Người bị viêm teo niêm mạc dạ dày nên làm gì?

Viêm niêm mạc dạ dày là tổn thương khá thường gặp trên nội soi, trong đó có viêm teo - một dạng tổn thương tiền ung thư cần được theo dõi.

Tỉ lệ gặp viêm teo niêm mạc dạ dày trên nội soi dao động từ 9.4% tới 63.8% tùy từng nghiên cứu. Người bệnh khi đi nội soi dạ dày cũng sẽ được bác sỹ tư vấn, cung cấp thông tin về tình trạng bệnh. Bài viết này chỉ xin chia sẻ thêm một số thông tin tham khảo giúp người bệnh hiểu rõ hơn.

TS. Bs. Phạm Bình Nguyên (Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật, BV Bạch Mai)

TS. Bs. Phạm Bình Nguyên (Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật, BV Bạch Mai)

Thế nào là viêm teo niêm mạc dạ dày?

Viêm teo niêm mạc dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị teo mỏng, mất các tuyến, là hậu quả của quá trình viêm mạn tính kéo dài, được xếp vào nhóm tổn thương tiền ung thư. Qúa trình biến đổi niêm mạc dạ dày từ bình thường tới ung thư được diễn ra theo nhiều bước dưới đây:

Sơ đồ Correa mô tả tiến trình dẫn tới ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

Sơ đồ Correa mô tả tiến trình dẫn tới ung thư biểu mô tuyến dạ dày.

Nguyên nhân gây viêm niêm mạc dạ dày

Nguyên nhân chính gây biến đổi niêm mạc dạ dày là vi khuẩn Hp (H.Pylori) đặc biệt ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ viêm teo trong nhóm nhiễm Hp cao hơn từ 2.4-7.6 lần so với nhóm không nhiễm Hp. Ngoài ra, tuổi càng cao thì tỉ lệ viêm teo càng cao; nam giới có tỉ lệ viêm teo cao hơn nữ, các tác nhân khác như hút thuốc lá, uống rượu, ăn thức ăn nhiều muối cũng góp phần thúc đẩy quá trình viêm mạn tính và viêm teo.

Mặc dù vậy, trong số bệnh nhân có vi khuẩn H. pylori dương tính trong dạ dày, chỉ có 1% đến 2% sẽ phát triển ung thư dạ dày, điều này gợi ý rằng ngoài tình trạng nhiễm H. pylori ở dạ dày, còn phải kể đến tình trạng nhiễm trong cộng đồng, các yếu tố môi trường, đặc điểm của vi khuẩn và đặc điểm cơ địa người nhiễm.

Tỉ lệ ung thư trong nhóm có viêm teo cao hơn trong nhóm không có viêm teo

Một nghiên cứu ở Hàn Quốc cho thấy, có 69 bệnh nhân xuất hiện ung thư dạ dày trong nhóm 2.144 bệnh nhân có viêm teo (3.2%), trong khi chỉ có 2 bệnh nhân xuất hiện ung thư trong nhóm 3.423 người không có viêm teo (0.06%). Như vậy trong nghiên cứu này chúng ta thấy rằng tỉ lệ xuất hiện ung thư dạ dày trong nhóm có viêm teo cao gấp 55 lần so với nhóm không có viêm teo.

Ngoài ra, mức độ viêm teo dạ dày càng nặng thì nguy cơ phát triển thành ung thư càng cao. Tương tự, nếu viêm teo có kết hợp với dị sản ruột thì nguy cơ ung thư càng tăng thêm. Trong một nghiên cứu ở Hà Lan trên 92.250 bệnh nhân có tổn thương tiền ung thư dạ dày (viêm teo, dị sản, loạn sản), người ta theo dõi trong 5 năm sau khi chẩn đoán và thấy rằng, tỉ lệ mắc ung thư hằng năm trong nhóm viêm teo là 0.1%, trong nhóm dị sản là 0.25% và trong nhóm loạn sản là 0.5%.

Vì thế, nếu sau khi nội soi, bác sỹ có chẩn đoán bị viêm teo hay dị sản thì ta chỉ cần ý thức hơn về nguy cơ của mình cao hơn bình thường để đi theo dõi định kỳ chứ không phải hoảng loạn, lo lắng quá mức về chẩn đoán đó.

Hình ảnh viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột trên nội soi và mô bệnh học

Hình ảnh viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột trên nội soi và mô bệnh học

(Nguồn: Review of Atrophic Gastritis and Intestinal Metaplasia as a Premalignant Lesion of Gastric Cancer, 2015).

Hình A. Bình thường, Hình B. Viêm bề mặt, Hình C. Viêm teo, Hình D. Dị sản ruột)

Để đánh giá mức độ viêm teo niêm mạc dạ dày di vi khuẩn Hp trên nội soi, các bác sỹ ở châu Á thường dùng phân loại Kimura Takemoto. Phân loại này được chia thành 6 mức độ teo thuộc 2 nhóm: nhóm đóng (C – Close) và nhóm mở (O - Open). Trong đó nhóm đóng (C) gồm C1-C3, theo mức độ tăng dần nhưng bờ teo mới chỉ giới hạn ở bờ cong nhỏ, hiểu nôm na là vùng teo chiếm ít hơn 1/2 bề mặt dạ dày, còn nhóm mở (O) gồm O1-O3, theo mức độ tăng dần, bờ teo đã lan rộng hơn ở phía mặt trước và mặt sau của dạ dày, nghĩa là vùng teo đã chiếm quá nửa bề mặt niêm mạc dạ dày.

Bệnh nhân có viêm teo niêm mạc dạ dày nên làm gì?

Không nên quá lo lắng, hoảng loạn về chẩn đoán viêm teo hay nhiễm vi khuẩn Hp, chỉ cần có ý thức về điều đó, đi khám sức khỏe định kỳ, điều trị diệt vi khuẩn Hp (nếu có chỉ định) và cải thiện chế độ ăn, vệ sinh ăn uống theo hướng dẫn của bác sỹ.
Điều trị diệt vi khuẩn Hp (nếu có): Hiện nay có nhiều quan điểm về diệt vi khuẩn Hp, theo Nhật Bản và Hàn Quốc thì tất cả người bệnh có vi khuẩn Hp dương tính cần điều trị. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Việt Nam, bác sỹ sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp để có phương án điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân, cân nhắc các yếu tố như: tuổi tác, triệu chứng lâm sàng, khả năng kháng thuốc của vi khuẩn, tình trạng nhiễm Hp trong gia đình, khả năng tái nhiễm, tình trạng sức khỏe và các bệnh kèm theo …Cho đến nay hiệu quả của việc diệt vi khuẩn Hp để cải thiện tình trạng viêm teo, dị sản ở niêm mạc dạ dày còn tùy thuộc từng nghiên cứu.
Khám định kỳ theo dõi phát hiện sớm ung thư: Trên những bệnh nhân viêm teo niêm mạc dạ dày, hoặc trên 40 tuổi ở những nước có tỉ lệ ung thư dạ dày cao như Việt Nam cũng nên đi soi dạ dày 1 năm/lần để phát hiện sớm ung thư, giống như khuyến cáo của Nhật Bản, Hàn Quốc.
Cải thiện chế độ ăn: thức ăn có nhiều vitamin C, beta-carotene và acid folic có thể hữu ích cho bệnh nhân viêm teo niêm mạc dạ dày.

Nội soi dạ dày là cách tốt nhất để tầm soát ung thư dạ dày trên bệnh nhân có viêm teo niêm mạc. Từ 40 tuổi trở lên, tốt nhất nên đi soi 1 năm/lần.

Nội soi dạ dày là cách tốt nhất để tầm soát ung thư dạ dày trên bệnh nhân có viêm teo niêm mạc. Từ 40 tuổi trở lên, tốt nhất nên đi soi 1 năm/lần.

Tham khảo:

Review of Atrophic Gastritis and Intestinal Metaplasia as a Premalignant Lesion of Gastric Cancer, 2015

Dae Young Cheung. Atrophic Gastritis Increases the Risk of Gastric Cancer in Asymptomatic Population in Korea. Gut Liver. 2017 Sep; 11(5): 575–576.

TS. Bs. Phạm Bình Nguyên (Trung tâm Tiêu hóa-Gan mật, BV Bạch Mai), ThS.Bs. Phạm Thị Vân Ngọc (Chuyên khoa Nội soi Tiêu hóa & Y tế cộng đồng)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-bi-viem-teo-niem-mac-da-day-nen-lam-gi-169230209152127163.htm