Người cao tuổi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Với mong muốn phát huy những nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc đang dần bị mai một trong cuộc sống hiện đại, nhiều người cao tuổi trong tỉnh luôn cần mẫn cống hiến, gìn giữ và trao truyền cho thế hệ sau các giá trị tinh thần và vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình.
Cao Bằng là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa với 95% dân số là người dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc riêng về phong tục, tập quán, trang phục, tiếng nói… Với đồng bào Tày, những ca từ mộc mạc, giai điệu dễ nhớ của điệu Then, tiếng tính không thể thiếu trong đời sống từ bao đời nay. Trăn trở trước nguy cơ làn điệu dân ca các dân tộc bị mai một, dù đã ngoài 70 tuổi, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hoàng Kim Tuế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo tồn dân ca các dân tộc tỉnh vẫn ngày đêm miệt mài, ra sức lưu giữ, truyền dạy các làn điệu Then tính cho cộng đồng.
Gần 40 năm công tác, trong đó 20 năm làm Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh, NSƯT Kim Tuế đã dẫn dắt nhiều lớp thế hệ, đem lời Then, tiếng tính của quê hương đi khắp các vùng miền của đất nước. Để những tinh hoa văn hóa của dân tộc không bị mai một, NSƯT Kim Tuế tham gia truyền dạy hát Then, đàn tính cho trên 500 học viên ở các vùng, miền và trong các trường học. Học trò của bà không phân biệt tuổi tác, từ những đứa trẻ mới 4 tuổi đến những người đã bước vào tuổi trung niên. Nhiều học trò đã trở thành nghệ nhân ưu tú, hạt nhân văn nghệ, đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở.
Với vốn am hiểu về những làn điệu dân ca truyền thống, NSƯT Kim Tuế không chỉ truyền dạy hát Then, đàn tính mà còn đóng góp rất lớn trong việc sưu tầm, khôi phục và đặt lời cho những làn điệu Then của quê hương. Trong đó, nhiều tiết mục hay, hấp dẫn, đạt giải cao trong các cuộc thi như: “Hội Then Sluông trầu”, “Cung kính dâng hương lời Then khảm hải”, “Tiếng Then trên đỉnh Slam Cao”…
NSƯT Kim Tuế chia sẻ: Với tôi, truyền dạy hát Then, đàn tính là làm được một công việc quý giá. Mong rằng qua những lớp học của tôi sẽ tìm được thêm những người thực sự có năng khiếu và tâm huyết với điệu Then, tiếng tính quê hương, đặc biệt là các bạn trẻ. Từ đó, góp phần gây dựng phong trào nghệ thuật quần chúng sôi nổi, có sức lan tỏa trong cộng đồng và giá trị văn hóa Then mãi được lưu truyền.
Không riêng NSƯT Hoàng Kim Tuế, rất nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đang phát huy tốt vai trò là người lưu giữ, kết nối lịch sử, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp để truyền dạy cho thế hệ con cháu.
Tranh thủ lúc nông nhàn, nhiều phụ nữ cao tuổi Dao Tiền vẫn miệt mài gìn giữ nét đẹp trên trang phục truyền thống của dân tộc mình. Những người phụ nữ nơi đây được bà, mẹ truyền dạy lại kỹ thuật thêu hoa văn từ khi còn nhỏ và duy trì đến ngày hôm nay. Với họ, đây không chỉ là nét văn hóa của dân tộc mà là một phần không thể thiếu trong những dịp quan trọng của quá trình trưởng thành.
Để hoàn thiện một bộ trang phục của người Dao Tiền mất rất nhiều thời gian. Gồm 6 bộ phận chính: áo trong, áo khoác ngoài, chân váy, đai lưng, vải bó chân và khăn quấn đầu, bộ trang phục chủ yếu được làm bằng vải chàm, thêu tay từng đường kim mũi chỉ và sử dụng sáp ong tạo nên những hoa văn riêng. Đặc biệt, kết hợp với trang sức bạc, trang phục truyền thống của người Dao Tiền càng thêm rực rỡ và đặc sắc.
Vừa thoăn thoắt đôi tay trên bộ trang phục đang thêu dở, bà Chu Thị Ún, người cao tuổi xóm Bản Phường, xã Thành Công (Nguyên Bình) chia sẻ: Từ thời niên thiếu, tôi được mẹ dạy kỹ thuật khâu, thêu. Khi đã thuần thục những đường kim, mũi chỉ, tôi tự may quần áo cho mình. Bộ trang phục của người phụ nữ Dao Tiền đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn nên chỉ cần nhìn những đường thêu này là biết người làm khéo tay đến đâu. Cả một đời gắn bó với thôn bản quê hương, tôi luôn trăn trở khi nhiều phong tục tốt đẹp truyền thống của dân tộc mình đang dần bị mai một. Vì thế, tôi luôn chỉ bảo con, cháu từ kỹ thuật in sáp ong đến nắn nót trong từng mũi khâu, thêu trang phục để những giá trị văn hóa trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mãi được gìn giữ.
Dưới tác động của cuộc sống hiện đại, giới trẻ ngày càng ít quan tâm tới các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Vì vậy, với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực phát huy tinh thần trách nhiệm, gìn giữ và trao truyền, để những giá trị tinh thần và tinh hoa văn hóa dân tộc tiếp tục được tỏa sáng trong cuộc sống hằng ngày.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nguoi-cao-tuoi-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-3172549.html