Người con hoàng tộc đi làm cách mạng
Ông Nguyễn Vĩnh Cù sinh năm 1932, trong một gia đình Hoàng tộc danh giá, theo 'Đế hệ thi' của Hoàng đế Minh Mạng thì 'mệ' Vĩnh Cù thuộc thế hệ thứ 5, ngang hàng cựu hoàng Bảo Đại (Vĩnh Thụy).

Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng vợ chồng ông Nguyễn Vĩnh Cù
Năm 14 tuổi, “Mệ Cù” đã rời bỏ cung vàng điện ngọc, quyết chí đi làm cách mạng. Tháng 12/1946, trước toàn quốc kháng chiến bùng nổ 3 ngày, “mệ Vĩnh Cù” cùng anh trai là Vĩnh Sắt rời gia đình xin vào làm liên lạc tại Tiểu đoàn 16 Trường Quân chính Quảng - Thừa đóng tại Trường Bia, Huế. Thời gian này, ông cùng các anh chị lớn tuổi đã được trực tiếp tham gia các trận đánh lẫy lừng của Trung đoàn 101 - Trần Cao Vân như: Khách sạn Morin, đồn ông Sáu, Nhà đèn, Miếu Đại Càn… Khói lửa của chiến tranh khốc liệt đã trui rèn cho cậu thiếu niên Hoàng tộc ngày càng cứng rắn và trưởng thành hơn.
Khi mặt trận Huế vỡ, Nguyễn Vĩnh Cù cùng đoàn quân cách mạng theo đơn vị ra Quảng Trị, Quảng Bình hoạt động. Sau khi tình hình ổn định, ông được chuyển vào chiến khu Hòa Mỹ, làm việc ở Ty Công an Thừa Thiên. Năm 1948, anh trai Vĩnh Sắt - cũng là chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh trong một trận chống càn ở chiến khu Hòa Mỹ. Thù nhà, nợ nước càng làm cho chàng thanh niên Vĩnh Cù nung nấu lòng căm thù giặc, nêu cao ý chí cách mạng, một lòng đi theo Đảng.
Cuối năm 1948, Nguyễn Vĩnh Cù được cử đi học một trường trung học ở Hà Tĩnh. Học xong, ông gia nhập quân đội và được biên chế về Sư đoàn 304. Đến cuối 1950, ông là một trong những chiến sĩ được cấp trên tin tưởng cử cho cho đi học Sĩ quan Lục quân bổ túc tại Vân Nam (Trung Quốc). Sau 2 năm học tập, rèn luyện, ông được về Việt Nam chiến đấu ở Tây Bắc với chức vụ Trung đội trưởng. Ông và các đồng chí, đồng đội đã trực tiếp chiến đấu giải phóng Nà Sản; phối hợp, giúp đỡ, cùng các đơn vị F312, 316, 324... hành quân tập kết vào vị trí tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Kết thúc chiến dịch, với những thành tích đạt được, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam tại chiến trường Tây Bắc. Sau đó, ông và một số cán bộ được cấp trên tiếp tục cử đi học ở Trường Sĩ quan Lục quân khóa bổ túc. Tốt nghiệp với thành tích xuất sắc, ông được giữ lại trường làm giáo viên giảng dạy khoa chiến thuật.
Tại Trường Sĩ quan Lục quân, ông Nguyễn Vĩnh Cù đã 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất là ngày 5/4/1958, Bác đến thăm nhà trường tại khu Sân bay Bạch Mai, Hà Nội. Lần thứ hai vào ngày 15/4/1964, Bác đến thăm nhà trường tại Công trường 50 Sơn Tây và trao tặng nhà trường danh hiệu “Trung dũng - Quyết thắng”. Những lời dạy dỗ ân cần, sâu sắc của Bác đã truyền thêm ý chí và nhiệt huyết cho người thanh niên Hoàng tộc tích cực hoạt động cách mạng.
Đến cuối năm 1970, ông Nguyễn Vĩnh Cù được cấp trên điều động về làm Trung đoàn phó Trung đoàn 102, thuộc Sư đoàn 308 trở vào Nam chiến đấu. Tại chiến trường Quảng Trị, ông và các đồng đội đã chiến đấu anh dũng và giành được những thắng lợi vang dội tại chiến trường đường 9 Nam Lào, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.
Cuối năm 1978, ông Nguyễn Vĩnh Cù được chuyển ngành và về nhận công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Trị Thiên (cũ) - mảnh đất quê hương yêu dấu, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Được trở về công tác trên quê hương sau mấy chục năm xa cách, ông đã hăng say công tác, miệt mài góp phần xây dựng lại quê hương sau những năm bị chiến tranh tàn phá. Ngày nhận quyết định nghỉ hưu cũng là lúc Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) được thành lập (4/1990), đồng chí Chủ tịch Lê Tự Đồng đã mời ông Nguyễn Vĩnh Cù về làm cán bộ chính sách, tuyên giáo của Tỉnh hội. Phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, người đã trải qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, ông lại hăng hái làm công việc hướng dẫn, triển khai thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ, hội viên CCB trở về từ các chiến trường.
Sau gần 2 nhiệm kỳ tham gia công tác hội, lúc này sức khỏe không được tốt do tuổi đã cao, ông Nguyễn Vĩnh Cù nghỉ công tác ở Hội CCB. Khi về địa phương, thấy phong trào CCB ở phường còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cán bộ hội, với sự động viên của gia đình, ông lại tiếp tục tham gia vào BCH Hội CCB và BCH Hội Người cao tuổi phường An Cựu thêm một nhiệm kỳ nữa rồi mới chính thức nghỉ hưu. Dù đã “nghỉ hưu lần thứ 3” nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia và giành nhiều huy chương ở các hội thi văn hóa, văn nghệ, TDTT do phường, thành phố và hội CCB tổ chức. Ở nhà, ông tổ chức một câu lạc bộ bóng bàn để mời những anh em là đồng đội CCB trong địa phương đến vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe hàng ngày. Gia đình ông nổi tiếng gương mẫu, các con cháu đều thành đạt.
Với những đóng góp, cống hiến cho cách mạng và lý tưởng của Đảng, ông Nguyễn Vĩnh Cù đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 3, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng 1, 2, 3, Huân chương Chiến thắng và nhiều loại huân, huy chương cao quý khác. Năm 2025, ông vinh dự được nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Ông bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ kính yêu, đối với Đảng, Nhà nước và quân đội đã dìu dắt, giáo dục, giúp đỡ, giác ngộ một “công tử con nhà Hoàng tộc” đi làm cách mạng để có được ngày hôm nay.