Người cựu chiến binh giữ hồn lụa, tiếp lửa làng nghề
Đã hơn nửa đời người, nghệ nhân Phạm Khắc Hà - cựu chiến binh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc gắn bó với từng sợi tơ, tiếng thoi lách cách. Để có được tấm lụa óng mượt đậm hồn Việt, mang thương hiệu lụa Hà Đông, ông cùng người dân Vạn Phúc đã trải qua lớp lớp gian truân...
“Giữ lửa” làng nghề truyền thống
Con đường Vạn Phúc (Hà Nội) dẫn vào làng nghề rợp bóng cây xanh. Tiếng “lách cách” của những chiếc thoi đưa va vào khung cửi vang lên đều đều như nhịp thở của làng lụa Vạn Phúc vào một buổi sáng sớm. Trong xưởng dệt lụa của gia đình nghệ nhân Phạm Khắc Hà, những sợi tơ trắng muốt được đôi bàn tay người thợ kéo nhẹ, đều như tơ trời, trải dần theo khung dệt gỗ lim đã lên nước bóng mượt theo màu thời gian. Ở đó, giữa dãy khung cửi dọc ngang, hiện diện những bóng người cặm cụi. Từ người già tóc bạc đến cô thợ trẻ tuổi, ai nấy đều chăm chú, đôi tay thoăn thoắt luồn thoi, điều chỉnh khung dệt. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, đọng lại chảy xuống áo trong tiết trời nóng nực không làm giảm độ chăm chú của người thợ dệt vào từng tấc vải lụa óng ánh sắc màu cứ hiện dần trên khung cửi.

Vợ chồng nghệ nhân Phạm Khắc Hà luôn bên nhau trong suốt quá trình làm nghề, giữ nghề
Giữa không gian đậm đặc mùi nghề ấy, nghệ nhân Phạm Khắc Hà dáng vẻ lặng lẽ, ánh mắt chăm chú như thể đang đọc từng dòng quá khứ dệt nên từ khung cửi trước mặt. Người thương binh ấy đã dành hơn nửa đời mình để giữ gìn và phát triển nghề dệt truyền thống của quê hương. Ở tuổi ngoài 70, ông vẫn cần mẫn bên khung cửi thấm đẫm màu thời gian, nơi giữ “hồn” của lụa Vạn Phúc, một trong những làng nghề cổ nhất đất Thăng Long, với hơn nghìn năm tuổi. “Cái nghề đã thấm vào máu của tôi nên dù đi đâu, tôi vẫn luôn mang theo hình ảnh và tự hào về nghề dệt lụa của quê hương”, nghệ nhân Phạm Khắc Hà tự hào.
Không chỉ là một nghệ nhân, người cựu chiến binh ấy còn là một biểu tượng sống động của tinh thần “giữ lửa” làng nghề. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 5 đời làm nghề dệt, từ nhỏ, ông đã được ru ngủ bằng tiếng thoi đưa, lớn lên trong hương tơ và ánh lụa. Thế nên, dù có đi xa, dù từng khoác áo lính, nhưng hình ảnh tấm lụa óng mượt, khung cửi xưa cũ vẫn luôn sống động trong tâm trí ông. Nghệ nhân Phạm Khắc Hà chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề lâu đến vậy cũng nhờ truyền thống cha ông truyền dạy và cái say mê với nghề đã được hình thành từ rất sớm. Là người con đất lụa, tôi quyết tâm giữ và phát triển nghề, đưa lụa Vạn Phúc thành công như hôm nay”.

Để có được những tấm lụa đẹp, người thợ phải đứng máy liên tục cả ngày, chăm chút từng sợi tơ, kiểm tra nếu có sợi đứt phải nối ngay
Rời quân ngũ, ông Hà trở về quê nhà với hy vọng tiếp nối nghề của cha ông. Tuy nhiên, khi đó ông phải đối mặt với những khó khăn khi làng nghề lúng túng trong bước chuyển mình từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Sản xuất manh mún, đầu ra không ổn định, không ít gia đình tháo dỡ khung cửi, bỏ nghề. Trong cơn lốc ấy, ông Hà, bằng chất lính cứng cỏi và tình yêu với lụa, đã quyết định tìm hướng đi cho làng nghề Vạn Phúc.
Năm 1991, ông vào TP Hồ Chí Minh tìm mua 5 khung dệt bán tự động - một quyết định táo bạo khi trong tay không nhiều vốn liếng. Ông tự mày mò cải tiến quy trình từ ươm tơ, nhuộm sợi, đến hoàn thiện sản phẩm để nâng cao năng suất và chất lượng. Khi chưa đủ tiền xây xưởng, ông dùng ngay gian nhà của mình để làm nơi sản xuất, thậm chí phải vay mượn từ làng xóm. “Khó khăn nhất là tài chính và niềm tin, nhưng tôi không thể để nghề này biến mất. Nó là máu thịt, là hồn cốt của làng. Được rèn luyện trong quân đội nhiều năm, với bản chất bộ đội Cụ Hồ, sau khi trở về quê hương năm 1979, mang trong mình thương tật 42%, tôi xây dựng gia đình với vợ tôi cũng là người làng Vạn Phúc, sinh và lớn lên với nghề dệt tơ lụa. Từ một khung cửi đầu tiên, sau 1 năm, chúng tôi có 6 khung cửi dệt lụa và cứ thế phát triển lên, dần dần đưa thương hiệu của gia đình, đó là lụa Phúc Hưng được nhiều khách hàng biết đến”, người thương binh đất lụa chia sẻ.
Tạo nên dấu ấn lụa Hà Đông
Không chỉ vực dậy cơ sở sản xuất của gia đình, ông Hà còn góp phần quan trọng trong việc hồi sinh làng nghề. Trong suốt 13 năm (từ năm 2011 đến năm 2023) giữ cương vị Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, ông luôn trăn trở: Làm sao để lụa Vạn Phúc không chỉ “sống”, mà còn “phát triển bền vững”? Với suy nghĩ đó, ông đã đứng lớp trực tiếp truyền nghề, đào tạo lớp trẻ, giúp họ sửa chữa máy móc, dạy kỹ năng dệt, nhuộm, thiết kế hoa văn. Ông cũng đề xuất các chương trình dạy nghề “cầm tay chỉ việc”, nơi các nghệ nhân lớn tuổi kèm cặp từng học viên.

Những tấm lụa vân đủ màu sắc, loại lụa chỉ có ở Vạn Phúc, Hà Đông do nghệ nhân làng nghề này khôi phục
Từng họa tiết truyền thống trên tấm lụa Vạn Phúc, từ Phúc - Lộc - Thọ, Song Hạc, Trống đồng, Thọ Đỉnh là kết tinh của sự sáng tạo, của hàng ngàn giờ lao động và tư duy đổi mới. Ông Hà còn đi đầu trong việc số hóa thiết kế hoa văn, rút ngắn thời gian tạo mẫu từ hàng tháng xuống chỉ còn vài ngày, nâng cao độ chính xác và đa dạng hóa sản phẩm. “Trước đây, các nghệ nhân phải thiết kế hoa văn bằng tay, tự vẽ mẫu, sau đó ngồi đục từng bìa một, đục xong rồi kết mảng và đưa lên máy dệt, thời gian mất 6 - 7 tháng. Sau khi áp dụng khoa học công nghệ thì chỉ mất vài ngày, vẽ mẫu hoa trên máy tính rồi số hóa chuyển ra máy đục. Chỉ còn việc kết các tấm bìa với nhau là làm bằng tay. Hơn 10 năm nay, cách làm này phục vụ rất tốt cho các xưởng sản xuất trong làng nghề, kể cả trong TP Hồ Chí Minh cũng ra đây yêu cầu thiết kế giúp các mẫu hoa và hướng đi này của chúng tôi rất đúng”, ông Hà cho hay.
Để vượt qua những khó khăn và đi đến thành công ngày hôm nay, người vợ của nghệ nhân Phạm Khắc Hà - bà Nguyễn Thị Kim Thu luôn đồng hành và cổ vũ cho ông suốt mấy chục năm qua. Gắn cuộc đời với nghề dệt lụa là gắn với những vất vả lo toan, ăn ngủ bên khung dệt, thế nhưng với bà Thu, khi làm ra những tấm lụa làm đẹp cho đời, bà luôn vui và tự hào khi cùng chồng gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống: “Chúng tôi rất hợp nhau trong việc bảo tồn và gìn giữ nghề. Từ khi bắt đầu làm một khung dệt đã phải đi vay tiền, thế mà chỉ sau một năm đã phát triển lên 5 - 6 khung. Vợ chồng tôi và công nhân phải làm việc ngày đêm để đủ hàng trả khách”.
Từ những cố gắng vực dậy và phát triển làng nghề, đến nay, nhiều người trẻ của làng Vạn Phúc đã nối tiếp cha ông giữ nghề với cách làm sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ không chỉ trong sản xuất và cả khâu quảng bá và bán sản phẩm làm từ lụa. Anh Phạm Khắc Hiếu, con trai nghệ nhân Phạm Khắc Hà cho biết, dù nghề thủ công không mang lại lợi nhuận cao, anh vẫn theo đuổi với niềm tin mạnh mẽ rằng: có sáng tạo, có cải tiến thì nghề truyền thống mới tồn tại lâu dài: “Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều chính sách để phát triển làng nghề, có thể hỗ trợ về sản xuất, du lịch, quảng bá hình ảnh, có thêm nhiều tour du lịch để du khách đến đây sẽ kích thích làng nghề phát triển hơn, và để nhiều người có cơ hội theo nghề truyền thống”.

Những tấm lụa mang thương hiệu lụa Hà Đông, đặc biệt là lụa vân cao cấp, một “đặc sản” được khôi phục bởi các nghệ nhân làng Vạn Phúc giờ đây không chỉ xuất hiện trong áo dài, khăn quàng, mà còn có mặt trong sản phẩm thời trang cao cấp, quà lưu niệm, nội thất… Những sáng tạo ấy được thổi hồn từ thế hệ trẻ, nhưng luôn mang dấu ấn nền tảng mà ông Phạm Khắc Hà và các nghệ nhân đi trước đã dày công tạo dựng. Với những cống hiến của mình, nghệ nhân Phạm Khắc Hà đã nhận được nhiều bằng khen, trong đó, ông được UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Hà Nội, được vinh danh là Thương binh sản xuất - kinh doanh giỏi Thủ đô, và là nghệ nhân duy nhất được ghi danh trong bảng vàng “Ký ức Hà Nội”.
Chia tay ông Hà, chúng tôi rẽ vào phố lụa Vạn Phúc, chọn mua một vài sản phẩm làm từ những tấm lụa mềm mượt, mang theo hồn cốt của ngôi làng cổ kính. Tấm lụa ấy không chỉ đẹp ở hình dáng, mà còn đẹp bởi những con người đứng sau nó. Và giữa bao đổi thay của cuộc sống hiện đại, ông Phạm Khắc Hà - người lính già năm xưa, vẫn ngồi bên khung cửi, tiếp tục dệt giấc mơ lụa Việt.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-cuu-chien-binh-giu-hon-lua-tiep-lua-lang-nghe-post1217415.vov