Người can thiệp và tìm thấy 'ánh sáng' cuộc sống cho hàng nghìn trẻ 'đặc biệt'
Gần 20 năm gắn bó với những đứa con 'đặc biệt', TS. Nguyễn Thị Phượng đã chỉ định can thiệp, giáo dục cho hàng nghìn đứa trẻ chậm nói, tự kỷ, tăng động, giảm chú ý, rối loạn cảm xúc, trẻ ngọng, trẻ khiếm thính, khó khăn trong học tập, trẻ chậm phát triển trí tuệ...
Cô giáo đam mê những việc khó
Bằng tâm huyết, tình yêu thương con trẻ, TS. Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ em đã dành cả thanh xuân của mình để nghiên cứu, áp dụng các phương pháp giáo dục tiến bộ trong và ngoài nước về can thiệp và giáo dục, hỗ trợ cho trẻ “đặc biệt”. Bởi vậy, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phượng được các phụ huynh học sinh gọi với những cái tên trìu mến như: Nơi chạm vào yêu thương, nơi chạm vào trí tuệ, nơi chạm vào sự kiên nhẫn... để giáo dục, tìm thấy ánh sáng cho trẻ “đặc biệt”.
Gặp TS. Nguyễn Thị Phượng vào những ngày tháng 11/2023, khi mà cả xã hội đang dành những lời tri ân đến thầy cô giáo, người đưa đò cho các thế hệ học trò qua sông. Ở trong góc phố Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chị Phượng vẫn miệt mài can thiệp, định hướng chương trình giáo dục, chọn phác đồ trị liệu cho những đứa con “đặc biệt” của mình. Tâm sự với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Phượng bảo rằng, đến với nghề giáo là một cái duyên nhưng giáo dục và gắn bó với những đứa trẻ “đặc biệt” lại là một lựa chọn. Bởi với chị có một đặc điểm không giống ai, cứ cái gì khó chị lại muốn thử sức và dùng trí tuệ của mình để nghiên cứu, áp dụng.
Tốt nghiệp PTTH, chị Phượng đã đỗ liền 3 trường đại học và cao đẳng. Năm đầu tiên, nghe lời khuyên của gia đình, chị Phượng đã theo học khoa Văn, trường cao đẳng sư phạm tỉnh. Tuy nhiên, trong đầu chị lúc nào cũng canh cánh khi mà chứng kiến những đứa trẻ chậm phát triển (học chậm) ở quê mình, chúng bị mọi người nhìn với cái nhìn khuyết thiếu. Nhìn những đứa trẻ, trong lòng chị lại muốn giúp đỡ, nhưng chỉ giúp đỡ về mặt nhân đạo không đủ mà chị muốn giúp bằng hệ thống khoa học, để thay đổi con người, cuộc đời họ và giảm bớt gánh nặng cho gia đình họ. Vì thế, khi năm sau Trường Đại học sư phạm Hà Nội tuyển sinh khóa đầu tiên Khoa Giáo dục đặc biệt, chị Phượng đã không do dự mà nộp hồ sơ.
“Là sinh viên khóa đầu tiên của khoa nên chúng tôi được học tập trong môi trường được các chuyên gia nước ngoài và chuyên gia đầu ngành trong nước trực tiếp giảng dạy, xây dựng cho mình 1 hệ thống khoa học, lý luận chặt chẽ về giáo dục đặc biệt và định hướng cho tôi trong suốt quá trình theo học tại đây”, chị Phượng cho biết.
Chia sẻ với PV ấn phẩm Pháp luật & Xã hội (Báo Kinh tế và Đô thị), chị Phượng cho biết: những năm sinh viên, chị cũng đã đi dạy thêm, dạy kèm các con học chậm, học kém tại nhà, bởi rất nhiều gia đình đã "bất lực" trong việc dạy con. Có những con, phải trải qua tới gần 20 gia sư. Dù khó vậy, nhưng chị vẫn nhận và khi tiếp xúc với các con, chị đã tìm hiểu căn nguyên vì sao các con không học được và vì sao các con là đứa trẻ hư. Khi tìm ra nguyên nhân, chị đã bằng tình thương yêu trẻ và áp dụng với những kỹ năng được học trong trường, chị đã cảm hóa được các con.
“Khi tiếp xúc, tôi thấy có những con mới 2 tuổi đã biết bảng nhân chia, chụp hình giỏi, đọc được số từ 100-1.000 và đọc được cả truyện. Tuy nhiên, khả năng hiểu bản chất con số cũng như chữ là không có. Khi đọc tài liệu, tôi thấy rằng người ta hay nói trẻ tự kỷ giỏi Toán, nhưng thực tế là các con nhớ vẹt. Qua đó, tôi thấy có mâu thuẫn và nghĩ chắc chắn ở các nước tiên tiến họ sẽ có cách hoặc mô hình gì đó để giáo dục cho các con giỏi Toán, chứ không thể nhớ vẹt mà giỏi Toán được. Vì vậy, tôi đã làm đề tài Thạc sỹ với chuyên đề: Hình thành biểu tượng Toán cho trẻ tự kỷ. Khi nghiên cứu và ứng dụng thì tôi thấy, các con có khoa học dẫn dắt, có phương pháp giáo dục đặc biệt, dạy toán phù hợp thì thấy các con giỏi Toán thật. Rất nhiều học sinh của tôi đã thành công từ góc nhìn khoa học như này và đó đã là động lực, thôi thúc khiến tôi càng đam mê theo đuổi nghề”, cô giáo Nguyễn Thị Phượng tâm sự.
Từ đam mê và mong muốn có được môi trường can thiệp, giáo dục cho những đứa con “đặc biệt” của mình, năm 2005, chị Phượng đã xây dựng và sáng lập Trung tâm Giáo dục hòa nhập trẻ em ở góc phố nhỏ Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đây cũng là 1 trong những trung tâm đầu tiên giáo dục cho trẻ tự kỷ, tăng động ở Hà Nội, với 7 tầng, 30 phòng can thiệp chức năng. Trung tâm mở ra, ngoài những đứa con “đặc biệt” ở trong nước, chị Phượng còn đón rất nhiều con “đặc biệt” ở nước ngoài đến trị liệu, học tập.
“Từ khi thành lập đến năm 2012, đã có rất nhiều học sinh ở ngoại tỉnh và nước ngoài về Hà Nội thuê nhà gần Trung tâm để can thiệp cho con. Nhìn những gương mặt mệt mỏi của bố mẹ các con khi bất lực trước việc giáo dục con, khiến cho tôi càng thêm gắn bó với nghề, với các con hơn. Và cũng chính trong quá trình giảng dạy, tôi thấy có phát sinh mâu thuẫn, như những trẻ nặng, trẻ nhẹ mà cùng học ở phòng thì khó triển khai chương trình và có thể bắt chước hành vi của nhau. Đặc biệt, rất khó để triển khai được mô hình giáo dục hòa nhập. Vì vậy, tôi đã nung nấu xây dựng ngôi trường thứ 2 để thực hiện chuyên sâu về giáo dục hòa nhập dành cho trẻ nhẹ hoặc những trẻ đã được can thiệp thành công...”, cô giáo Nguyễn Thị Phượng chia sẻ.
Hàng nghìn đứa con đặc biệt được thay đổi cuộc đời
Tháng 2/2017, ngôi trường thứ 2 được khánh thành, gần 40 phòng chức năng, với chức năng nhiệm vụ là can thiệp cho nhóm trẻ rối loạn ở mức độ nhẹ và những trẻ đã can thiệp chuyên biệt ở trung tâm 1 thành công. Lúc này 2 mô hình giáo dục (giáo dục đặc biệt và giáo dục hòa nhập) đã tách nhau hoàn toàn. Trẻ phải hoàn thành chương trình giáo dục đặc biệt xong thì mới chuyển sang mô hình giáo dục hòa nhập. Học sinh ở nhóm học này thường các con từ 3 tuổi cho đến THCS.
TS. Nguyễn Thị Phượng cho biết: trong quá trình học tập, các con lớn dần, các trường công lập cũng đưa ra những tiêu chí giáo dục cao hơn, các trường dân lập cũng chạy chất lượng và đưa ra những tiêu chí giáo dục cao hơn và đầu vào cũng chặt hơn, dẫn đến việc cánh cửa cho các con có rối loạn phát triển khép lại. “Tôi thấy rằng cần có 1 hệ thống giáo dục hòa nhập liên cấp và cũng là lý do đó mà tôi đã nung nấu, xây dựng ngôi trường thứ 3 vào cuối năm 2021, với 9 tầng và 60 phòng học chức năng can thiệp cho trẻ từ 8 tháng đến trưởng thành và học nghề...”, cô giáo Nguyễn Thị Phượng tâm sự thêm.
Từ thực thế và nhu cầu công việc, đúc kết từ những công việc mình đang làm, cô giáo Nguyễn Thị Phượng bảo rằng cần phải có một nghiên cứu chuyên sâu cho trẻ tự kỷ. Chính vì vậy, đề tài làm Tiến sỹ với tiêu đề "Ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ". Bằng các hình thức cũng như hoạt động can thiệp như: Can thiệp chuyên sâu, can thiệp riêng biệt, can thiệp tập thể... hay phục hồi chức năng, tâm vận động, giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập. Đến nay, chị Phượng cũng đã can thiệp cho hàng nghìn đứa con “đặc biệt” của mình không những trong nước và cả nước ngoài.
Tâm sự với chúng tôi, chị Phượng bảo rằng, trong số những con học tập, can thiệp tại trung tâm thì có đến 70% các con hòa nhập với các bạn ở môi trường học tập bình thường. Vì thế, trung tâm luôn phối kết hợp với các thầy cô giáo ở các trường tiểu học, THCS, THPT để giáo viên có những kỹ năng, hiểu biết và đặc biệt có tình yêu thương, tâm lý giúp đỡ, hỗ trợ các con hòa nhập. Còn lại 30% số con “đặc biệt” được theo học liên cấp tại trung tâm. Tất cả các con đến với trung tâm, trực tiếp cô Phượng chỉ định can thiệp, chỉ định giáo viên cho mỗi trẻ, định hướng chương trình từng giai đoạn và đưa ra phác đồ trị liệu.
Để làm được tất cả những việc đó, chị Phượng bảo rằng mình may mắn khi đã quy tụ được đội ngũ giáo viên, chuyên gia, các nhà chuyên môn và trị liệu giỏi và đặc biệt phải có tâm với những đứa trẻ khiếm khuyết. Vì vậy, nhiều con được can thiệp, trị liệu ở trung tâm xong không những học xong PTTH mà còn học cao đẳng, đại học, học nghề và có những con nặng thì có thể có kỹ năng tự phục vụ bản thân.
Với những đóng góp miệt mài cho những đứa con “đặc biệt”, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển khoa học tâm lý, khoa học giáo dục, TS. Nguyễn Thị Phượng đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, cờ thi đua, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam của Trung ương hội Khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam.
Từng là giảng viên trực tiếp giảng dạy chị Phượng, chứng kiến từng bước trưởng thành của học trò, PGS.TS Trần Thị Tuyết Anh – Nguyên Phó khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học sư phạm Hà Nội đánh giá: TS. Nguyễn Thị Phượng là nhà giáo tâm huyết, có trí tuệ khoa học, biết nghiên cứu linh hoạt phương pháp giáo dục ở nước ngoài về Việt Nam. Là giáo viên khá chỉn chu từ những công việc nhỏ đến lớn và những thành tựu trong nghiên cứu khoa học, can thiệp đã thể hiện trên những “sản phẩm” xuất sắc.
Khi đối diện với những đứa con “đặc biệt” khó, chị Phượng vẫn đưa ra được những liệu trình can thiệp hiệu quả. Ngoài ra, đối với nhà giáo, 1 tiến sỹ, viết được 1 công trình khoa học là bình thường, nhưng để ứng dụng để can thiệp cho hàng nghìn đứa trẻ thành công và huy động được nguồn vốn, xây dựng được những ngôi trường cho những đứa con “đặc biệt” thì đúng là nhà giáo xuất sắc. Đề tài nghiên cứu tiến sĩ của chị Phượng mang tính ứng dụng cao.
Gia đình học sinh Lê Anh Q, SN 2012, ở Hà Nội, là 1 trong những đứa con “đặc biệt” can thiệp bán trú, cho biết: Gia đình đã cho con trai đến với cô giáo Phượng từ khi cháu mới 4 tuổi và được đánh giá cháu Q bị tự kỷ mức trung bình. Sau 2 năm can thiệp ở trung tâm, cháu Q cũng đã vào tiểu học, hòa nhập và giao tiếp khá tốt. Hiện cháu Q đang học lớp 6 của 1 trường THCS trên địa bàn. Thứ 7 hàng tuần, gia đình vẫn đưa cháu Q đến trung tâm can thiệp. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất để cháu Q học giỏi đó là sau giờ học, các thầy cô phải cho con gặp mẹ Phượng. “Mỗi lần được gặp và chơi với mẹ Phượng, cháu Q rất vui vẻ và khoe với bố mẹ mình một cách rất phấn khích...”, gia đình học sinh Q cho biết.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên tâm lý, người gắn bó với chị Nguyễn Thị Phượng và trung tâm 11 năm nay. Cô giáo Hà cho biết luôn trân trọng và luôn học tập kinh nghiệm của “Người thuyền trưởng đưa các em bé đặc biệt qua sông”. Cô giáo Hà viết: Tháng 11 lại về trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày mà cả xã hội với tấm lòng trân trọng, tôn vinh công lao cao cả đối với nghề giáo. Ngày hôm nay tôi xin dành những nét chữ yêu thương để viết về chị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phượng - Người thuyền trưởng đã chèo lái con thuyền mang tên Trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ em vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên thành công như ngày hôm nay - Trở thành một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực can thiệp cho trẻ đặc biệt.
Chúng tôi thật tự hào khi được làm việc cùng chị đặc biệt là sự truyền lửa cho tinh thần học hỏi nghiên cứu khoa học từ chị. Chị nói: “Các em mỗi ngày dành 20 phút thay vì lướt mạng để đọc tài liệu trên các nhóm hay bản cứng. Việc đọc cực kỳ tốt cho chiều sâu chuyên môn. Việc đọc là yếu tố giúp chúng ta có một tri thức khổng lồ về tâm sinh lý giáo dục. Đọc cho ta ngẫm, nghĩ và ngấm rất kỹ”.
Đó không đơn giản là một lời khuyên chị dành cho các giáo viên của mình mà điều đó còn là tấm gương phản chiếu tinh thần của chị để tất cả giáo viên chúng tôi noi theo. Năm 2022, chị đã đón nhận học vị Tiến sĩ nhưng bản thân chị ngày ngày vẫn nghiên cứu tìm tòi những tri thức mới cho trẻ. Chị thường chia sẻ với giáo viên của mình những cuốn sách hay những chương trình đào tạo của chuyên gia về một lĩnh vực nào đó. Bởi mong muốn của chị là tất cả giáo viên của mình sẽ có một nền tảng kiến thức tốt và chuyên sâu để làm việc hiệu quả với trẻ.
Chị không chỉ là một chuyên gia trong nghành giáo dục đặc biệt mà chị còn có tâm hồn mềm mại. Năm 2015 chị từng xuất bản 3 tập thơ trong đó có tập thơ “Muôn điều em yêu” được rất rất nhiều các bạn nhỏ không chỉ tại Trung tâm yêu thích. Những vần thơ ấy như những cơn mưa rào tưới mát tâm hồn những đứa trẻ để những chồi non nẩy lộc và tỏa hương thơm ngát.
Nhân ngày 20/11 xin gửi tới chị - người thầy của chúng tôi trong Ngôi nhà Trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ em lời chúc sức khỏe; thành công và mọi mong ước về một ngôi trường mơ ước sẽ thành hiện thực!