Người đàn bà của 'Noal 1970': Hát như thế vì đời là như thế

Noal 1970 hiện diện trong khu phố cổ, có một ekip cố định có 3 người: Mai Loan hát, Nguyễn Cương ghi ta và thêm cô gái trẻ Minh Tuyết, người có giọng hát trong trẻo như nước suối ban mai....

 Người đàn bà hát Mai Loan đêm đêm vẫn thủ thỉ kể chuyện đời bằng giai điệu của Trịnh, bằng chất giọng đã được nhào luyện thành tinh chất để nhỏ từng giọt vào trời đêm, trong tiếng ghi ta của Nguyễn Cương cứ như khoan xoáy vào lòng người.

Người đàn bà hát Mai Loan đêm đêm vẫn thủ thỉ kể chuyện đời bằng giai điệu của Trịnh, bằng chất giọng đã được nhào luyện thành tinh chất để nhỏ từng giọt vào trời đêm, trong tiếng ghi ta của Nguyễn Cương cứ như khoan xoáy vào lòng người.

Noal 1970 là thương hiệu của Không gian âm nhạc Mai Loan do ca sĩ Mai Loan làm chủ. Từ Loan sang Noal trong logo nhận diện không đơn giản là sự hoán đổi vị trí của hai chữ L và N mà còn mang ẩn ý về sự sắp đặt của số phận, từ cô bé với cái tên Loan cha mẹ đặt cho đến người đàn bà của Noal 1970 ngày hôm nay.

Người nào làm logo phải hiểu Loan lắm mới “vẽ” được khái quát số phận Noal – mỗi nét chữ là mỗi màu sắc riêng để ghép thành một mảng đời có tên Loan.

Giữa ồn ào phố thị Hà thành, trong con ngõ nhỏ, một ngày đẹp trời bỗng “mọc” lên tấm biển với những dòng chữ:

“Không gian âm nhạc Mai Loan – trút bỏ mọi ưu phiền.

Ở đây chúng tôi có bình yên.

Trịnh Công Sơn – âm nhạc chữa lành…”.

Cạnh đó là ảnh của một người đàn bà với dáng điệu rất ngầu, nụ cười phóng khoáng bên chiếc xe phân khối lớn - cứ như vừa đi xới tung một góc nào đó trên trái đất rồi trở về nhà làm phận sự…chữa lành?!

NHẠC TRỊNH VÀ NHỮNG MỐI DUYÊN LÀNH

Tôi là một khách nhạc thân thiết của Mai Loan mấy năm nay. Lần đầu tôi đến với Loan là thời điểm Việt Nam mới gỡ phong tỏa vì đại dịch Covid 19. NSƯT, ca sĩ Kim Tiến, giảng viên lớp học hát online Kim Tiến “gõ kẻng”, thế là từ nhiều nơi trên thế giới, tôi và các học viên khác lục tục kéo về, tụ hội tại không gian âm nhạc Mai Loan trên con phố nhỏ ven hồ Tây.

Hôm đó chúng tôi hát với nhau vang trời vang đất. Hát cho thỏa nỗi lòng của cả một thời gian dài ngăn cách, xa quê hương vì con Covid 19. Hát cho thỏa nỗi tủi cực, có đôi lúc tuyệt vọng của những tháng năm trong đại dịch, ở một nơi xa lạ, khi mà sự sống và cái chết chưa bao giờ mong manh đến thế.

Gặp nhau là duyên. Bên nhau lâu bền lại càng do duyên! Tôi và Loan “bắt” duyên nhau vì một tình yêu với nhạc Trịnh. Người yêu nhạc Trịnh có hàng triệu. Tôi chỉ là một trong số đó. Mấy chục năm nghe Khánh Ly, Trịnh Vĩnh Trinh hát nhạc Trịnh, sau “mở rộng phạm vi” ca sĩ hát nhạc Trịnh sang Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, Kiều Nga, Cẩm Vân, Hồng Nhung, Thanh Hà… và giờ là đến Mai Loan. Trên truyền thông, rất nhiều người nói giọng ca sĩ A, ca sĩ B… giống giọng Khánh Ly hay ca sĩ nào đó là “hậu duệ”, “chân truyền” của Khánh Ly.

 Ca sĩ Mai Loan

Ca sĩ Mai Loan

Với tôi thì, Khánh Ly là Khánh Ly. Chẳng ai bắt chước được cái giọng hát liêu trai, da diết đến ám ảnh đó. Thời trẻ, giọng hát của bà có âm vực rộng hiếm thấy. Bà “cõng” những phận đời lênh đênh trong ca khúc của Trịnh bằng những nốt trầm, đục rồi lại bay vút lên cao, nhẹ bẫng!

Giọng hát của bà khiến giới văn chương chữ nghĩa hao tốn không biết bao nhiêu là bút mực, giới ca sĩ nghệ sĩ thì bao thập kỷ nay dù có thế mạnh của dòng nhạc nào cũng phải lao vào thử sức hát nhạc Trịnh để … hiểu thêm về chính mình.

Cá nhân tôi, dù muốn nói thật nhiều về nhạc Trịnh, về thần tượng Khánh Ly cũng đành bất lực. Hát nhạc Trịnh, hiểu nhạc Trịnh như Khánh Ly, cảm nhận hết ý nghĩa của từng câu hát thì chắc phải đủ trải nghiệm từ vực sâu thống khổ đến hạnh phúc tột cùng!

Có một gạch nối vô hình từ “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly sang người đàn bà chân chất kể chuyện đời bằng nhạc Trịnh là Mai Loan. Nghe chị hát nhạc Trịnh bằng chất giọng trầm khàn, cũng có người nói giọng chị hao hao giống giọng Khánh Ly.

Mai Loan cười nói: “Khánh Ly là một tượng đài mà những ca sĩ hát nhạc Trịnh đều rất kính trọng. Cá nhân Mai Loan không bao giờ dám so sánh với bất kỳ giọng hát nào. Mỗi người hát nhạc Trịnh đều có chất riêng, với một tinh thần riêng, theo cảm nhận của chính mình về những ca khúc của ông. Mai Loan hát nhạc Trịnh, kể chuyện đời mình bằng nhạc Trịnh, sẵn sàng chia sẻ với khách nhạc về những nỗi buồn, niềm vui mà Mai Loan đã trải, về cả những tháng ngày tuyệt vọng nhất, đã “vịn” vào nhạc Trịnh để tự vực mình lên. Đó cũng là lý do mà khi tuổi đời đủ chín, đã đi qua rất nhiều giông bão của cuộc đời, Mai Loan dành toàn bộ tâm huyết theo đuổi dòng nhạc Trịnh, nhạc xưa để phục vụ khách nhạc”.

Người viết bài này từng “ăn, ngủ với nhạc Trịnh”. Có lúc tôi thấy mình là cô bé mới lớn chạy chân trần trên phố đón những giọt mưa bay ngang qua tầng tháp cổ, có lúc thấy mình ngồi lặng bên dòng đời để ngẫm ngợi về những người đã đi qua đời mình “dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người”. Suốt mấy chục năm tôi đã khóc, cười với nhạc Trịnh (theo cách của tôi) như thế.

 Ca sĩ Mai Loan biểu diễn trong chương trình Giấc mơ Trịnh tại Nhà hát Lớn tháng 4 năm 2023

Ca sĩ Mai Loan biểu diễn trong chương trình Giấc mơ Trịnh tại Nhà hát Lớn tháng 4 năm 2023

Nghe Mai Loan hát nhạc Trịnh, tôi không khỏi ngẫm ngợi: Cuộc đời của người đàn bà này có quá nhiều chuyện để kể. Trong cách nén hơi nhả lời của chị, tôi nhìn thấy những người đàn bà bị phụ tình, bị ghen ghét, đố kỵ và vùi dập.

Có những người đàn bà bị bỏ lại bên lề những cuộc tình - vừa nồng nàn như vết cháy trên da thịt đã bị quăng vào dòng đời nguội lạnh. Đúng lúc đó thì có một bàn tay chìa ra, ôm đôi vai gầy của người đàn bà bị bỏ lại trên dòng đời đó. Trịnh đấy!

Mai Loan đã hát nhạc Trịnh với một tinh thần như thế. Có những chua xót khi chị nén lại hơi thở để nhả từng chữ: “Im lặng của đêm, tôi đã lắng nghe… Im lặng của đời tôi đã lắng nghe. Tôi đã lắng nghe im lặng đời mình” (Im lặng thở dài - TCS) nhưng rồi chị cũng nhẹ lòng hơn để “Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm. Cho đời chút ơn biết tà áo nọ. Em là phấn thơm cho rừng chút hương. Làm lời hát ca cho trần gian.” (Cho đời chút ơn - TCS).

Chúng ta, ai cũng vậy thôi. Có những chuyện dù rất kinh khủng đã xảy ra, nhưng khi ta đi qua nó, nỗi đau dần nguôi ngoai sẽ hóa thành vết sẹo, thành câu chuyện để kể lại cho mọi người. Với nhà văn thì nó là tư liệu, chất liệu để tạo thành tác phẩm; với ca sĩ thì nó là nỗi đau lặn ngấm vào trong giọng hát, nhào luyện thành tinh chất để nhỏ từng giọt vào trời đêm, trong tiếng ghi ta cứ như khoan xoáy vào lòng người.

Bốn mắt chúng tôi nhìn thẳng vào nhau. Như đọc được câu hỏi trong mắt tôi, chị nói: “Thời điểm Mai Loan bị suy sụp nhất, rơi vào trầm cảm đến mức như không thể gượng dậy được nữa là sau khi mất đi người đàn ông của đời mình. Mai Loan từng có một cuộc hôn nhân được ví như trong địa ngục, đến lúc thoát được, ôm đứa con gái bé bỏng trên tay để chạy về khóc trong lòng mẹ, Mai Loan cảm nhận được tình thương của mẹ lớn đến mức nào. Rồi Mai Loan gặp anh, một nhà báo có tên tuổi của một tờ báo có lượng độc giả lớn. Hạnh phúc mà anh mang lại cho một người đàn bà từng chịu nhiều khổ đau tan nát như Loan nó ngọt ngào vô cùng. Mai Loan luôn tạ ơn trời đất đã cho Mai Loan được sống trọn vẹn trong tình vợ nghĩa chồng, cho đứa con gái bé bỏng tấm tình cha con bao dung, ấm áp. Ấy vậy mà một cơn bạo bệnh đã cướp đi của Mai Loan người đàn ông do định mệnh đem lại”. – “Tôi đã mường tượng câu chuyện khi nghe Mai Loan “nhai” lời “Em đi i.i.i bỏ lại con đường… (TCS) rồi lại thấy Mai Loan tưng tửng “Đêm nay… ai đưa em về” (nhạc Nguyễn Ánh 9), nghĩ rằng mọi sự cũng đã nguôi ngoai?”. Tôi nhận xét.

Mai Loan trầm buồn: “Đó là hiện tại, còn hồi đó thì, đúng lúc tưởng chừng chết đi sống lại, đứa con gái đang tuổi bánh đa nướng bỗng công khai giới tính nam. Trời như sập xuống chị ạ. Mẹ khổ con khổ. Con bé đâu có lỗi gì. Cuộc đời lúc ấy như không còn gì để mất nữa. Vì con mà Mai Loan gượng dậy, quyết định đồng hành cùng con, chấp nhận và công khai giới tính của con. Bố mẹ Mai Loan vì thế mà suy sụp, càng thương con thương cháu càng đổ bệnh”.

CHỦ "QUÁN CÀ PHÊ...CHẠY" VÀ NHỮNG GIỌT NƯỚC MẮT HỒI SINH

Do những định kiến về người đồng giới ở Quảng Ninh còn rất nặng nề, Mai Loan dắt con lên Hà Nội, thuê nhà trọ, hai năm liền ngắt liên lạc với gia đình. Để có tiền trang trải cuộc sống, Loan phải bán cà phê “chạy” – nghĩa là chiều đến dọn quán xuống ven hồ Hoàng Cầu, nơi mà cảnh sát và đội an ninh trật tự ít để ý vì họ thường xua quân đi dẹp các quán trên vỉa hè. Khi nào họ để mắt đến thì thôi rồi, chủ quán chạy, khách chạy.

Chủ “quán cà phê chạy” sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là ca sĩ không chuyên của vùng than Quảng Ninh, bố làm ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, mẹ làm ở mỏ than Hà Lầm; em trai chị làm nhạc sĩ, đạo diễn sự kiện có tiếng của thành phố Hạ Long và cả vùng đất mỏ. Bản thân Mai Loan từng nhiều năm phụ trách phong trào văn hóa văn nghệ của công ty than Hà Tu (trực thuộc Tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam), được cưng như trứng mỏng vì khả năng tổ chức, giọng hát và bản lĩnh hơn người.

Thế mà vì dòng đời xô đẩy, nỗi sợ thường trực lúc này là sợ không có gì cho con ăn, sợ nhìn thấy…công an vì sẽ bị tuýt còi, giải tán quán… Cuộc sống vật chất lúc bấy giờ gần như là mì tôm chan nước mắt.

 Người nào làm logo phải hiểu Loan lắm mới “vẽ” được khái quát số phận Noal, mỗi nét chữ là mỗi màu sắc riêng để ghép thành một mảng đời có tên Loan

Người nào làm logo phải hiểu Loan lắm mới “vẽ” được khái quát số phận Noal, mỗi nét chữ là mỗi màu sắc riêng để ghép thành một mảng đời có tên Loan

“Mấy năm liền sống mà như tự đọa đày mình như thế, do cá tính bướng bỉnh, không muốn bố mẹ buồn, Loan giấu nhẹm bố mẹ và các em về hoàn cảnh thực tại của mình. Nhưng đúng là ông Trời luôn mở đường cho mà sống chị ạ. Tưởng hết lối thoát thì lại… pha cà phê ngon”. Loan cười phá lên.

Nhờ “cái tay” pha cà phê hợp gu với khá nhiều người nên dù vừa bán vừa chạy, khách đến uống cà phê, trò chuyện với chủ quán cũng tăng dần lên. Dần dà chị có những người bạn tốt, đầy tình nghĩa.

Từng có lúc Loan bị tử thần rủ rê bằng tiếng gọi xa xăm, thúc giục chị lội xuống hồ Hoàng Cầu để chấm dứt cuộc đời đau khổ. Đúng lúc ấy, chính những người Hà Nội mới quen và chưa quen đã lao xuống, ôm chặt và đưa Mai Loan trở về thực tại, phải sống, phải cho đứa con trai (trong hình hài là gái) sức mạnh để đi tiếp.

Rồi mai Loan gặp ghitar Nguyễn Cương, một cậu em kém chị cả đôi chục tuổi. “Có thể nói đó là một cuộc gặp định mệnh. Cương lúc bấy giờ cũng đang bị trầm cảm nên hai chị em đều thấu hiểu và thương nhau. Những lúc không có tiền, chị em chia nhau gói mì tôm, để dành tiền cho “thằng Nhím” đang tuổi lớn được ăn đủ chất hơn”. Mai Loan kể.

Có thêm “tay” của Cương, hai chị em thuê được không gian rộng rãi – Cà phê ngon, Cương đàn, Loan hát. Dần dà không gian âm nhạc Mai Loan với dòng nhạc Trịnh Công Sơn ra đời.

 Không gian âm nhạc Mai Loan

Không gian âm nhạc Mai Loan

“Đây là nơi hai chị em Mai Loan tỉnh thức và tự chữa lành mình. Cả người yêu nhạc Trịnh, cả những người đang trong cơn bế tắc, phiền muộn cũng đến để nghe Mai Loan hát và chia sẻ câu chuyện đời mình. Bố mẹ Mai Loan cũng nguôi ngoai, sức khỏe tinh thần và thể chất khá hơn, lại ôm con ôm cháu vào lòng…”. Người đàn bà hát kéo ánh nhìn của mình lại gần với tôi hơn để tiếp tục mở lòng.

Không gian âm nhạc của Mai Loan giờ hiện diện trong khu phố cổ. Một ekip cố định có 3 người: Mai Loan hát, Nguyễn Cương ghi ta và thêm cô gái trẻ Minh Tuyết, người có giọng hát trong trẻo như nước suối ban mai.

Trong tuần có thêm những đêm nhạc đặc biệt, có sự tham gia của các ca sĩ gạo cội khác. Không gian nhỏ, đủ ấm áp và sự tinh tế. Vẫn là chị, người đàn bà từng rớt từ đỉnh cao kiêu hãnh xuống vực thẳm thác ghềnh rồi neo đậu lại một góc nhỏ bình yên.

Đêm đêm ánh mắt chị vẫn sáng lên từ hố tối của một thời đã qua, như ngọn đèn dẫn lối cho những tâm hồn đồng điệu đến với mình. Trong tiếng ghi ta như xoáy vào màn đêm, ca sĩ và khách nhạc cùng nhau thảng thốt “Tôi là ai, là ai mà yêu quá đời này?!”.

Nguyễn Kim Khánh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nguoi-dan-ba-cua-noal-1970-hat-nhu-the-vi-doi-la-nhu-the-post553233.html