Người bệnh mạn tính đón xuân vui đừng quên thuốc

Những xáo trộn trong ăn uống và sinh hoạt cũng như 'mải vui' trong dịp lễ Tết, khiến nhiều người mắc bệnh mạn tính 'lơ là' dùng thuốc. Việc dùng thuốc không đúng - đủ - đều... sẽ ảnh hưởng tới việc kiểm soát bệnh, tăng biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh mạn tính là bệnh tiến triển dần dần và kéo dài, thường không thể chữa khỏi hoàn toàn. Các bệnh mạn tính thường được nhiều người biết đến như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim, hen suyễn, ung thư, viêm khớp, HIV/AIDS...

Các bệnh mạn tính thường cần được quản lý trong một thời gian dài. Thuốc là một công cụ phổ biến để giúp kiểm soát các triệu chứng (cùng với lối sống lành mạnh như chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện đều đặn).

Những nguy cơ từ việc không tuân thủ dùng thuốc

Ngày lễ, Tết do bận bịu sắm Tết, chế biến món ăn, đi chơi, tiếp khách... nhiều người bệnh mạn tính đã quên uống thuốc hoặc dùng thuốc thất thường... và nghĩ rằng việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới quá trình điều trị.

Đây là một quan niệm rất sai lầm có thể dẫn tới nguy hiểm, nhất là đối với những người bệnh đang phải dùng thuốc hàng ngày để kiểm soát bệnh như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, HIV/AIDS, COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính)...

Việc chuẩn bị đầy đủ thuốc đặc biệt quan trọng đối với người bệnh mạn tính trong dịp lễ, Tết.

Việc chuẩn bị đầy đủ thuốc đặc biệt quan trọng đối với người bệnh mạn tính trong dịp lễ, Tết.

Việc không tuân thủ dùng thuốc được biểu hiện ở chỗ: Uống thuốc không đúng thời điểm như mọi ngày, quên uống thuốc, tự ý tăng hoặc giảm liều lượng, thậm chí là ngừng điều trị (không uống thuốc nữa)...

Không chỉ dùng thuốc, ngày lễ, Tết người bệnh còn bê trễ tập luyện, không tuân thủ chế độ dinh dưỡng "điều trị" như trước đó... Tất cả những điều này đều ảnh hưởng xấu tới việc quản lý bệnh.

Việc không tuân thủ dùng thuốc dễ gây những hệ lụy xấu. Ví dụ: Ở người tăng huyết áp, việc dùng thuốc thất thường khiến huyết áp không được kiểm soát, làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, suy thận...; đối với người bệnh đái tháo đường, kiểm soát đường huyết kém dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm về thần kinh, thận, tim mạch, thậm chí hôn mê... nguy hiểm tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Ở những người nhiễm HIV, không dùng thuốc đều đặn hằng ngày sẽ không ức chế được virus, khiến bệnh dễ lây lan, kháng thuốc và dễ bị các nhiễm trùng cơ hội...

Nên chuẩn bị thuốc như thế nào?

Những ngày lễ, Tết, đặc biệt là dịp đầu năm, người dân thường hay kiêng đi khám bệnh. Do đó, đối với những người mắc bệnh mạn tính, trước Tết nên đi khám. Bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc khi cần thiết và kê đơn chuẩn bị sẵn một cơ số thuốc nhất định trong dịp này.

Người bệnh mạn tính cần uống thuốc đều đặn hằng ngày.

Người bệnh mạn tính cần uống thuốc đều đặn hằng ngày.

Người bệnh mạn tính cần chuẩn bị sẵn các thuốc cụ thể đã được bác sĩ kê đơn cho tình trạng bệnh của mình. Ví dụ, đối với người bệnh đái tháo đường, cần chuẩn bị sẵn thuốc uống hạ đường huyết hoặc insulin có kèm bơm tiêm (theo đơn) và dụng cụ thử đường huyết. Với người bệnh tim mạch như tăng huyết áp (nên có sẵn thuốc bác sĩ chỉ định để sử dụng thường ngày, máy đo huyết áp), đau thắt ngực (cần chuẩn bị thuốc giãn mạch trong nhà để dùng). Trong trường hợp người bệnh đã từng có những đợt suy tim, cần có thuốc điều trị để dùng kịp thời...

Ngoài các tình trạng mạn tính, trong nhà cũng nên chuẩn bị một số thuốc để ứng phó với các tình huống sức khỏe cấp tính thường xảy ra như: Đầy bụng, khó tiêu, dị ứng, tiêu chảy, sốt... để dùng lúc đêm hôm hoặc chưa thể tới cơ sở y tế. Cụ thể:

- Thuốc trị đầy bụng, khó tiêu: Chuẩn bị một trong các thuốc kháng acid như maalox, phosphalugel hay acid alginic...

- Thuốc trị tiêu chảy (thường gặp tiêu chảy cấp): Có thể chuẩn bị oresol để bù nước và chất điện giải (cho cả người lớn và trẻ em); thuốc chống tiêu chảy như loperamid (dùng cho người lớn, không nên dùng ngay từ lần tiêu chảy đầu tiên)...

- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Đau và sốt là các triệu chứng rất thường gặp do nhiều tình trạng y tế gây ra. Do đó, trong tủ thuốc không thể thiếu được loại thuốc này. Thuốc thường dùng là paracetamol (tốt nhất là loại đơn chất).

- Thuốc chống dị ứng: Dị ứng thời tiết, dị ứng phấn hoa, dị ứng thức ăn... cũng thường xảy ra trong dịp này. Do đó, trong nhà cũng nên chuẩn bị một chút thuốc chống dị ứng như fexofenadine, cetirizine (dùng cho người lớn) và sirô phenergan, théralène (dùng cho trẻ em)...

Ngoài ra, trong tủ thuốc gia đình cũng nên có một số vật tư y tế như: Bông, băng, kéo, cặp nhiệt độ...

Bảo quản tủ thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, không bị ánh nắng chiếu vào và để xa tầm với của trẻ.

Cách dùng thuốc an toàn

Đối với người bệnh mạn tính, cần phải dùng thuốc điều trị dài ngày, thậm chí suốt cả cuộc đời (như ở người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, HIV/AIDS...). Do đó, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ và tái khám đúng hẹn là rất quan trọng quyết định sự thành công trong việc quản lý bệnh. Trước mỗi đơn thuốc, người bệnh cần:

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc để nắm được các thông tin về thuốc mà mình đang sử dụng.

Dùng đúng liều bác sĩ kê đơn, uống đều đặn, hằng ngày và vào một giờ cố định. Tuân thủ khoảng cách dùng thuốc, giúp đảm bảo nồng độ thuốc luôn ổn định trong máu, để kiểm soát bệnh. Liều dùng và loại thuốc đã được bác sĩ cân nhắc sử dụng trên từng người bệnh cụ thể. Do đó, người bệnh không tự ý thêm, bớt liều dùng hay đổi thuốc, không dùng thuốc, mượn thuốc của người khác... sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả điều trị.

Có thể sử dụng hộp chia thuốc để tránh quên uống thuốc.

Có thể sử dụng hộp chia thuốc để tránh quên uống thuốc.

Nếu người bệnh bỏ lỡ một liều, hãy uống liều đã quên ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến giờ dùng liều tiếp theo, chỉ dùng liều thông thường, không tự tăng gấp đôi liều lượng.

Không bao giờ ngừng dùng thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn. Vì ngay khi bạn cảm thấy khỏe hơn chính là do tác dụng của thuốc. Việc dùng thuốc sẽ giúp kiểm soát huyết áp (đối với người tăng huyết áp), kiểm soát đường huyết (đối với người bệnh đái tháo đường)... và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn có thể cần dùng thuốc suốt đời.

Nước dùng để uống thuốc: Một số loại thức uống trong dịp này có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Trà, cà phê, rượu... có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ có hại, do đó nên tránh và không dùng để uống thuốc. Trong hầu hết trường hợp thuốc nên được uống với nước đun sôi để nguội.

Chú ý tới thực phẩm khi ăn: Ở một số người bệnh mạn tính, thực phẩm ăn hằng ngày có ảnh hưởng trực tiếp tới việc kiểm soát bệnh. Ví dụ, không nên ăn nhiều dưa muối (đối với người tăng huyết áp, bệnh tim, thận), hay bánh kẹo, đồ ngọt (đối với người đái tháo đường)...

Ngoài dùng thuốc, người bệnh cần lưu ý tới dinh dưỡng điều trị và tập luyện hằng ngày.

Làm thế nào để không quên uống thuốc?

Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày để thiết lập thói quen uống thuốc.

Có thể dùng một số ứng dụng trên điện thoại thông minh để nhắc nhở việc uống thuốc.

Sử dụng đồng hồ báo thức, đồng hồ đeo tay có hẹn giờ... có thể hữu ích nếu bạn không sử dụng điện thoại thông minh.

Sử dụng hộp chia thuốc trong tuần: Hộp chia thuốc trong tuần thường có 7 ngăn. Có thể chia thuốc đều mỗi ngày trong tuần vào các ngăn này và đến chủ nhật người bệnh lại dành thời gian để chia thuốc vào hộp cho tuần tiếp theo...

Nếu không tuân thủ kế hoạch điều trị, có thể dẫn đến các tình trạng tồi tệ hơn như: Bệnh trở nặng nhanh hơn; có nguy cơ cao mắc các vấn đề khác như bệnh tim và thận hoặc đột quỵ; tăng biến chứng; cần đến bệnh viện nhiều hơn; giảm chất lượng sống của người bệnh; chi phí nhiều hơn do phải trả tiền cho dịch vụ chăm sóc khẩn cấp hoặc chăm sóc cho các vấn đề mà lẽ ra thuốc có thể ngăn chặn được...

DS. Nguyễn Thu Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-man-tinh-don-xuan-vui-dung-quen-thuoc-169230118144515076.htm