Người bấm máy bằng 6 giác quan

Gần đây nhiều người mới biết đến nhà nhiếp ảnh Triệu Đại (1920-1992) - tác giả những bức ảnh lịch sử nổi tiếng về Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có bức ảnh đã thành biểu tượng của chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'. Nhưng Triệu Đại là ai? Và vì sao ông có mặt để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử đặc biệt ấy?

Bức ảnh Lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng tung bay trên nóc hầm De Castries chiều 7/5/1954 của Triệu Đại đã trở thành biểu tượng của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Triệu Đại.

Bức ảnh Lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng tung bay trên nóc hầm De Castries chiều 7/5/1954 của Triệu Đại đã trở thành biểu tượng của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Triệu Đại.

Gác đam mê lên đường

Triệu Đại sinh ra trong một gia đình khá giả ở làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ba mẹ ông là những thương nhân thành đạt, gia đình ông có tới 7 tiệm tạp hóa tại các chợ lớn ở khu vực Hà Đông trước năm 1945.

Lớn lên, thay vì nối nghiệp gia đình, gìn giữ gia sản, Triệu Đại xin bố mẹ cho đi học nghề nhiếp ảnh lúc đó còn rất mới mẻ. Từ làng Triều Khúc, ông ra Hà Nội học nghề nhiếp ảnh từ những năm 1941 tại Central photo, một cơ sở nhiếp ảnh nổi tiếng thời bấy giờ. Niềm đam mê của ông sau đó đã được hiện thực hóa bằng tiệm ảnh “Triệu Đại ảnh quán”. Nhưng rồi ông đã dẹp tất cả sang một bên để đi kháng chiến.

Là người giác ngộ cách mạng khá sớm, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Triệu Đại tham gia Thanh niên Cứu quốc Thành Hà Nội. Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội (1946), ông sơ tán về Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây. Cuối năm 1947, ông được điều động vào Quân đội, đảm nhận nhiệm vụ phóng viên nhiếp ảnh. Ngay sau đó ông được phân công đi chiến dịch.

Tại Chiến dịch Biên Giới năm 1950, ông nhanh chóng làm quen với vai trò phóng viên chiến trường. Sau đó ông tiếp tục tham gia các chiến dịch lớn khác như Chiến dịch Hòa Bình năm 1951, Chiến dịch Tây Bắc năm 1952...

Sau đó ông được điều về Báo Quân đội nhân dân. Khi Pháp cho quân đổ bộ xuống thung lũng Mường Thanh triển khai Tập đoàn cứ điểm, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Triệu Đại được phân công tham gia chiến dịch lớn ngay từ những ngày đầu đó là cơ duyên bắt đầu cho một vệt ảnh đi vào lịch sử của Triệu Đại.

Bên cạnh việc ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, những quyết định khó khăn của Bộ Chỉ huy Chiến dịch, Triệu Đại đã xông pha theo các đợt tấn công, giữa bom rơi đạn nổ ông đã bám sát bộ đội xung phong đánh chiếm những cứ điểm quan trọng. Kết quả là hàng nghìn bức ảnh sống động về Điện Biên Phủ đã ra đời, góp phần vào kho hình ảnh phong phú và sinh động về Chiến thắng lớn của dân tộc.

Rất nhiều bức ảnh của ông về Chiến dịch Điện Biên Phủ sau này đều xuất hiện với ghi chú TTXVN hay “Ảnh tư liệu” như một tài sản chung. Ít ai biết rằng, nó đã được chụp bởi Triệu Đại.

Nét hào hoa của chàng trai Hà thành

Nhà nhiếp ảnh Triệu Đại thời trẻ. Ảnh: GĐCC.

Nhà nhiếp ảnh Triệu Đại thời trẻ. Ảnh: GĐCC.

Lớn lên trong một gia đình có nền nếp và khá giả, lại được tiếp cận với đời sống đô thị từ khá sớm, ở ông luôn hội tụ những nét văn hóa Hà thành. Với vốn văn hóa và những kiến thức được học, theo đuổi nghiệp cầm máy Triệu Đại đã có ý thức rất sớm về những gì cần phải ghi lại, cả tổng quan và chi tiết. Vượt qua những khó khăn chủ quan và khách quan, ông luôn tìm cách để không bỏ qua hoạt động quan trọng nào của Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhà nhiếp ảnh Triệu Đại dạy các con, khi bấm máy ảnh là 6 giác quan phải cùng hoạt động một lúc. Tư thế chụp ảnh, vị trí máy ảnh ở chiều ngang, chiều dọc, sự chuẩn bị thế đứng cũng được ông lưu ý, tất cả phải sẵn sàng nhất cho việc bấm máy. Tính khoảnh khắc ở chỗ giơ máy lên là có ảnh, và bức ảnh ấy phải đạt mọi tiêu chí, bắt được thần thái của đối tượng chụp.

Trong hàng nghìn bức ảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ, sinh thời, Triệu Đại tỏ ra rất ưng ý với tấm ảnh Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ họp dưới chân thác nước Huổi He, Nà Tấu quyết định chuyển phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” ngày 26/11/1954. Bức ảnh này đã được ông chụp bằng kĩ thuật ghép 2 kiểu theo chiều đứng.

Bức ảnh hoàn toàn có thể chỉ lấy nửa dưới là đủ nội dung quan trọng mang tính lịch sử gồm Bộ Chỉ huy ngồi quanh phiến đá có trải bản đồ, bên cạnh lều bạt căng che mưa nắng, nhưng Triệu Đại đã kì công chụp hai kiểu và ghép theo chiều đứng để lấy hết dòng thác chảy từ trên cao cùng phiến đá có người chiến sĩ cảnh vệ đang bồng súng gác, thậm chí người chiến sĩ còn đứng “trên đầu” Bộ Chỉ huy, một điều trong quân ngũ hay được tránh.

Điều đó cho thấy sự cầu toàn trong nghề nghiệp, dù ở điều kiện chiến trường thì ông vẫn luôn làm những gì tốt nhất, đẹp nhất. Nó cũng thể hiện sự duy mỹ và cốt cách nghệ sĩ của người làm nghệ thuật nhiếp ảnh.

Bà Triệu Thanh Cẩm - người con gái thứ hai của nhà nhiếp ảnh Triệu Đại nói rằng, điều bà học được từ cha là sự ngay ngắn, nghiêm cẩn với nghề, không chỉ trong nghệ thuật mà cả trong đời sống.

Nghề nghiệp nhiếp ảnh đã tạo cho ông nhiều thói quen, ông luôn dạy các con từ nụ cười cũng phải cười kiểu “vành trăng”, không cười nhếch mép cũng không cười ngoác miệng. Cốt cách người Hà Nội cùng những tinh hoa Triệu Đại học hỏi được trong quá trình học tiếng Pháp, học chữ Nho đã theo ông vào nhiếp ảnh, và từ nhiếp ảnh tác động lại cuộc sống đời thường, trong việc giáo dục con cái.

Vốn am hiểu Hán ngữ nên ông đặt tên con cũng rất ý nghĩa. Sáu người con của ông bà lần lượt là Triệu Tuấn, Triệu Thanh Cẩm, Triệu Minh Chính, Triệu Hồng Vân, Triệu Ngọc Nga, Triệu Ngân Giang, mỗi cái tên đều mang những tầng ý sâu xa.

Nét tính cách đó cũng được pha trộn với tinh thần của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Đạo diễn Triệu Tuấn chia sẻ, ba chúng tôi để lại cho anh em chúng lòng dũng cảm, không chùn bước trước mọi khó khăn, đặc biệt tinh thần luôn lạc quan, yêu đời. Lúc sinh thời, Triệu Đại là một người vui tính nổi tiếng ở báo Quân đội nhân dân.

Ở nhà cũng vậy, khi tập trung đông người hay trước bữa ăn bao giờ ông cũng kể một câu chuyện vui.

“Nhờ tinh thần đó mà anh em chúng tôi đều vững vàng trưởng thành, các cháu cũng kế tục theo, luôn tiếp nhận những năng lượng tích cực để vượt khó và thành công”, đạo diễn Triệu Tuấn nói.

Trạm quân y tiền phương tại mặt trận Điện Biên Phủ (1954). Ảnh: Triệu Đại.

Trạm quân y tiền phương tại mặt trận Điện Biên Phủ (1954). Ảnh: Triệu Đại.

Trở lại với tiệm ảnh “Thống Nhất”

Hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, ông nghỉ hưu tại Báo Quân đội nhân dân năm 1972, người cựu binh, thương binh đã trở lại với đam mê thuở đầu đời.

Ông tiếp tục mở một tiệm ảnh tại Công viên Thống Nhất. Tiệm ảnh Thống Nhất nằm ở đầu cầu vào đảo, gần Quán Gió. Tiệm ảnh ấy cùng với hiệu kem Tràng Tiền, Bách hóa Tổng hợp, tàu điện đã là những đặc trưng của Thủ đô một thời.

Bây giờ, nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ những bức ảnh do hiệu ảnh Thống Nhất của nhà nhiếp ảnh Triệu Đại thực hiện. Đó là những khoảnh khắc lưu giữ ký ức và văn hóa một thời. Còn những bức ảnh chụp tại Chiến dịch Điện Biên Phủ của ông cơ bản đã được lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, một số trong kho ảnh của Thông tấn xã Việt Nam.

Bên cạnh đó, gia đình nghệ sĩ cũng còn lưu giữ một số lượng khá lớn các bức ảnh về Điện Biên và về các chiến dịch khác trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Triệu Đại. Sự lưu giữ cẩn trọng đó một phần cũng là vì nghề ảnh ông đã truyền cho các con của mình và được duy trì cho đến hôm nay.

Hoạt động suốt 20 năm sau nghỉ hưu, Triệu Đại đã truyền nghề cho tất cả 6 người con của mình. Sau khi ông mất, các con cũng đều trưởng thành và có cuộc sống riêng, nhưng một điều đặc biệt là, như có một thứ gen nhiếp ảnh và tình yêu dành cho ngành nghệ thuật này, cả 6 người con của ông 4 gái 2 trai cùng dâu rể đều theo nghiệp ảnh.

Nhà nhiếp ảnh Triệu Đại đã truyền nghề cho các con từ rất sớm. Ông dạy các con, khi bấm máy là 6 giác quan phải cùng hoạt động một lúc. Tư thế chụp ảnh, vị trí máy ảnh ở chiều ngang, chiều dọc, sự chuẩn bị thế đứng cũng được ông lưu ý, tất cả phải sẵn sàng nhất cho việc bấm máy.

Tính khoảnh khắc ở chỗ giơ máy lên là có ảnh, và bức ảnh ấy phải đạt mọi tiêu chí, bắt được thần thái của đối tượng chụp. Kỹ thuật buồng tối và lấy khuôn hình cũng được ông chú trọng, ông luôn nhắc nhở các con tránh những khoảng trống thừa thãi trong khuôn hình. Ông luôn nghiêm cẩn với nghề, ảnh các con rửa ra bị non hay già là ông xé đi ngay bắt làm lại.

Đạo diễn Triệu Tuấn - con trai nhà nhiếp ảnh Triệu Đại cho biết, đại gia đình đến nay có tới gần 50 người gồm các con, cháu theo sự nghiệp nhiếp ảnh, nhiều người đã làm trong các cơ quan báo chí, văn học nghệ thuật của đất.

Bản thân ông là đạo diễn tại Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), con gái ông cũng làm việc tại Ban Biên tập Truyền hình số vệ tinh của VTV. Người con trai thứ của Triệu Đại là ông Triệu Minh Chính sau này trở thành một người lính, làm nhiệm vụ tuyên huấn, tiếp tục cầm máy phục vụ các nhiệm vụ của đơn vị tại Sư đoàn 345, Quân đoàn 29 một thời bảo vệ biên giới phía Bắc.

Từ tiệm ảnh trong Công viên Thống Nhất, các con ông đã phát triển nghề ảnh trong thời đất nước đổi mới. Hệ thống ảnh màu Triệu Tuấn nổi tiếng những năm cuối thế kỷ 20 tại Hà Nội là một kế tiếp xuất sắc sự nghiệp ảnh của Triệu Đại, là một trong những thương hiệu ảnh hàng đầu của Thủ đô và các tỉnh phía Bắc.

“Tài sản ba tôi để lại là những bộ ảnh chiến trận của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ”, đạo diễn Tuấn tự hào nói. Hàng nghìn bức ảnh mà Triệu Đại để lại giờ đây đã thành tài sản quốc gia, góp phần kể lại lịch sử dân tộc bằng nhiếp ảnh. Những bức ảnh chụp Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đem lại cho ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật đợt 1 năm 2001. N

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguoi-bam-may-bang-6-giac-quan-10279594.html