Người cao tuổi giữ gìn văn hóa truyền thống
Bằng tâm huyết, trách nhiệm, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh luôn tích cực tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc và trao truyền cho thế hệ mai sau.

Hội viên Hội người cao tuổi xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, giữ gìn nghề dệt vải truyền thống.
Căn nhà sàn nhỏ đơn sơ, nhuốm màu thời gian ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, là nơi ông Lường Văn Chựa giành để cất giữ các loại sách, tư liệu quý về văn hóa Thái mà ông đã dày công sưu tầm suốt cả đời mình. Đã hơn 80 tuổi, mái tóc bạc trắng, nhưng ông Chựa vẫn miệt mài truyền dạy cho thế hệ trẻ những làn điệu khèn bè, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc Thái. Ông còn đứng ra thành lập nhóm bảo tồn văn hóa dân tộc Thái Yên Châu với 19 thành viên. Từ năm 2018 đến nay, nhóm đã mở 15 lớp học chữ Thái, khèn bè miễn phí cho bà con, trẻ em trong huyện; sưu tầm, phục dựng các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Thái như: Đông Sửa, Cầu mưa, Mừng cơm mới, Xên lẩu nó...
Còn Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức, ở tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, năm nay đã hơn 70 tuổi, là người tâm huyết với văn hóa dân tộc Dao. Ông dành hơn 30 năm nghiên cứu, bảo tồn chữ Nôm Dao, nỗ lực truyền dạy ngôn ngữ, dân ca, dân vũ cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, ông còn đưa nghi lễ truyền thống trong đám cưới, nghi lễ cấp sắc của người Dao Tiền trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Đức, tiểu khu Sao Đỏ 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, truyền dạy chữ Nôm Dao cho con cháu.
Ông Đức chia sẻ: Tôi rất tự hào khi nghi lễ truyền thống trong đám cưới, nghi lễ cấp sắc của người Dao Tiền trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để văn hóa dân tộc Dao không bị mai một theo thời gian, còn sức khỏe, tôi còn tiếp tục truyền dạy lại cho thế hệ trẻ để di sản ngày càng được phát huy giá trị trong đời sống.
Thành lập năm 2015, Câu lạc bộ (CLB) Múa hát then đàn tính ở tiểu khu 5, thị trấn Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, có 36 thành viên với 80% là hội viên người cao tuổi. Đều đặn vào tối thứ ba, năm và thứ bảy hàng tuần, các thành viên tập trung tại nhà nghệ nhân ưu tú Điêu Chính Lả tập luyện văn nghệ. Các bài múa quạt, múa khăn Nàng Han với động tác múa uyển chuyển trên nền nhạc đàn tính du dương, ngọt ngào, lúc trầm lúc bổng, thu hút bà con đến xem, cổ vũ. Mỗi buổi tập luyện, các nghệ nhân lại dành thời gian hướng dẫn, truyền dạy kỹ thuật sử dụng đàn tính cho các thành viên trẻ tuổi của CLB.

Nghệ nhân CLB Múa hát then đàn tính ở thị trấn Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, truyền dạy đàn tính cho thế hệ trẻ.
Bà Vì Thị Chướng, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên tập luyện để tham gia trình diễn vào các dịp lễ, tết. Đồng thời, tổ chức các lớp truyền dạy chữ viết, chế tác và sử dụng đàn tính tẩu, truyền dạy các điệu hát then, dân vũ cho thế hệ trẻ; khuyến khích các thành viên giữ gìn nghề dệt vải truyền thống.
Toàn tỉnh có gần 126.000 hội viên người cao tuổi. Những năm qua, các cấp Hội người cao tuổi làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát huy vai trò, tâm huyết, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Bà Mùi Thị Thủy, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh duy trì gần 900 CLB văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với trên 42.200 người cao tuổi tham gia. Trong đó, nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

Đội văn nghệ Chi hội người cao tuổi tổ 4, phường Chiềng An, Thành phố, tập luyện văn nghệ.
Việc tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ văn hóa truyền thống, giúp người cao tuổi phát huy vai trò trong xây dựng nếp sống văn hóa tại cộng đồng dân cư, kết nối thế hệ trẻ với các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông; mang những giá trị lịch sử, đạo đức và văn hóa truyền thống song hành cùng đời sống hiện đại.