Mỏ đất không hoàn thổ gây sạt lở ruộng đất người dân. Video: Nguyễn Thành
Thời gian qua, cử tri và người dân huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) phản ánh về tình trạng sạt lở đất nông nghiệp của người dân xung quanh khu vực mỏ đất thôn An Châu, xã Hòa Phú làm nhiều diện tích đất của người dân bị mất hoặc không thể sản xuất được. Tình trạng này kéo dài, chậm khắc phục khiến người dân bức xúc.
Khu vực xảy ra sạt lở, xói mòn đất trước đây là mỏ đất được cấp phép cho Công ty Hiệp Đại Hưng khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động đã xảy ra việc sạt lở đất nông nghiệp tại phía tây và phía nam mỏ. Việc khai thác mỏ đã khiến hàng chục ngàn mét vuông đất nông nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó có hàng ngàn mét vuông đất của nhiều hộ dân không thể sản xuất được.
Sau đợt mưa lớn vừa qua, khu vực này tiếp tục xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào ruộng, đất của người dân.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng sạt lở, mất đất người dân đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Tuy nhiên, từ khi hết hạn giấy phép khai thác, doanh nghiệp rút đi hiện trạng khu vực khai thác chưa được hoàn thổ. Trong khi người dân chưa được hỗ trợ vụ mùa, tình trạng sạt lở đất diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là sau các đợt mưa lớn.
Nước từ các khu vực sườn đồi xung quanh chảy xuống gây xói lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất tại đây.
Vừa qua, trả lời ý kiến cử tri, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, mỏ đất sét ở thôn An Châu được UBND TP. Đà Nẵng cấp phép cho Công ty TNHH Hiệp Đại Hưng khai thác theo giấy phép khai thác khoáng sản (gia hạn) ngày 10/6/2022, thời hạn khai thác đến ngày 10/6/2023.
Hiện nay, khu vực sạt lở đang lan rộng, lấn sâu về phía gần khu vực đường dây điện cao áp gần đó. Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho hay, sau khi giấy phép hết hiệu lực, công ty đã thực hiện lập và nộp đề án đóng cửa mỏ khoáng sản cho sở để thẩm định, trình thành phố phê duyệt làm cơ sở cải tạo, phục hồi môi trường khu vực. Hiện nay, đề án đóng cửa mỏ nêu trên đang trong quá trình thẩm định.
Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cũng cho biết, trong thời gian chờ thành phố phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, đã có công văn yêu cầu công ty triển khai một số giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối tại khu vực mỏ. Trong đó, yêu cầu có giải pháp gia cố, không để xảy ra sạt lở, gây lún công trình lưới điện cao áp, trạm điện tại vị trí lân cận khu vực mỏ; đảm bảo không gây uy hiếp an toàn lưới điện, đặc biệt là mùa mưa bão sắp đến.
Sở TN&MT Đà Nẵng cũng yêu cầu cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nhắc nhở nhằm hạn chế người và phương tiện di chuyển trong thiên tai có nguy cơ gây mất an toàn. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị để chủ động xử lý kịp thời các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, khắc phục kịp thời sự cố do thiên tai (nếu có). Trường hợp xảy ra hiện tượng sạt lở hoặc các hiện tượng khác gây mất an toàn, khẩn trương báo cáo về huyện, xã, cơ quan liên quan để có phương án xử lý kịp thời…
Trong khi chờ đề án đóng cửa mỏ, khu vực xung quanh mỏ đất ở thôn An Châu, ruộng đất của người dân tiếp tục bị sạt lở. Người dân lo lắng hơn khi thời tiết được cơ quan khí tượng dự báo sẽ có mưa lớn kéo dài trong thời gian tới.
Cả một khu vực rộng lớn tại khu vực mỏ khoáng sản loang lổ sau khai thác vì không được hoàn thổ. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm có biện pháp kịp thời để ngăn chặn tình trạng sạt lở, mất đất sản xuất.
Nguyễn Thành