'Người Anh Cả' - Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên tuổi Đại tướng gắn liền với sự ra đời, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng; với thắng lợi vĩ đại của 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thực hiện Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng, gồm 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp phụ trách. Đây là một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trên cương vị là Tư lệnh lực lượng vũ trang cách mạng, đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng vũ trang phát huy vai trò nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đại tướng, bộ đội chủ lực không ngừng phát triển, lớn mạnh, thành lập các đại đoàn, phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích, tạo sức mạnh tổng hợp tổ chức các chiến dịch có tính chất quyết định về chiến lược, tiêu hao, tiêu diệt lớn quân địch.

Với vai trò là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, Đại tướng đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy thắng lợi nhiều chiến dịch quan trọng như: Việt Bắc, Biên Giới, Trung Du, Đồng Bằng, Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng tham mưu cho Trung ương Đảng và trực tiếp xây dựng, phát triển Quân đội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tổ chức Bộ Tư lệnh Miền, kết hợp thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam (chủ lực Miền), bộ đội địa phương với việc đưa các sư đoàn chủ lực miền Bắc cơ động vào tăng cường, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh Quân đội ta hoạch định kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ tháng 3-1954.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các tướng lĩnh Quân đội ta hoạch định kế hoạch tấn công Điện Biên Phủ tháng 3-1954.

Đặc biệt, gần cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng đề xuất thành lập các quân đoàn chủ lực nhằm tăng cường sức mạnh quân sự, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, thực hiện những trận đánh quan trọng, chiến dịch quyết chiến chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là minh chứng khẳng định đề xuất của Đại tướng là sáng tạo, chính xác, phù hợp yêu cầu chiến trường, đáp ứng đòi hỏi khách quan của quy luật phát triển Quân đội thời điểm đó.

Trong Thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta: Vì từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay, Đảng và Chính phủ đã ủy cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo quân đội ta”.

Việc chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện và xây dựng Quân đội thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối, tầm nhìn chiến lược của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tiễn đã khẳng định, Đại tướng không chỉ giỏi cầm quân, mà còn có tài tổ chức Quân đội; từ Đội quân chủ lực đầu tiên chỉ với 34 chiến sĩ, vài chục khẩu súng trường, súng kíp thô sơ tiến lên thành những trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, các binh đoàn, quân đoàn chủ lực lớn, các quân chủng, binh chủng; từ lúc chỉ biết sử dụng giáo mác, lựu đạn đến biết sử dụng xe tăng, pháo binh, tên lửa, máy bay; từ nghệ thuật đánh du kích nhỏ lẻ, phát triển lên chiến tranh chính quy, hiện đại, đánh hiệp đồng quân, binh chủng; vận động thần tốc, đánh nhanh, thắng nhanh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương về “Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” - 6 đức tính của người làm Tướng do Bác Hồ chỉ ra; về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, khiêm tốn, đoàn kết, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Tình yêu thương con người của Đại tướng được hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước, để lại trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội, nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hình ảnh về một nhà lãnh đạo, nhà chính trị đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời hy sinh vì Quân đội, vì đất nước, vì nhân dân.

HÀ ANH (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202112/nguoi-anh-ca-dai-tuong-vo-nguyen-giap-940990/