Người bị bệnh tim mạch có phải 'kiêng dè' bánh trung thu?
Bánh trung thu được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh tim mạch, việc ăn bánh trung thu cần phải cẩn trọng, tránh ảnh hưởng sức khỏe.
1. Người bệnh tim có thể ăn bánh trung thu không?
Người bệnh tim mạch, kể cả trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh vẫn có thể ăn bánh trung thu nhưng cần chú ý đến loại bánh và liều lượng tiêu thụ.
Bánh trung thu truyền thống thường chứa lượng lớn đường, chất béo và muối. Mỗi chiếc bánh trung thu truyền thống 250g tùy theo nguyên liệu làm nhân và vỏ bánh có thể cung cấp từ 800-1100 kcal, khiến nó trở thành thực phẩm có chứa năng lượng cao.
Bánh trung thu chứa nhiều đường, chất béo và calo, có thể gây ra các vấn đề như tăng cân, tăng huyết áp cholesterol, có thể ảnh hưởng đến đường huyết và không tốt cho bệnh nhân tim mạch.
Đặc biệt, bánh dẻo thường chứa nhiều đường hơn bánh nướng, điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết, ảnh hưởng đến người có bệnh lý tiểu đường.
Để đảm bảo sức khỏe, bệnh nhân tim mạch nên chọn các loại bánh ít béo, ít đường, ít muối. Những loại bánh này hiện có sẵn trên thị trường như bánh trung thu không đường, ít calo hoặc bánh làm từ nguyên liệu tự nhiên.
2. Cách ăn bánh trung thu để không ảnh hưởng đến tim
Người bệnh tim mạch được khuyến cáo chỉ nên ăn bánh trung thu với lượng ít, có thể ăn từ 1-2 lần/ngày và ăn sau bữa chính để tránh tăng đường huyết.
Ngoài ra, lượng bánh ăn cần được điều chỉnh dựa trên tổng năng lượng mỗi người cần trong ngày.
3. Trẻ em mắc tim bẩm sinh có nên ăn bánh trung thu?
Trẻ mắc tim bẩm sinh có thể ăn nhưng nên hạn chế, đặc biệt với các loại bánh có nhiều đường, muối và chất béo.
Phụ huynh nên giám sát chặt chẽ và cho trẻ ăn những loại bánh ít ngọt, làm từ nguyên liệu tự nhiên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe tim mạch. Điều quan trọng là duy trì chế độ ăn uống cân đối, giàu dinh dưỡng và tránh ăn quá nhiều một lúc.
4. Lưu ý gì khi ăn bánh trung thu để không ảnh hưởng sức khỏe?
4.1. Những điều nên làm khi ăn bánh trung thu
● Ăn sau bữa chính, khoảng 1 giờ sau khi no.
● Ăn với lượng vừa phải, chỉ nên ăn một phần nhỏ, khoảng 1/6 hoặc 1/8 cái bánh để không gây tăng cân và ảnh hưởng đến sức khỏe.
● Kết hợp uống nước trà nóng pha loãng khi ăn để hỗ trợ tiêu hóa chất béo trong bánh.
● Nếu trong ngày có ăn thêm bánh trung thu, hãy giảm lượng thức ăn trong bữa chính để không vượt quá nhu cầu năng lượng cần thiết.
● Lựa chọn bánh handmade hoặc tự làm bánh tại nhà với lượng đường, muối và chất béo vừa phải, được điều chỉnh theo khẩu vị và tình trạng sức khỏe.
● Trước khi ăn nên đọc kỹ thông tin, thành phần dinh dưỡng trên bao bì để biết rõ thành phần, calo và cân đối dinh dưỡng khi ăn. Nên chọn bánh ít đường, ít béo, ít muối và làm từ nguyên liệu tự nhiên.
● Duy trì lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
4.2. Những điều không nên làm khi ăn bánh trung thu
● Không ăn bánh trung thu khi đói.
● Không ăn bánh sau 7 giờ tối để tránh tích trữ năng lượng dư thừa.
● Không ăn quá nhiều bánh cùng lúc, dễ gây tăng cân và tăng lượng đường, chất béo trong cơ thể.
● Bệnh nhân tim mạch không nên ăn lòng đỏ trứng muối trong bánh vì chứa nhiều chất béo và muối, có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.