tiểu thương có chung ý kiến, do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh từ đầu năm, cộng với chi phí vận chuyển, nhân công, giết mổ, giao hàng vẫn tăng cao và chưa có điểm dừng. Thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, thị trường lợn hơi 3 miền đồng loạt tăng, có nơi tăng mạnh 8.000 đồng/kg trong tuần qua. Tại miền Bắc, giá lợn hơi tăng mạnh thêm 4.000 - 7.000 đồng/kg, giao dịch quanh mức 69.000 - 72.000 đồng/kg. Đây cũng là mức tăng tại miền Nam, đưa giá lợn hơi vùng này lên ngưỡng 59.000 - 66.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi tăng 8.000 đồng/kg trong tuần qua, dao động trong khoảng 61.000 - 67.000 đồng/kg. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga, một lý do tác động đến giá lợn hơi trong nước tăng cao đó là giá lợn Trung Quốc và Thái Lan tăng gần chạm mốc 80.000 đồng/kg cũng khiến thịt lợn Việt Nam bị ảnh hưởng. “Như vậy, do chi phí đầu vào, giá cả thế giới tăng nên giá thịt lợn của Việt Nam cũng tăng là điều khó tránh khỏi” - bà Lê Việt Nga nêu rõ.
Giá hàng hóa phụ thuộc nhiều yếu tố
Theo các chuyên gia kinh tế, giá cả hàng hóa phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng xăng, dầu. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, giá xăng, dầu chỉ tác động mạnh đến ngành vận tải bởi nó chiếm tỷ trọng khoảng 30% chi phí ngành này. Đối với ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3,48% chi phí. Nếu xăng, dầu tăng 10% thì giá hàng hóa chỉ tăng khoảng 3%, do đó sẽ rất khó để giá hàng hóa giảm ngay trong 10 ngày (theo kỳ điều hành xăng dầu).
“Giá xăng giảm liên tiếp trong 2 kỳ điều hành vừa qua chỉ tạm thời làm giảm sức ép lên doanh nghiệp, góp phần chặn đà tăng giá cả hàng hóa tiêu dùng, chặn nguy cơ lạm phát... chứ chưa thể đưa doanh nghiệp trở về trạng thái hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả để điều chỉnh giảm giá hàng hóa tiêu dùng” - ông Vũ Đình Ánh nêu rõ.
Đồng tình với phân tích này, PGS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu hạ nhiệt sẽ giúp giảm bớt gánh nặng chi phí nhiên liệu của doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, việc đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất giảm giá hàng hóa giảm ngay sau điều chỉnh xăng dầu là điều khó xảy ra do thường có độ trễ nhất định.
"Doanh nghiệp sản xuất đang theo dõi xu hướng giá nhiên liệu thời gian tới giữ ổn định hay lại tăng, mới có quyết định điều chỉnh. Ít nhất mặt bằng giá hiện tại vẫn sẽ giữ nguyên cho tới kỳ điều hành xăng dầu tiếp theo. Nếu xăng tiếp tục giảm giá doanh nghiệp mới có thể tính toán giảm giá bán" - PGS Đinh Trọng Thịnh dự báo.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, mặc dù giá xăng dầu đã giảm 2 lần liên tiếp nhưng chưa đủ mạnh để kéo giá thành sản phẩm giảm trở lại. Mặt khác, trong khi xăng dầu giảm giá nhưng mặt bằng giá của một số chi phí đầu vào như logistics, vận chuyển… vẫn đứng ở mức cao. Thời gian tới giá xăng dầu phải tiếp tục giảm sâu để các ngành sử dụng xăng dầu nhiều như logistics, vận tải… giảm cước vận chuyển, khi đó các nhà sản xuất mới tính toán điều chỉnh giảm giá hàng hóa chứ hiện nay chưa thể giảm ngay.
Dưới góc độ doanh nghiệp bán lẻ, Phó Tổng giám đốc Thường trực WinCommerce (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Winmart) Nguyễn Thị Phương cho biết, đơn vị đang theo sát giá xăng dầu để tiến hành đàm phán với nhà cung cấp hàng hóa về việc điều chỉnh giảm giá các mặt hàng theo mức giảm giá xăng dầu.
"Việc thay đổi áp dụng giá xăng theo giai đoạn, nên giá cả thị trường biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định để điều chỉnh, tức là cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực tính toán lại chi phí áp dụng lên giá cả đầu ra của sản phẩm, hàng hóa" - bà Nguyễn Thị Phương nói.
Trong khi đó, Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, siêu thị là nhà bán lẻ đưa hàng hóa đến người tiêu dùng nên giá hàng hóa phụ thuộc vào mức tăng giảm của nhà sản xuất. Việc giá xăng giảm sâu, siêu thị cũng kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm để người tiêu dùng bớt đi các chi phí. Tuy nhiên thông thường giá sản phẩm đã lên cao, thiết lập mức giá bán mới sẽ rất khó để xuống lại mốc khởi điểm, và nếu giảm giá cũng phải có độ trễ, không thể xuống ngay khi xăng vừa giảm, có khi phải sau 2 - 3 tháng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoc-chieu-xang-dau-gia-thuc-pham-van-dung-o-muc-cao.html