Người bệnh, học sinh đang phải 'cõng' thêm chi phí từ thuế thu nhập doanh nghiệp?

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) sáng 12/5, một số đại biểu Quốc hội đề nghị tính toán loại bỏ khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị y tế, giáo dục công lập để không tạo thêm gánh nặng cho người bệnh, học sinh.

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính (Đoàn Hà Nội) nêu thực tế các đơn vị y tế, giáo dục công lập, tự chủ hiện nay vẫn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), không được để lại nguồn cho đầu tư phát triển hạ tầng và không được miễn thuế là chưa phù hợp.

Theo đại biểu, những cơ sở công lập này được Nhà nước đầu tư, giá trị tài sản không được khấu hao đầy đủ. Phần chênh lệch thu chi thực chất không phải thu nhập mà là phần khấu hao còn lại. Vì vậy, khoản này phải được giữ lại tái đầu tư phát triển, nhưng thực tế họ phải nộp thuế nên không có nguồn tái đầu tư.

Sáng 12/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sáng 12/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, luật hiện hành quy định các đơn vị như trường học, bệnh viện sử dụng ngân sách sẽ không phải chịu thuế. Còn đơn vị tự chủ, không dùng ngân sách thì lại trong diện chịu thuế.

Chưa kể, việc nộp thuế được tính trên doanh thu (2%) làm cho giá tăng và người bệnh, học sinh phải chi trả thêm. Trong bối cảnh đang có chủ trương miễn học phí và viện phí, việc thu thuế là không đồng bộ.

Vì thế, đại biểu Cường đề nghị sửa lại quy định này cho phù hợp thực tế. “Các hoạt động của đơn vị y tế, giáo dục công lập cần đưa vào đối tượng không chịu thuế TNDN, trừ các đơn vị liên doanh liên kết", ông Cường nói.

Cũng nêu thực tế này, ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Đoàn Bình Định) cho hay hiện nay cơ quan thuế địa phương yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh nộp thuế TNDN 2% trên số thu hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh của cơ sở y tế (gồm cả khoản thu từ bảo hiểm y tế).

Theo cơ chế hiện hành, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ nộp thuế với khoản kinh doanh thêm, như liên doanh, liên kết bên ngoài với mức thu 2%. Các khoản như viện phí, học phí của bệnh viện, trường học công lập đang tự chủ không trong diện chịu thuế.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết cơ quan thuế hiện chỉ căn cứ vào chữ "dịch vụ" để thu thuế. Lý do là, trong hệ thống y tế có khái niệm thu từ dịch vụ sự nghiệp công.

"Vì vậy, đa số các nguồn thu của bệnh viện công tự chủ hiện nay đều bị đánh thuế", ông Hiếu thông tin.

Trên cơ sở đó, ông Hiếu đề nghị bổ sung quy định các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế không phải nộp thuế TNDN đối với khoản thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tính đủ các chi phí hình thành giá. Đồng thời bổ sung thêm quy định là khoản thu nhập nhận được từ tài trợ, viện trợ, nếu sử dụng đúng mục đích không tính vào thu nhập chịu thuế TNDN.

Ngoài việc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, đại biểu Hiếu cho hay hiện các cơ sở y tế còn cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc cho người bệnh. Tuy nhiên, luật thuế hiện nay chỉ ưu đãi cho dịch vụ khám chữa bệnh mà chưa quy định rõ ràng các dịch vụ hỗ trợ, nên việc bổ sung thêm đối tượng này nhằm đảm bảo công bằng trong chính sách thuế.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, cung cấp dịch vụ dùng ngân sách hoặc một phần ngân sách. Trường hợp các đơn vị sự nghiệp công lập như y tế, đào tạo... tự quyết giá dịch vụ theo thị trường, khoản thu nhập này phải chịu thuế là hợp lý.

Với đơn vị sự nghiệp công dùng kinh phí Nhà nước, giá dịch vụ cung ứng chưa tính đủ chi phí, ngân sách hỗ trợ một phần trong cơ cấu giá, các hoạt động này được đánh giá không tạo ra lợi nhuận, nên có thể được hưởng ưu đãi, miễn thuế.

"Cơ quan soạn thảo đã tính toán hết, đưa vào dự thảo và tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh, đảm bảo phù hợp thực tế, quyền và lợi ích hợp pháp đơn vị sự nghiệp công lập và không thất thoát thuế, ngân sách", ông Thắng nói.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thue-ngan-sach/nguoi-benh-hoc-sinh-dang-phai-cong-them-chi-phi-tu-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-1106712.html